Lời thì thầm của sóng

Ảnh minh họa
Nắng đầu ngày lung linh trên rào hoa dâm bụt trước nhà, sắc hoa đỏ như những đốm lửa lập lòe trong bức tranh vùng quê nằm san sát bên dòng sông Sưa êm đềm trôi dưới chân đồi, ngang qua làng, đổ ra biển rộng.
Mùa ngả dần sang hạ. Những mái nhà lúp xúp nằm im lìm dưới vòm trời chói chang. Khi mặt trời đã lên khỏi ngọn cây sầu đông trước sân nhà, tôi bước ra sân lóng ngóng về phía bến nước sông Sưa. Dì tôi đã ra đó từ sớm. Đàn bà làng này thường tụ họp ở bến nước sông Sưa mỗi lúc sáng sớm hoặc những chiều muộn để đợi chờ những chuyến ghe từ ngoài biển trở về. Cánh đàn ông trong làng sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Cuộc đời nhỏ bé nương tựa vào từng mùa sóng lành mà sống tiếp quãng đời đầy thách thức.
Có lần, dì ngồi nhìn tôi qua ánh đèn leo lét, dì thủ thỉ:
- Quân, ráng học đi con. Không học sau này lớn lên, đi biển, khổ lắm!
Tôi nhìn dì đăm đăm. Mắt tôi ngấn nước.
Tôi không đáp lại lời dì mà gật đầu khe khẽ. Khoảnh khắc đó, trong tâm trí tôi bất chợt hiện lên hình ảnh của ba trong một chiều biển động dữ dội. Phía Đông Bắc Bộ, bầu trời đen kịt như loang mực. Sóng từng đợt dâng lên khỏi đầu người. Những âm thanh lộn xộn. Bóng người nhốn nháo ngoài bến sông Sưa. Dì tôi với lấy cái nón lá rách tươm đội lên đầu, xé màn mưa chạy ra cửa sông, í ới gọi tên ba.
Ba không trở lại. Mãi mãi…
Bến nước sông Sưa từ đó vắng bóng ba tôi.
Dạo đó, tôi hay hỏi dì trong những đêm nằm vắt tay lên trán mà mưa vẫn lắc rắc trên mái nhà và nước dòng sông Sưa ràn rạt chảy. Buồng bên kia, dì tôi vẫn còn thức, ánh đèn còn sáng và thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tiếng dì tôi khúng khắng ho.
- Dì có tin vào phép màu không?
Vài giây sau, tôi nghe dì thều thào đáp lại:
- Phép màu? Nó là cái gì? Dì không rõ nữa. Nó xa vời quá, Quân ạ!
Tôi thở dài. Dì cũng không tin vào phép màu. Chỉ có mỗi tôi vẫn đau đáu đợi chờ một bóng hình đến tận bây giờ vẫn mù khơi mây gió…
*
Tôi chưa bao giờ gọi dì là mẹ. Dì cũng không thắc mắc. Hàng ngày, dì tôi thường ra bến nước sông Sưa nhìn về phía cửa sông, ở đó, những buổi sáng thường có đoàn ghe đánh cá từ ngoài khơi xa trở về, mang theo biết bao nhiêu cá tươi. Bến sông Sưa nhộn nhịp trong chốc lát rồi trở nên yên tĩnh, chỉ có tiếng sóng con sông Sưa vỗ bờ và tiếng bầy ruồi nhặng lèo xèo khi phát hiện ra mùi cá khẳm. Cũng có đôi lần, tôi thấy dì ôm mặt khóc rưng rức khi chứng kiến cảnh những người vợ líu ríu bên chồng sau những chuyến trở về, lau đi những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt hay trên khuôn ngực trần rám nắng nồng nàn mùi đàn ông. Giây phút đó, tự dưng tôi muốn chạy đến ôm dì thật chặt rồi lau đi những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt sạm màu và hằn in những nếp nhăn suốt một đời cực nhọc của dì. Vậy rồi có sợi dây vô hình nào cột chặt đôi chân tôi lại! Tôi cứ đứng yên dưới bóng cây sầu đông nhìn về bến nước sông Sưa, nhìn dì tôi đang mếu máo gặm nhấm những đau đớn của mình.
Thời gian như đang dừng lại để cho tôi ngắm nghía dì thật kỹ, nhận ra màu tháng năm đã hiện hữu trên mái tóc, khuôn mặt và dáng hình của dì tôi. Vắng ba, đời dì tôi trăm bề gian khó.
Đã bao lần tôi định nắm đôi bàn tay gầy guộc của dì như để xoa dịu đi những thương tổn trong cuộc đời dì. Nhưng rồi có cái gì khiến tôi chùng lại. Ngày qua tháng lại, tôi vẫn cứ thờ ơ, dửng dưng và lạnh nhạt với dì tôi. Chưa bao giờ tôi tâm sự cùng dì, chỉ hỏi han hay đáp trả những điều cần thiết để chúng tôi nhận ra sự tồn tại của nhau trong ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Sưa liêu xiêu gió.
*
Ba tôi cưới dì về khi mẹ tôi nằm xuống chưa lâu. Lần đó, tôi giận ba lắm!
Những giận hờn vì ba vội vã lấy vợ khi mẹ tôi vừa vắng bóng, tôi đem trút hết lên dì. Bởi trong cảm thức của tôi, dì chính là người thừa trong căn nhà này, kẻ đã chen vào cuộc sống bình yên của chúng tôi.
Từ bên kia sông Sưa về làng, dì tôi chẳng mang theo gì nhiều ngoài túi quần áo và mớ lưới cá dì chưa kịp vá xong. Tôi ngồi co ro dưới gốc cây sầu đông nhìn dì, dì cười với tôi. Ánh nhìn của tôi nhọn hoắc như mũi tên. Dì bước đi phía sau, cách ba tôi chừng ba, bốn bước chân. Nhìn cảnh đó, tự dưng nước mắt tôi lăn dài trên má. Hồi ấy, tôi thấy dì đáng ghét hơn là đáng thương. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ bảy, tám tuổi, người đàn bà xa lạ kia sẽ thay thế vị trí của mẹ trong lòng ba, thậm chí chính tôi cũng sẽ “ra rìa”. Tôi uất ức lắm! Những ngày đầu có dì ở nhà, tôi chỉ lẩn quẩn dưới gốc cây sầu đông, ngoài rào dâm bụt, dưới bến sông Sưa,... Dòng sông dài ngoằng, rộng mênh mông. Càng về phía cửa sông, nước sông càng cuộn xiết. Sông Sưa đã chứng kiến những tháng ngày hạnh phúc của gia đình chúng tôi, cả những mất mát, đau thương và cả những đổi thay chóng vánh trong gia đình tôi.
Nhiều đêm nhìn dì đi lại trong căn nhà nhỏ, hồi ấy, làng vẫn chưa có điện. Đêm đêm, những ngọn đèn dầu leo lét in bóng dì lên vách. Dì xõa tóc, mặt bần thần vì lo cuộc mưu sinh trong những ngày biển động sắp tới. Tôi thấy dì sao giống mẹ tôi quá! Nhìn dì, tôi thấy nhớ mẹ quá! Mẹ đã ngủ yên trong mềm mại đất lành. Mẹ đã hòa hồn mình vào đất đai, vườn tược, vào nhịp chảy của nước dòng sông Sưa. Nỗi nhớ khiến tôi không thể đọc trọn vẹn một bài học vần. Những chữ khó đọc, tôi cứ ậm ờ, cố đọc ậm ờ cho thật to để dì biết là tôi không thể đọc được. Rồi dì sẽ chủ động đến bên tôi mà đọc mẫu cho tôi nghe những chữ khó để tôi đọc theo.
Những ngày nhớ mẹ, thấy dì, tôi muốn níu tay dì, làm nũng rồi sà vào lòng dì thiết tha âu yếm. Nhưng rồi tôi không làm được. Dì nhìn tôi thật lâu, mắt trìu mến, dì hỏi tôi:
- Quân, sao ác cảm với dì dữ vậy con?
Tôi cúi mặt không đáp.
- Ừ, phải rồi! Dì đâu có sinh con ra, đâu có ở bên con từ nhỏ... Bởi vậy...! Quân à, có phải con nghĩ dì là kẻ thừa, là người cướp mất ba của con hay không?
Tôi cũng không đáp. Tự dưng cổ họng tôi nghẹn lại, nước mắt tôi ứa ra. Sao mà tôi thương dì tôi đứt ruột. Chừng ấy năm sống bên nhau, chưa bao giờ dì quát tháo tôi như những bà mẹ ghẻ trong truyện cổ tích mà tôi từng đọc. Dì vẫn luôn bao dung, nhân hậu, hy sinh vì ba con tôi. Có lẽ hình bóng của người mẹ quá cố vẫn sừng sững như thành quách trong lòng tôi nên tôi nhất quyết không phá vỡ bức tường thành để đón nhận một hình ảnh nào khác nữa. Đối với tôi, mẹ là tất cả! Người mẹ kính yêu của tôi đã về với gió trời, để lại trong tâm hồn tôi những vết thương khó lành. Dì tôi như một vị bác sĩ từng ngày, từng giờ xoa dịu nỗi đau ấy trong tôi, để rồi một lần nọ, dì tôi bất lực mà nói với tôi trong gió chiều xao xác:
- Trời ơi! Quân, biết đến bao giờ con mới gọi dì một tiếng “mẹ ơi”! Dì thương con có khác gì người mẹ thương đứa con trai mình dứt ruột đẻ ra?!
Tôi đứng như chôn chân vào đất. Mà gió cứ thổi sàn sạt mái nhà, rát rạt lòng tôi. Gió thơm mùi sông Sưa. Gió thoảng vị mặn mòi của biển, mùi của cá mực ngai ngái trong mấy vạt nắng sót lại phía cuối chiều. Tôi thấy thương dì quá! Tôi muốn cất tiếng gọi “mẹ ơi” nhưng mãi vẫn không thể nói được thành lời. Tôi vùng vụt chạy ra bến nước sông Sưa ngồi ngẩng mặt lên nhìn trời, để hai dòng nước mắt rơi tự do trên đôi gò má của thằng con trai mười bốn, mười lăm tuổi…
*
Dì tôi vẫn cần mẫn ra bến nước sông Sưa đón từng chuyến cá về, dù những chuyến ghe ấy vĩnh viễn vắng bóng dáng của ba tôi.
Dì tôi vẫn thổi lửa mỗi sớm mỗi chiều, trong gian bếp đơn sơ, những món ăn dì nấu, nồi cơm thơm dẻo khói quyện lên mái nhà… Bữa cơm nhà, dì vẫn tận tụy ngồi gỡ xương cá cho tôi. Dì tự giam cuộc đời mình trong căn nhà này, bên bờ sông Sưa này nhưng không phải vì ba tôi, không phải vì tình yêu của dì mà có lúc tôi nghĩ rằng dì là kẻ đã xen ngang cuộc sống êm đềm của chúng tôi. Dì vì tôi. Bởi nếu không còn dì, tôi như cánh chim bơ vơ, lạc lõng giữa khung trời, như con cá mắc cạn giữa mùa hè nắng cháy.
Tháng này, dâm bụt thắp lửa đỏ trước sân nhà, ven con đường dẫn ra sông Sưa.
Chiều, tôi ngược gió về nhà. Biển chiều im ắng. Một nỗi nhớ nào đó cồn cào trong tôi. Khi tôi vừa bước qua khỏi thềm nhà, vào bên trong, chợt tôi thấy một hình ảnh quen thương đến lạ. Trên cái ghế gỗ cũ một chân gãy mất, dì phải lấy thanh gỗ ráp vào rồi đóng bằng đinh, đặt cạnh vách nhà, dì tôi đang ngồi tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ vá áo cho tôi. Hình ảnh đó sao tôi thấy giống mẹ mình ngày xưa quá đỗi. Và rồi tôi nhìn lại, không phải mẹ tôi, là dì tôi kia mà. Tôi biết rằng, dì tôi sẽ chẳng bao giờ thành mẹ tôi được nhưng tình cảm mà tôi dành cho dì có thể sẽ đong đầy, trọn vẹn như tình cảm mà tôi dành cho người mẹ quá cố của mình. Nước mắt tôi rưng rưng.
- Dì ơi!… Mẹ… mẹ ơi!…
Tiếng tôi như vỡ ra trong không gian căn nhà buổi chiều lặng lẽ. Từ khi ba đi, căn nhà vẫn giữ lấy một nét lặng lẽ, trầm mặc như thế!
Như sợ rằng mình vừa nghe lầm, là tiếng sông hay là tiếng gió, dì tôi ngẩng mặt lên, dụi dụi hai tai. Tôi thốt lên trong tiếng nấc:
- Mẹ ơi! Con thương mẹ quá!
Chiếc áo trên tay dì tôi rơi xuống đất. Dì chầm chậm bước đến bên tôi. Chính dì cũng không giấu được nỗi xúc động trong lòng mình khi được gọi một tiếng “mẹ” thiêng liêng, cao quý!
- Quân, con trai của mẹ!
Tôi ôm dì thật chặt, khóc như chưa bao giờ được khóc. Văng vẳng bên tai tôi là tiếng dòng sông Sưa ru hời, tiếng gió sông hiền lành rót vào tai tôi những câu hát thuở nào mẹ hát ru tôi ngủ. Trong thanh âm của sóng nước, của biển cả, của đất trời… có tiếng thì thầm của mẹ yêu tôi!
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/loi-thi-tham-cua-song-a192893.html