Lội suối băng ngàn săn 'thần dược' hoa pi-đin

Loài hoa kỳ lạ có tên pi đin được coi là 'lộc trời' chỉ nở vào độ cuối thu, đầu đông hàng năm ở miền rừng núi một số xã của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Mỗi độ mùa hoa, đồng bào dân tộc Nùng nơi đây lại băng ngàn lội suối đi tìm loài về chữa bệnh và bán với giá cao kiếm thêm thu nhập.

Hoa pi-đin được coi là "lộc trời" đem đến thu nhập cho người dân

Hoa pi-đin được coi là "lộc trời" đem đến thu nhập cho người dân

Loài hoa kỳ lạ

Sáng tinh mơ, khi màn sương còn giăng đặc các ngọn núi, các ngả đường cùng với cái lạnh buốt đến thấu xương, hai người phụ nữ tên Mã Thị Hương và Mã Thị Lan lặng lẽ lôi trong bao tải nhỏ những cây pi đin ra cái rổ để bán cho kịp phiên chợ đang sắp diễn ra.

“Gian hàng” chưa bày xong đã có vài người khách lạ không rõ từ ngóc ngách nào phi xe máy xuyên qua màn sương mờ như những bóng ma đến chỗ chị Lan và Hương, họ nhanh tay chọn mua những cây pi đin đẹp nhất đưa lên mũi hít một hơi thật sâu để cho vị thơm của loài cây lạ lùng này ngấm đến tận những tế bào phổi rồi cho “chiến lợi phẩm” vào túi nilon và kéo ga đi mất hình vào làn sương mù dày đặc. Khoảng 30 phút sau khi mở hàng, những cây pi đin đã nhanh chóng được bán hết.

Chị Lan trầm trồ bảo: “Mấy ông vừa nãy mở hàng may thật, bán đắt như tôm tươi”. Nói rồi, hai người thu gom đồ đạc, gồng gánh rẽ sang quán phở ăn một tô bún rõ to, xong xuôi, họ cùng nhau vào quán thịt lợn quay mua mỗi người một cân, cộng thêm một túi bánh rán bỏ vào gánh rồi hỉ hả đi vào con đường mòn dẫn vào các thôn bản.

Chị Mã Thị Lan chào bán hoa pi-đin

Chị Mã Thị Lan chào bán hoa pi-đin

Khi chúng tôi hỏi người dân về loài hoa pi đin, nhiều người bảo, nói là hoa cũng được, là củ cũng được, bởi loài cây kỳ lạ này có một củ to như nắm tay nằm dưới mặt đất, đến cuối thu, đầu đông, trên mỗi củ pi đin nhú ra những cái nụ to như ngón tay, ngón chân rồi xuyên qua mặt đất hút ánh nắng trời, nước sương trên núi. Sau khi bung khỏi mặt đất khoảng 3 - 5 ngày, những nụ hoa bắt đầu nở, tòa mùi thơm thoang thoảng như cốm làng vòng ở Hà Nội, như lúa nếp nương...

Mỗi năm, hoa pi đin chỉ nở một lần vào dịp cuối thu, đầu đông, thời gian này kéo dài 1 - 2 tháng, sau đó phần củ bị thối mục, nhưng phần rễ thì vẫn tươi nguyên. Sang đến cuối xuân, đầu hạ, khi những giọt mưa thấm đều vào từng thớ đất, những chiếc rễ tươi bắt đầu phát triển trở lại, hút dinh dưỡng từ đất rồi phát triển thành củ và đơm hoa khi thu tàn đông khai.

Theo chị Mã Thị Hương thì loại thảo dược này rất quí hiếm, chúng chỉ xuất hiện ở những nơi núi cao, có đất đá vôi và cỏ mục dưới các hốc đá. Muốn tìm được loại cây này phải hành quân hơn nửa này đường, đu mình qua những rãnh núi xung quanh huyện Thạch An từ sáng tinh mơ, đến chiều tối mới ra khỏi rừng và đem ra chợ bán vào sáng ngày hôm sau. Vì việc tìm kiếm cây pi đin rất khó khăn, thế nên không phải ai cũng có đủ dũng cảm băng qua cái lạnh tê tái của mùa đông để lên núi tìm loài cây kỳ dị này.

Hoa Pi-đin được coi là thuốc quý chữa nhiều bệnh, đặc biệt tăng cường sinh lực cho các quý ông

Hoa Pi-đin được coi là thuốc quý chữa nhiều bệnh, đặc biệt tăng cường sinh lực cho các quý ông

Chị Lý Thị Thu, một người săn cây pi đin ở xã Danh Sĩ, huyện Thạch An cho tiết lộ: “Ở xã Danh Sĩ hiện nay chỉ có vài ba người săn cây pi đin để bán. Những người như chúng tôi vì kinh tế khó khăn nên phải lên núi tìm loại cây này bán kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Nếu may mắn thì chỉ cần một tuần tìm loại cây này cũng bằng cả năm trồng lúa. Được cái cây pi đin bán rất chạy, chỉ cần ra đến chợ Đông Khê thì lập tức có người mua. Có hôm người đi đường còn tranh nhau mua hàng, tôi chỉ bán trong vài phút đã hết sạch hàng và được về sớm để chuẩn bị cơm nắm muối vừng lên núi tìm cây lạ, tiếp tục bán cho phiên chợ ngày hôm sau.

So với những mặt hàng khác thì cây pi đin được bán với giá cao, khoảng 70 - 100 ngàn/1kg. Thậm chí như năm ngoái giá còn lên đến 300 ngàn/1kg. Nếu gặp may mắn thì thợ săn hoa pi đin một ngày kiếm được khoảng 5 - 6 kg, quy ra tiền phải được từ 500 - 1,8 triệu đồng.

Cây thuốc quý

Hai người phụ nữ bán cây pi đin đã chìm khuất vào sương mờ lừ lâu, nhưng câu chuyện sôi nổi của nhiều người nơi xóm chợ về loài cây này vẫn là chủ đề nóng bỏng xua tan đi cái lạnh tê tái buổi ban mai. Trong lúc trò chuyện, anh Lý Văn Phăng cao hứng chạy vào nhà lôi ra một bình rượu ngâm cây pi đin tuyệt đẹp được anh chế biến cách đây hơn một tuần. Anh bảo, cái “món” này thì nhiều người thích lắm, nó là vị thuốc cổ truyền của người Nùng ở Thạch An.

Thế nhưng có điều lạ lùng là không nhiều người biết đến cái tên pi đin, bởi theo anh Phăng thì đó là cái tên mà ai đó đặt cho, gần đây, vài người dưới xuôi khi đi qua đây thấy loài cây lạ này lại đặt cho nó cái tên khác khá mỹ miều nhưng không ai nhớ nổi. Nếu người nào muốn dùng thuốc thì họ lên rừng đi hái như một thói quen chứ chẳng biết gọi tên nó là gì, cho tới gần đây thì cái tên pi đin mới bắt đầu được phổ biến để nhiều người biết cho dễ tìm.

Theo truyền thống của bà con dân tộc Nùng, huyện Thạch An thì họ thường dùng loài cây này để cho phụ nữ uống sau khi sinh để bổ máu, chữa bệnh đau tức ngực, khó thở, bệnh trĩ và tăng cường sinh lực phái mạnh. Chị Lan cho tiết lộ: “Cây thuốc này chữa bệnh trĩ rất nhạy, bà con trong làng nếu có ai bị bệnh này thì phải đợi đến mùa hoa pi đin rồi lên núi hái về, sau đó đem phơi khô sắc uống hàng ngày, chỉ một thời gian ngắn bệnh sẽ khỏi”. Không những thế, cây pi đin còn là loại viagra cho các quí ông để tăng cường sinh lực.

Ở Thạch An, có nhiều chị em còn tự tìm mua cây pi đin loại tốt với số lượng lớn về ngâm rượu, phơi khô... dự trữ cho chồng uống trong cả năm. Nhiều ông đến mua cây pi đin của chúng tôi cũng phải thừa nhận, cây này chẳng khác nào thuốc “Ama Kong” của người Thạch An, có điều khác là thuốc “Ama Kông” của người Thạch An chỉ duy nhất một vị, còn Ama Kong của Tây Nguyên thì có rất nhiều vị thuốc gộp lại”

Chị Mã Thị Hương cho biết: “Trước đây dân chúng tôi chỉ hái cây pi đin về phơi khô, hoặc gác bếp, ngâm rượu... làm thuốc chữa bệnh và dự trữ trong gia đình. Vài năm trước, chúng tôi thấy nhiều người đến nhờ tìm cây thuốc này để chữa bệnh trĩ, hoặc cho bà đẻ uống, ngâm rượu... nên nảy ra ý định hái cây pi đin xuống chợ Đông Khê bán thử. Không ngờ cây này được nhiều người mua đến thế, chúng tôi bán vèo cái là đã hết hàng. Ban đầu tôi định giá bán mỗi cân pi đin là 35 ngàn, về sau có người trả đến 50 ngàn. Thậm chí như năm ngoái chúng tôi nâng giá bán lên 300 ngàn/1kg mà khách vẫn tranh nhau mua”.

Hoa pi-đin mang đến thu nhập tốt nên người dân háo hức chờ đợi đến mùa, chờ đợi đến ngày được cùng nhau nô nức vượt suối băng ngàn đi săn tìm thần dược về để chữa bệnh và bán lấy tiền cải thiện cuộc sống...

Gia Hải

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/loi-suoi-bang-ngan-san-than-duoc-hoa-pidin-508340.html