Lối tư duy mạch thẳng trong thơ dân gian người Dao
Thơ người Dao đã phần nào thể hiện được sự giàu đẹp, hấp dẫn của ngôn ngữ Dao. Chủ đề sáng tác thơ Dao cũng giống như thơ dân tộc thiểu số khác. Với đề tài phong phú, trong đó xuyên suốt là mạch nguồn xúc cảm về tình yêu quê hương, làng bản với cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người miền núi, lối tư duy theo mạch thẳng, dễ hiểu và thân thuộc.
Người Dao từ trẻ đến già hầu như đều biết hát dân ca và rất thích thơ ca. Họ có thể hát, đọc thơ vào bất cứ thời gian nào nhưng nhiều nhất là vào các dịp đám cưới, những ngày chợ phiên, gặp gỡ dịp lễ Tết, ngày vào nhà mới… Người Dao có nhiều bài thơ nói về nguồn cội, về sự tích Bàn Vương.
Các câu thơ cổ luôn được lưu truyền qua bao đời nay như nhắc nhở con cháu nhớ tổ tiên, dòng tộc: “Còn cấu Dìu Miền hểu Long Khuyển/ Thìn hùng chẳng thin píai hành diều/ Vúa chản Pành Hùng chói hùng tỉn/ Mài có Khuyến long chẩy hành tài/ Hành tháo chói pin Pành Hùng tỉn/ Sin đào pham chàm phấy chía manh/ Mào chủn vìang chía mẩy kín quía/ Hỉn ánh Pành Hùng hai dống phiêm/ Sính píai phíu nhiền tò hành pia” (Thủy tổ người Dao là Long Khuyển/ Thiên cung giáng hạ xuống trần gian/ Thời đó Bình Hoàng đang ngồi Triệu/ Bỗng nhiên Long Khuyển trời giáng hạ/ Xuống trước sân rồng Điện nhà vua/ Mình dài ba thước lông đen nhánh/ Như nhung có vân vàng kỳ dị/ Bình Hoàng nom thấy rất là thích/ Bèn sai đưa vào nuôi trong cung).
Tình yêu lứa đôi luôn là nguồn cảm xúc trong thơ ca. Đối với người Dao thơ tình yêu thể hiện tình cảm trong sáng, lành mạnh, lời tỏ tình ý nhị của trai gái trao nhau: “Vàn goạng hù rành tòng dét ây/ Ky tinh tỉn nìn pết dăm bê/ Goạng ngon xìu tàu răn dét thím/ Năng chậy mậu dồn cung xảng ây” (Dịch thơ: Hai bên tình hòa hợp một ý/ Ước định ngàn năm chẳng lừa nhau/ Nếu là duyên do trời ban định/ Hai bên đầu cầu thuận một lòng).
Trong thơ ca giao duyên người Dao người đọc nhận thấy các cung bậc tình cảm diễn ra nhẹ nhàng, đa dạng song điều làm cho người nghe thấy day dứt nhất chính là lời trai gái chia tay: “Hoải lo thếu dều bù bàn nọu/ Thìn rài kéng xong mụi póng nìn/ Nàm nhậu đều hù mụi éc ây/ Rành lofoong rành mây thêu nhằm nhằm/ Trẹt nhệp tràng rì tú xin chấu/ Nhôn hoă xằng xáng thay tóng hệp/ Dui mây pỏu diềm thây quây đềm/ Ây tan mạn thím ắn oi nhậu” (Quay chân lui bước nước mắt rơi/Chẳng biết khi nào mới gặp gỡ/ Gặp gỡ một lần nhớ vạn lần/ Mong khi hội ngộ vẫn duyên này/ Nhàn rỗi một mình lòng chẳng vui/ Ra vào thường thường được thấy nhau/ Ước gì hóa thân thành lá dong/ Cho nàng gói muối, ngọt bốn mùa).
Bên cạnh những bài thơ ngắn gửi tâm tình đôi lứa thì còn có những câu thơ dân gian với những tâm tư buồn, nhớ mong:
“Pham kinh phấy pháng siu dìu lậu/ Diết chầy mậy tịnh dịa vịn chê/ Diết día kêu chình khú ché día/Chí mậy đào chình pháng mậy thông” ( Ra về lòng vương vấn nhớ thương/ Đến nhà lúc nào không biết nữa/ Một đêm tâm sự thắm tình thương/ Tình thấm trong tim bâng khuâng lòng).
Hay đó là buồn thương khi lỡ làng duyên phận: "Nhất nhất choảng sun mẩy tú phiêu/ Nhất nhất choảng sun càng hò súi/Choảng súi dấm gai mẩy tứ phiêu" (Ngày ngày cùng nhau làm việc đồng áng/Lội chung dòng suối/ Uống chung nguồn nước vẫn không lấy được nhau”/
Thơ ca dân gian người Dao là mạch nguồn văn hóa truyền đời. Với cách cảm, cách nghĩ người miền núi, các câu thơ dân gian mang hơi ấm trò chuyện giãi bày trực tiếp. Câu thơ có lối tư duy mạch thẳng, không vòng vò, đọc ra là người nghe có thể cảm, có thể thấu hiểu được ngay.