Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)
Tự cổ xưa tới nay, một nguyên tắc đã định hình: người lãnh đạo sống càng bình dị, gần gũi, càng được dân tin, dân yêu. Và chỉ khi được dân tin, dân yêu thì lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên, của đại biểu dân cử mới thực sự có hiệu quả, mới phát huy được vai trò…
“Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào”!
Nhà báo Dương Đức Quảng từng kể rằng, khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn lặng lẽ nhờ người chở mình đi xe máy về thăm Khoa Văn trong sự xúc động của thầy cô và bè bạn. Vẫn chỉ coi mình là một người học trò trở về thăm trường, thăm thầy cô, bè bạn, người cựu học trò năm xưa không hề khoa trương mà rất đỗi gần gũi, bình dị. Và ngay cả khi là Tổng Bí thư, phong cách đó cũng vẹn nguyên khi về dự gặp mặt lớp cũ: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân!”.
“Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn...”.
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi về dự họp mặt Khoa Văn, Đại học Tổng hợp).
Và những ngày này, nhiều người chia sẻ bức ảnh Tổng Bí thư đến thăm nhà cô giáo chủ nhiệm năm học lớp 4, cô Đặng Thị Phúc. Giờ đây, dù đã ở tuổi 92, sức khỏe, trí nhớ giảm sút nhưng hình ảnh cậu học trò lớp 4 năm xưa vẫn in đậm trong tâm trí cô giáo Đặng Thị Phúc. “Vậy là cô không còn được gặp trò Trọng lần cuối nữa rồi”, giọng cô nghẹn ngào và xúc động đọc lại mấy vần thơ cô viết năm 2001, trong một lần trò cũ Nguyễn Phú Trọng tới thăm cô: “Thơ ngây mái tóc mười hai/ Áo nâu, chân đất, ngô khoai đỡ lòng/ Em trò nhỏ nhất kém chi/ Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài”. Và năm 2019, nhân dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi, Tổng Bí thư đến thăm cô và nắn nót ghi lại những dòng chữ kính chúc sức khỏe cô giáo cùng gia đình bằng nét bút màu xanh trên tờ giấy nhỏ: “Kính chúc thầy cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới. Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai trong những năm tháng được cô dạy bảo”!
Một bạn đọc bình luận: “Thật tuyệt vời, cô có được người học trò vô cùng xuất sắc, giữ cương vị đứng đầu Đảng ta nhưng lại rất mực khiêm tốn, giản dị, kính trên nhường dưới. Là một người dân Việt Nam, đọc được lá thư này, câu chuyện này vừa càng thương tiếc, kính yêu người lãnh tụ liêm chính, kiệm cần, vừa là tấm gương soi sáng để mỗi gia đình giáo dục con cháu tu dưỡng đạo hiếu con người”…
Một bức ảnh khác cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội những ngày này là hình chụp cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng nhân dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019. Một hình ảnh rất tự nhiên, Tổng Bí thư chăm chú buộc lạt, gói bánh chưng xanh bên cạnh những người thân trong gia đình. Bức ảnh đầm ấm, sum vầy khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của chính gia đình mình, kính mến và rất đỗi ân tình như người ông, người cha trong gia đình mình vậy…
Giải báo chí về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng năm 2017, trong 6 tác phẩm đạt giải cao nhất (giải A), có 1 tác phẩm ảnh duy nhất. Đó là tác phẩm “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai” của tác giả Lê Trí Dũng – Thông tấn xã Việt Nam. Một bức ảnh phản ánh lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm bà con ở các địa phương là chuyện thường thấy, nhưng sao bức ảnh nói trên lại có sức lan tỏa và đạt giải cao như vậy? Đó là câu hỏi mà nhiều người muốn biết. Bức ảnh chụp lại một khoảnh khắc trong chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Gia Lai, một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên ngày 12/4/2017.
“Bức ảnh này tôi chụp khi Tổng Bí thư vào thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun. Hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng giản dị ngồi trên bậc cửa, nắm tay, tặng quà và ân cần hỏi thăm cuộc sống của thương binh Đinh Phi gây ấn tượng mạnh với bà con địa phương và đoàn công tác bởi sự gần gũi, thân thiết, gắn bó với người dân. Tác phẩm đã gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa Đảng với dân. Càng gần gũi, càng giản dị, càng chân thành thì dân càng tin Đảng” – anh Lê Trí Dũng chia sẻ. Đây chỉ là một trong vô vàn hình ảnh công tác, sinh hoạt đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta luôn thể hiện phong thái, lối sống mực thước, bình dị, gần gũi với quần chúng nhân dân.
Lối sống bình dị “tự nhiên hương”…
Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội quy định, một trong những tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…
Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tại điểm 7, điều 2 nêu: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; mẫu mực về đạo đức, lối sống; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.
Như vậy, yêu cầu về “mẫu mực về đạo đức, lối sống; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành” là những nội dung hết sức quan trọng trong quy định của Bộ Chính trị đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ trọng trách cao.
Tại sao cần sống bình dị, mẫu mực về đạo đức, lối sống?
Câu trả lời đến từ chính cốt cách, lối sống của người dân Việt Nam, một cốt cách mộc mạc, chân phương, kiệm cần với công việc và đơn sơ trong lối sống, sinh hoạt thường ngày. Đó là lối sống tự bao đời của người dân trên mọi miền đất nước, chẳng cứ vùng đất, dân tộc, thành phần. Cốt cách đó định hình từ nền văn hóa truyền thống làng xã, ruộng vườn với tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm”. Người cán bộ, đảng viên sinh ra, lớn lên dù ở đô thị hay thôn quê cũng đều mang cốt cách từ ông bà, cha mẹ hoặc ảnh hưởng của cốt cách đó.
Tự cổ xưa tới nay, ở các dân tộc trên thế giới, một nguyên tắc đã định hình: sống càng bình dị, càng gần gũi, càng được dân tin, dân yêu. Và chỉ khi được dân tin, dân yêu thì lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên, của đại biểu dân cử mới thực sự có hiệu quả, mới phát huy được vai trò. Cũng chỉ có thể sống bình dị, sống hòa mình vào quần chúng, người cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội mới có thể hiểu được đời sống thực tiễn, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con. Thấu hiểu để điều tiết hành vi của mình, quý trọng từng đồng tiền bát gạo, mồ hôi, xương máu của đồng bào và phát huy thành quả trong hiện tại, tương lai. Giá trị của nền độc lập, tự do ngày nay là kết quả của bao máu xương các bậc tiền bối đổ xuống.Lối sống xa hoa, hưởng lạc, cá nhân ích kỷ, tiêu tiền như tát nước, thể hiện quan cách, trịch thượng, kiêu ngạo… là những thứ đối lập với lối sống bình dị, mộc mạc của đồng bào.
Chỉ có thể sống bình dị, sống hòa mình vào quần chúng, người cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội mới có thể hiểu được đời sống thực tiễn, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con. Thấu hiểu để điều tiết hành vi của mình, quý trọng từng đồng tiền bát gạo, mồ hôi, xương máu của đồng bào và phát huy thành quả trong hiện tại, tương lai...
Sinh thời, Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Gốc rễ của đạo đức, phong cách bình dị, liêm chính chính là tấm lòng vì nước vì dân, vì lợi ích quốc gia, tập thể của Bác. Trong đời sống, chỉ những ai có được đức tính đó, không mưu cầu, vụ lợi cá nhân mới có thể làm được, mới hành động một cách “tự nhiên hương” chứ không phải là sự khiên cưỡng, giả tạo. Bất cứ ai để chủ nghĩa cá nhân chi phối, để chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, tất không thể làm được.
Có ý kiến cho rằng, thời kỳ Bác Hồ, đất nước còn chiến tranh, gian khổ nên cán bộ, đảng viên ngày đó muốn xa hoa cũng không được. Quan niệm như vậy là sai lầm. Vụ án Trần Dụ Châu cho ta thấy, ngay trong điều kiện chiến tranh, bộ đội, nhân dân sống chắt chiu từng củ khoai, củ sắn, vậy mà cán bộ như Trần Dụ Châu đã dùng thủ đoạn vơ vét, hưởng lợi, sống xa hoa, mở tiệc tùng linh đình, tham nhũng của công, ăn chặn tiền, trợ cấp của bộ đội, vung tiền bao gái… Thực tế đó cho thấy, nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì lòng tham, vụ lợi của cán bộ, đảng viên sẽ trỗi dậy bất kỳ lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ là hiểm họa cho nhân dân nếu tiếp tục để nó sinh sôi, nẩy nở.
Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, mở cửa, hội nhập, bài học về tu dưỡng đạo đức lối sống càng trở nên cấp thiết. Với cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các chức vụ cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước, lối sống thanh bạch, giản dị, khiêm nhường trong điều kiện đó càng gần dân, càng được dân tin yêu. Nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt, cuộc họp diễn ra ngay tại phòng làm việc của Tổng Bí thư. Nhiều người thực sự xúc động khi thấy căn phòng làm việc của Tổng Bí thư rất đơn sơ, bình dị. Căn phòng mộc mạc, không hề trang trí đèn hoa lộng lẫy hay những bộ bàn ghế, nội thất xa hoa đắt tiền như nhiều phòng làm việc của cán bộ sở, ngành, địa phương.
Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống
Bày tỏ vinh dự lớn lao và đối với cá nhân là một kỷ niệm sâu sắc khi được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng - một phần thưởng cao quý đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Như các đồng chí đã biết, tôi được kết nạp vào Đảng ngày 19/12/1967, khi tôi vừa tròn 23 tuổi, đang học năm thứ 4 Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sơ tán ở xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (khi đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn dân ta đang ở giai đoạn hết sức quyết liệt). Trong suốt hơn 55 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà tôi từng bước trưởng thành và phấn đấu làm được một số việc. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi đã làm là vô cùng nhỏ bé so với công lao giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đảng viên đi trước; sự cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những cơ quan - nơi tôi từng học tập, công tác và làm việc”.
Tổng Bí thư khẳng định, xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!”.
“Còn một giây, một phút tàn hơi/Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”!
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời thơ Tố Hữu trong dịp nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng).
Tổng Bí thư nhắc lại những câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”; “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ!”... và lời thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Còn một giây, một phút tàn hơi/Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”!