Ăn gì để khỏe mạnh, sống lâu?
Tác giả sách 'Chế độ ăn trường thọ' khuyến khích ăn chay kết hợp hải sản, tăng cường nhiều rau củ hơn trong bữa ăn, ưu tiên tiêu thụ cá thay cho các loại thịt đỏ.
Bài viết của tác giả Quỳnh Chi Nguyễn, được gửi từ email "nqchi...@gmail.com"
Chúng ta thường nghe đến những cái chết gắn liền với ung thư, bệnh tật, tai nạn. Vậy thì liệu chúng ta có thể chọn cho mình một cái chết… “khỏe mạnh” hay không?
Sống lâu, thác nhanh
Hôm nọ đang ngồi làm việc, mình bỗng nghe một người anh đồng nghiệp chia sẻ: “Mục tiêu của anh là sống lâu, thác nhanh”. Mình nghe cũng buồn cười, nhưng ngẫm thì thấy đúng thật đấy. Chúng ta đều luôn mong muốn có một sức khỏe thật tốt. Và có lẽ nếu nghĩ về những ngày tháng cuối đời, ai cũng mong muốn ra đi một cách nhẹ nhàng.
Điều này vừa hay được đề cập đến trong cuốn sách Chế độ ăn trường thọ của tác giả - Tiến sĩ Valter Longo. Theo ông, lý do quan trọng nhất khi áp dụng chế độ ăn là: sống lâu và "chết khỏe mạnh". Chúng ta thường nghe đến những cái chết gắn liền với ung thư, bệnh tật, tai nạn... Tuy nhiên, tuổi thọ tăng lên không nhất thiết đi kèm với sức khỏe kém hay bệnh tật. Nghĩa là chúng ta vẫn có thể giữ cho mình trạng thái tốt ngay cả ở những năm cuối đời nếu có một chế độ ăn uống và tập luyện khoa học.
Đôi nét về tác giả Valter Longo: ông là Giáo sư trong lĩnh vực Lão khoa và Sinh học, hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Học viện Longevity thuộc Đại học Nam California. Ông từng được tạp chí Time vinh danh là một trong 50 người có sức ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhờ nghiên cứu về “Chế độ nhịn ăn không hoàn toàn” (FMD - Fasting Mimicking Diet) với vai trò cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Cuốn sách Chế độ ăn trường thọ là kết quả được đúc kết trong hơn 30 năm nghiên cứu và làm việc của tác giả. Mục tiêu là làm sao để con người có thể sống lâu hơn một cách khỏe mạnh, duy trì sự năng động và vượt qua tuổi thọ truyền thống - hay nói cách khác là làm chậm quá trình lão hóa.

Sách Chế độ ăn trường thọ.
Vậy thì ăn gì để “trường thọ”?
Để đề xuất chế độ ăn trường thọ, tác giả đã dựa trên 5 trụ cột nghiên cứu, đó là: nghiên cứu cơ bản/nghiên cứu về tuổi trẻ; nghiên cứu dịch tễ học; các nghiên cứu lâm sàng; nghiên cứu về các trường hợp sống lâu trăm tuổi và nghiên cứu về những hệ thống phức tạp.
Chế độ ăn được tác giả khuyến khích là pescetarian (ăn chay kết hợp hải sản). Theo đó, chúng ta nên tăng cường nhiều rau củ hơn trong bữa ăn. Ưu tiên tiêu thụ cá thay cho các loại thịt đỏ. Đồng thời, giảm thiểu các chất béo xấu, tăng cường chất béo tốt có trong dầu ô liu, cá hồi, hạt hạnh nhân, óc chó.
Ông cũng lưu ý thêm, việc ăn uống đủ dưỡng chất là rất cần thiết. Hãy thử tưởng tượng cơ thể như một đội quân tế bào luôn ở vị trí chiến đấu, nếu như đội quân cần cung cấp lương thực, thiết bị, đạn dược, cơ thể chúng ta cần protein và các axit béo thiết yếu. Một khi thiếu dưỡng chất, “đội quân tế bào” của chúng ta sẽ bị yếu đi.
Một điều mình khá tâm đắc là tác giả khuyên bạn đọc hãy nên ăn đa dạng thực phẩm địa phương theo cách ông bà, cha mẹ của chúng ta đã ăn. Lý giải cho điều này là gen. Bởi, có nhiều thực phẩm không phù hợp với bộ gen cụ thể. Một người Việt Nam ăn theo chế độ lành mạnh của người châu Âu có thể lại không đạt hiệu quả như người bản địa.
Ngoài ra, còn khá nhiều nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn trường thọ được tác giả trình bày một cách khoa học và dễ hiểu trong sách. Bên cạnh đó, ông cũng cũng phân tích khá chi tiết về ảnh hưởng của chế độ nhịn ăn không hoàn toàn trong việc phòng ngừa chứng ung thư, điều trị tiểu đường, tim mạch... cũng như đề xuất chế độ tập luyện thể thao tối ưu cho tuổi thọ.
Nhìn chung, Chế độ ăn trường thọ không chỉ đơn thuần là những lời khuyên về ăn uống, mà còn là một hành trình khám phá sâu sắc về mối liên hệ giữa chế độ ăn và tuổi thọ. Đây là cuốn sách đáng đọc cho ai quan tâm đến vấn đề sức khỏe, nhất là trong lối sống hiện đại ngày nay!
Nguồn Znews: https://znews.vn/an-gi-de-khoe-manh-song-lau-post1543647.html