Lợi thế sản lượng hơn 200 nghìn tấn hành củ đang trở thành... bất lợi
Tại các địa phương có sản lượng hành củ lớn, khó khăn do thiếu kho trữ càng rõ ràng hơn khi mùa thu hoạch hành đang rộ, người nông dân lại đứng trước nguy cơ 'được mùa, mất giá.'
Theo thống kê, xuất khẩu hành củ trong hai tháng đầu năm mới chỉ đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm. Do đó, các địa phương đang tăng cường kết nối tiêu thụ khi thu hoạch hành đang vào mùa cao điểm, tránh tình trạng "được mùa, mất giá" cho nông dân.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 17/3.
Nhu cầu tiêu thụ cao
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Tháng Hai và tháng Ba là thời điểm các vựa hành bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết.
“Tuy nhiên, theo thống kê, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đủ phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này dẫn tới công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá.
Là địa phương có sản lượng hành lớn nhất cả nước, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình Sóc Trăng cho biết hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm là 6.500 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trên 90.000 tấn. Hành tím Vĩnh Châu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Indonesia, Malaysia… đem về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.
Về tình hình tiêu thụ hành tím mùa vụ 2022-2023, trước Tết Nguyên đán, giá hành tím thương phẩm dao động từ 38.000-45.000 đồng/kg chủ yếu là hành sớm (tương đương với giá hành năm trước). Sau Tết giá hành bắt đầu giảm, tính đến hiện nay giá hành dao động từ 15.000-26.000 đồng/kg.
Theo ông Khiêm, đây là thời điểm hành bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, do đó, với sản lượng lớn, Sóc Trăng mong được phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm với tất cả các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị... trên cả nước. Tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hành phát triển các chuỗi liên kết để khai thác hết tiềm năng của sản phẩm hành tím. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm hành, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Còn tại Hải Dương, bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho hay tổng diện tích hành, tỏi của tỉnh Hải Dương hằng năm đạt trên 6.600 ha, trong đó, hành củ khoảng 5.800 ha, hành lá 350ha, tỏi củ 470 ha. Tổng sản lượng hành tỏi toàn tỉnh ước đạt 116.400 tấn (hành 110.000 tấn; tỏi 6.400 tấn).
Hành bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 12 và kéo dài đến khoảng 20/2 năm sau. Về tiêu thụ, giá hành đầu vụ (từ cuối tháng 12 đến hết tháng Một) luôn cao, ổn định ở mức từ 25.000-27.000 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ năm trước từ 5.000-7.000 đồng/kg). Từ đầu tháng Hai đến nay, giá bán dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg. Tổng thu nhập bình quân từ trồng hành dao động từ 10-15 triệu đồng/sào (275-415 triệu đồng/ha). Có thời điểm (từ 15-20/1), 1 sào hành cho thu nhập từ 18-23 triệu đồng. Lãi thuần từ trồng hành ước đạt 6-10 triệu đồng/sào (tương ứng 170- 270 triệu đồng/ha).
Đối với hành lá, tổng diện tích hành lá của toàn tỉnh Hải Dương cả năm đạt trên 350 ha. Hành lá được trồng và cho thu hoạch 4-5 lứa/năm. Sản lượng hành lá ước đạt gần 7.000 tấn/năm. Giá bán trung bình dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 đồng/kg. Bình quân thu nhập từ hành lá ước đạt 6-8 triệu đồng/sào (tương ứng 170-220 triệu đồng/ha. Lãi thuần ước đạt 4-6 đồng/sào (tương ứng 110-165 triệu đồng/ha).
Tại tỉnh Nghệ An, địa phương này có sản lượng hành lá chiếm tới 90%, hiện tỉnh có diện tích chuyên canh trồng hành khoảng 300 ha, tương đương diện tích canh tác hàng năm xấp xỉ 1.000 ha/năm, với sản lượng đạt khoảng 15.000-20.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết hiện nay sản phẩm hành hoa, hành lá được tiêu thụ chủ yếu là bán sản phẩm tươi theo thu hoạch, giá bán phụ thuộc nhu cầu của thị trường từng thời điểm song có sự biến động lớn, dao động từ 2.000-10.000 đồng/kg. Huyện Quỳnh Lưu đã liên kết làm theo hình thức hành lá sấy khô phục vụ một số nhà máy công ty song không được thường xuyên và khối lượng hạn chế.
Đại diện Huyện Quỳnh Lưu mong muốn các doanh nghiệp, các cấp có thể nắm bắt tình hình và quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đầu tư liên kết chế biến đối với hành nói chung và các đối tượng rau khác góp phần ổn định đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân của huyện.
Phát triển đa dạng các sản phẩm từ hành
Ngay khi hành bắt đầu vào vụ, các địa phương đều tập trung tăng cường kết nối tiêu thụ cho nông dân. Đặc biệt, ở những địa phương có sản lượng lớn thì khó khăn do thiếu kho trữ càng rõ ràng hơn khi người nông dân gặp phải nguy cơ “được mùa, mất giá.”
Theo ông Trần Trọng Khiêm, chính vì sản lượng lớn nên hành tím Vĩnh Châu trong thời gian qua đã và đang gặp phải những khó khăn ở khâu sản xuất và tiêu thụ. Nguyên nhân là do thời vụ bố trí chưa hợp lý tại một thời điểm xuống giống tập trung với một diện tích lớn nên sản lượng tại một thời điểm tương đối cao, lượng hành nhiều vào mùa vụ chính nên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, thời gian lưu trữ hành không được kéo dài vì thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch.
“Bên cạnh đó, nông dân còn sản xuất riêng lẻ chưa hình thành hợp tác trong sản xuất dẫn đến mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững. Đặc biệt, nông dân còn mang nặng tâm lý chờ giá, khi giá thỏa thuận hợp lý với doanh nghiệp vẫn không bán dẫn đến khi giá giảm mạnh thì dẫn đến tình trạng tồn đọng,” ông Trần Trọng Khiêm nói.
Bà Phạm Thị Đào cho biết sản xuất tiêu thụ hành của Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu chế biến và bảo quản. Hình thức bảo quản chủ yếu là thủ công, chưa có hệ thống kho bảo quản hiện đại nên tỷ lệ hao hụt cao. Việc xây dựng chuỗi liên kết vẫn còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong nước, thiếu tính ổn định…
Trên cơ sở đó, bà Đào đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan, quan tâm, hỗ trợ Hải Dương đầu tư xây dựng hệ thống sấy và bảo quan hành sau thu hoạch, giảm áp lực cho tiêu thụ tươi; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để sản phẩm hành của Hải Dương thuận lợi đi vào thị trường nhiều hơn.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm (FFA) cho rằng hành tím và hành lá là mặt hàng mà các đơn vị chế biến lương thực thực phẩm sử dụng rất nhiều. Cụ thể, riêng mặt hàng mì ăn liền, tại Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất ra trên 7 tỷ gói nên cần rất nhiều mặt hàng hành, rau sấy khô để làm gói gia vị.
Theo bà Lý Kim Chi, để giải quyết vấn đề dội hàng rớt giá, các thành viên FFA đang đầu tư kho lạnh tại vùng sản xuất để lưu trữ, bảo quản một số mặt hàng gia vị như hành tím, hành lá, ớt... có thể bảo quản được 3-4 tháng, giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ.
“Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện số hóa, nên sớm xây dựng dữ liệu dùng chung trong sản xuất nông nghiệp theo từng nhóm hàng, để tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất, tiêu thụ,” bà Chi đề xuất.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tiềm năng, dư địa của thị trường tiêu thụ hành, hành tím vẫn còn rất lớn. Bởi lẽ, nhu cầu sử dụng hành để làm nguyên liệu không chỉ dừng ở việc cung cấp thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống mà hành, tỏi đã trở thành nguyên liệu quan trọng trong chế biến dược phẩm.
"Để không còn tình trạng giải cứu, được mùa mất giá, các địa phương phải thay đổi tư duy theo hướng bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng," ông Nguyễn Như Tiệp nói.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng các vùng trồng phải tổ chức lại sản xuất để chuẩn hóa về mặt chất lượng; phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ hành; hoàn thiện hệ thống logistic, kho bảo quản lạnh để chủ động trước sự biến động của thị trường; đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm hành địa phương; chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ hành để thuận lợi kết nối với các thị trường; tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hành tím.../.