'Lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị là 'chìa khóa vàng' dự phòng đột quỵ'
Đột quỵ là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm ở Việt Nam, mỗi năm có tới 200.000 người bị đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở nước ta. Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ? ngoài những nguyên nhân gây đột quỵ được biết đến như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, bệnh lý mạch vành…, còn nguyên nhân nào khác gây ra đột quỵ cần lưu ý?
Nhân ngày Đột quỵ thế giới 29/10, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, lâu nay chúng ta đã nói rất nhiều về các nguyên nhân gây ra đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường hay béo phì… Vậy còn yếu tố nào gây ra đột quỵ đang được xếp yếu tố nguy cơ hàng đầu nhưng lại chưa được quan tâm?
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Các yếu tố chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc…, là những nguyên nhân gây đột quỵ, được nhiều người biết đến và đã có nhiều khuyến cáo nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, một bệnh lý tim mạch khác cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ đó là bệnh rung nhĩ. Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Rung nhĩ làm tăng 3-5 lần nguy cơ đột quỵ.
Khi bị rung nhĩ, tim đập không đều, nên không thể tải lượng máu còn thừa ở tâm nhĩ xuống tâm thất, lúc này lượng máu còn thừa không lưu thông được và đọng lại ở tâm nhĩ thành cục máu đông. Máu đông hình thành sẽ dẫn đến tắc mạch máu gây ra tai biến mạch máu não, nhồi máu thận, ứ trệ tuần hoàn… Người bị rung nhĩ thì tăng nguy cơ tai biến mạch não lên 30%, tăng tỷ lệ suy tim 20-30%...
Theo thống kê của Hội Tim mạch châu Âu, năm 2016 có tới 43,6 triệu người mắc bệnh rung nhĩ trên toàn thế giới. Điều này cho thấy tỷ lệ người mắc rung nhĩ ngày càng tăng.
Việc không tuân thủ điều trị theo yêu cầu của bác sĩ nguy hiểm thế nào với các bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường và đặc biệt là bệnh rung nhĩ thưa bác sĩ?
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Việc bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ, bỏ thuốc giữa chừng là điều mà bác sĩ lo ngại nhất khi điều trị cho bệnh nhân.
Chẳng hạn, với bệnh nhân rung nhĩ điều trị thuốc chống đông có thể chảy máu, nhiều bệnh nhân lo sợ và từ bỏ điều trị. Trong trường hợp này, bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Lợi ích ở đây là khi dùng thuốc thì sẽ đạt được mục tiêu là ngăn ngừa hình thành cục máu đông, ngăn ngừa tắc mạch. Còn nguy cơ khi dùng thuốc thì có thể dẫn tới chảy máu. Cân nhắc giữa hai yếu tố lợi ích và nguy cơ thì bệnh nhân tuân thủ điều trị vẫn là ưu tiên. Lấy một ví dụ để bạn đọc dễ hiểu: Nếu 100 người bị rung nhĩ được điều trị thuốc thì sẽ có 1-2 người gặp phải biến chứng chảy máu và khoảng 98 người còn lại sẽ giảm thấp nguy cơ đột quy. Nhưng nếu dừng thuốc, không điều trị cho 100 người thì 100 người này sẽ có nguy cơ đột quỵ cao. Cho nên, chất lượng cuộc sống và gánh nặng bệnh tật do biến chứng của rung nhĩ gây ra sẽ nặng nề hơn rất nhiều lần lên gia đình và xã hội.
Bác sĩ có điều gì muốn nhắn gửi đến các bệnh nhân nói riêng và độc giả của Báo Sức khỏe & Đời sống nói chung về vấn đề phòng ngừa căn bệnh đột quỵ?
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Vừa qua, chúng tôi tiếp nhận cấp cứu một bênh nhân bị tắc mạch máu não. Bệnh nhân này bị rung nhĩ nhưng lại bỏ thuốc. Rất tiếc bệnh nhân đã không qua khỏi.
Tôi muốn gửi đến các bạn lời khuyên là hãy từ bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia. Duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị là “chìa khóa vàng” dự phòng đột quỵ.
Tăng cường vận động một cách hợp lý, chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ. Đối với người có yếu tố nguy cơ, cần đi khám sàng lọc, đặc biệt là phải tuân thủ điều trị. Uống đúng và đủ thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc dự phòng đột quỵ, để chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Xin cám ơn bác sĩ.