Lời tri ân gửi tới các Anh hùng

Sẽ có hàng nghìn bức ảnh liệt sĩ đen trắng bị hư hại bởi thời gian hoặc không còn nguyên vẹn sẽ được phục dựng. Việc làm này được thực hiện bởi tấm lòng tri ân công lao thế hệ đi trước của những chàng trai, cô gái Hà Nội...

Những giọt nước mắt nghẹn ngào…

Tối 27-7 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ “Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ” tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội. Tại buổi lễ, hình ảnh thân nhân, gia đình các liệt sĩ bật khóc khi nhận những bức di ảnh liệt sĩ đã được phục dựng một cách chân thật đã khắc ghi vào lòng nhiều người.

Nâng niu trên tay di ảnh của bác ruột là Liệt sĩ Đỗ Văn Dương được phục chế phong kín trong lá cờ Tổ quốc, chị Đỗ Thu Hương đã òa khóc vì xúc động. Sau khi thực hiện các nghi lễ và được tận mắt nhìn hình ảnh người thân, chị Hương nói: “Tôi rất xúc động, rất cảm ơn tấm lòng của đội ngũ phục dựng ảnh. Bác tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 19 tuổi, ở nhà chỉ có một tấm ảnh đen trắng để thờ. Những gì tôi biết về bác là từ những lời kể của người thân và từ tấm ảnh ấy. Bác mất năm 1967, hiện vẫn còn ở nghĩa trang Phú Bình (Quảng Nam)”.

Thân nhân liệt sĩ xúc động khi nhận di ảnh người thân đã được phục dựng tại lễ “Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức ngày 27-7-2024

Thân nhân liệt sĩ xúc động khi nhận di ảnh người thân đã được phục dựng tại lễ “Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức ngày 27-7-2024

Bà Nguyễn Thị Oanh - em gái Liệt sĩ Nguyễn Hồ Tân (hy sinh năm 1951) nghẹn ngào nhận tấm di ảnh phục dựng của người anh trai và nức nở: “Anh ơi, anh đây rồi, đã mấy chục năm rồi anh ơi! Anh tôi bây giờ vẫn còn ở Chi Nê, Hòa Bình chưa tìm thấy hài cốt, gia đình mong mỏi anh trở về…”.

Sẽ có thêm hàng nghìn ảnh liệt sĩ được phục dựng, trao tặng

Dự án “Phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng” của Thành đoàn Hà Nội được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 trao tặng 350 ảnh gồm 77 ảnh nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, và 273 ảnh nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Giai đoạn 2 trao tặng 300 ảnh nhân Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Giai đoạn 3 trao tặng 420 ảnh nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2025).

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết, Thành đoàn sẽ tiếp tục triển khai khảo sát nhu cầu phục dựng di ảnh từ các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thành phố (dự kiến có thêm từ 2.500 đến 3.000 gia đình đăng ký phục dựng). Căn cứ số lượng di ảnh cần phục dựng theo thực tế, Thành đoàn Hà Nội sẽ phân bổ thời gian thực hiện của dự án phù hợp với mục tiêu, đảm bảo 100% số ảnh gửi về sẽ được phục dựng thành công.

Cũng những giọt nước mắt và cảm xúc dâng trào, chị Nghiêm Thị Vân Anh - cháu ruột Liệt sĩ Nguyễn Thái Hùng, thốt lên khi nhìn bức ảnh sống động về chú mình: “Chú tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và chưa tìm được hài cốt. Nhưng bây giờ thì chú tôi đã về nhà thật rồi…”.

Những bức ảnh đó nằm trong Dự án “Phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 2024 của Thành đoàn Hà Nội. Từ cuối tháng 6-2024, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã và Ban Thường vụ các quận, huyện, thị đoàn trực thuộc để phối hợp, rà soát, thống kê các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có nhu cầu phục dựng ảnh liệt sĩ, gửi về Ban Tuyên giáo Thành đoàn để tổng hợp. Tính đến ngày 27-7-2024, dự án đã nhận về 1.070 bức ảnh các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng mà các gia đình có mong muốn được phục dựng.

Từ khi triển khai, chỉ trong thời gian ngắn, dự án đã thu hút nhiều bạn đoàn viên, thanh niên và các tình nguyện viên đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ. Ban Thường vụ Thành đoàn đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đội phục dựng ảnh gồm các chuyên gia từ đội phục dựng Màu Hoa Đỏ, cùng các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên có chuyên môn về công nghệ, mỹ thuật. Những bức ảnh quý được các bạn trẻ phục dựng với mong muốn kể lại những câu chuyện về liệt sĩ bằng ngôn ngữ của hội họa và nhiếp ảnh, ngôn ngữ của tuổi trẻ sáng tạo với hành trình kỳ diệu của công nghệ.

Anh Phúc Lê - Trưởng nhóm phục dựng ảnh liệt sĩ Màu Hoa Đỏ và các thành viên miệt mài với công việc phục dựng ảnh liệt sĩ để tri ân các thế hệ đi trước

Anh Phúc Lê - Trưởng nhóm phục dựng ảnh liệt sĩ Màu Hoa Đỏ và các thành viên miệt mài với công việc phục dựng ảnh liệt sĩ để tri ân các thế hệ đi trước

Xây dựng cộng đồng lớn để phục dựng ảnh liệt sĩ

Trưởng nhóm phục dựng ảnh liệt sĩ Màu Hoa Đỏ trong hoạt động ý nghĩa này là anh Phúc Lê (sinh năm 1989 ở Phú Xuyên, Hà Nội). Đã 5 năm nay, Phúc Lê dành nhiều đêm trắng để phục dựng ảnh các liệt sĩ để gửi tặng thân nhân của các anh. Đó là những dự án lớn như dự án “Phục dựng ảnh 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, hay những bức ảnh được gửi từ người không quen trên mạng xã hội… “Gia đình mình cũng có người bác là liệt sĩ nhưng không có bức ảnh nào để thờ, thậm chí đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của bác. Mình nghĩ, chắc nhiều gia đình cũng trong hoàn cảnh tương tự. Từ đó mình bắt đầu nhận phục dựng di ảnh liệt sĩ và muốn góp một chút sức nhỏ cho xã hội nói chung, cho các gia đình, thân nhân các liệt sĩ nói riêng” - Phúc Lê chia sẻ.

Cách đây 1 năm, Phúc Lê đã hỗ trợ Quận đoàn Tây Hồ phục dựng 10 ảnh liệt sĩ và sau đó có kết nối với Thành đoàn Hà Nội khi có cùng ý tưởng là phục dựng ảnh liệt sĩ trên toàn bộ thành phố. Từ đó, hành trình ý nghĩa bắt đầu sang một trang mới. Nhóm Màu Hoa Đỏ nay đã có 22 thành viên, độ tuổi từ 21 đến 44, nhiều người nhiệt tình tham gia khi nghe lời kêu gọi của Phúc Lê. Chàng trai này mong muốn sẽ có thêm nhiều người tham gia đồng hành với tâm niệm xây dựng một cộng đồng lớn để có thể phục dựng nhiều ảnh hơn nữa để gửi tới các gia đình có thân nhân là liệt sĩ.

Phúc Lê chia sẻ, thời gian trung bình để phục dựng 1 bức ảnh khó có thể tính chính xác được, vì mỗi ảnh đều có khoảng thời gian chụp, chất lượng, mức độ hư hại khác nhau. Có những ảnh thì chỉ cần 30 phút là có thể hoàn thành, nhưng có những ảnh phải cần đến cả ngày hoặc nhiều ngày để trao đổi với gia đình, thân nhân liệt sĩ, tìm hiểu thông tin về binh chủng, lực lượng, màu quân phục, cấp bậc hàm… “Bức ảnh phục dựng khi in ra phải chính xác, trang trọng nhất mới không có lỗi với các bậc cha, anh” - Phúc Lê nói.

Dịp 27-7 vừa qua, cả nhóm của Phúc Lê đã gác lại toàn bộ công việc cá nhân, tập trung làm việc trong 7 ngày để hoàn thành phục dựng 77 ảnh liệt sĩ gửi tặng thân nhân, gia đình họ. Công việc hoàn toàn tự nguyện, không hề có kinh phí, nhưng ai cũng rất hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này. “Gặp gỡ, trao những bức ảnh và chứng kiến các mẹ, các bác, các chú, các cô, các chị khóc khi thấy di ảnh người thân đầy đủ, chân thực, rõ nét, tôi rất xúc động. Dường như ai cũng cảm nhận được những đau thương mất mát mà cha ông ta đã trải qua. Và bây giờ đọng lại là nỗi nhớ thương, là những giọt nước mắt” - Phúc Lê chia sẻ.

Khẳng định, thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục đồng hành cùng Thành đoàn thành phố Hà Nội để tiếp tục phục dựng ảnh giúp các gia đình trên toàn địa bàn thành phố, Phúc Lê nói: “Tuổi trẻ chúng ta không bao giờ được quên những hy sinh của thế hệ đi trước. Các bạn trẻ hãy chung tay với chúng tôi để phần nào làm mờ đi những giọt nước mắt của thân nhân các Anh hùng…” .

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/loi-tri-an-gui-toi-cac-anh-hung-post585698.antd