Lợn bản địa đắt hàng dịp Tết
Thời điểm này, thương lái săn lùng mua các loại lợn đặc sản bản địa để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ghi nhận thực tế, năm nay giá bán lợn bản địa ổn định, đầu ra thuận lợi đã đem lại niềm vui cho người chăn nuôi.
Thời điểm này, thương lái săn lùng mua các loại lợn đặc sản bản địa để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ghi nhận thực tế, năm nay giá bán lợn bản địa ổn định, đầu ra thuận lợi đã đem lại niềm vui cho người chăn nuôi.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Đà Bắc phát triển mạnh nuôi lợn đen bản địa. Với điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, nguồn giống lợn bản địa thuần chủng, lợn đen bản địa nuôi ở huyện được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng thịt thơm ngon. Tại xã vùng cao Đoàn Kết, giống lợn đen tai nhỏ được nuôi khá phổ biến, nhiều hộ tập trung phát triển nuôi giống lợn này thành kinh tế chủ lực. Như gia đình anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, sau nhiều năm nuôi trâu, bò nhưng gặp nhiều khó khăn vì giá bán xuống thấp, năm ngoái đã quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi thêm lợn đen bản địa. Với diện tích đất đồi 1ha, anh Tuất quây lưới xung quanh để thả lợn. Sau gần 1 năm, gia đình anh phấn khởi khi lứa lợn vừa rồi được thương lái đến tận nhà thu mua, giá bán 100 - 110 nghìn đồng/kg.
"Trên này điều kiện rất thích hợp để nuôi lợn bản địa. Giống lợn này chậm lớn, 1 năm nuôi chỉ đạt khoảng 20 - 30kg, để đạt trọng lượng 50 - 60kg phải nuôi 2 - 3 năm. Tuy nhiên, do nuôi hoàn toàn bằng nguồn thức ăn có sẵn từ nông nghiệp nên chi phí đầu tư thấp, tính ra hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Gia đình tôi vừa xuất bán 27 con, bình quân khoảng hơn 20kg/con, có được một khoản để trang trải trong dịp Tết này”, anh Tuất chia sẻ.
Được biết ở xóm Khem nhiều hộ cũng chú trọng nuôi lợn đen bản địa. Gia đình ông Xa Văn Mân đang nuôi vài con lợn nái và trên 30 con lợn thịt. Vừa rồi gia đình ông Mân cũng xuất bán 17 con lợn thịt, thu được một khoản tiền đủ để sắm Tết. Ông Mân cho biết, những con lợn còn lại trọng lượng từ 15 - 20kg, dự kiến sẽ bán hết trước Tết Nguyên đán.
Ở huyện Yên Thủy cũng có nhiều hộ chú trọng nuôi các giống lợn đặc sản, lợn bản địa. Gia đình chị Vũ Thị Nga, xóm Trung Hoa, xã Phú Lai khoảng 2 năm trở lại đây đầu tư trang trại chăn nuôi lợn đen, lợn rừng với số lượng vài trăm con/năm. Theo chị Nga, việc tiêu thụ lợn của gia đình khá thuận lợi, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết khi nhu cầu khách hàng tăng cao. Trang trại của gia đình chị Nga hiện nuôi 20 con lợn nái, đây đồng thời là nguồn cung con giống để chị nuôi lợn thương phẩm. Chị Nga cho biết, thời điểm này trang trại đã cung cấp lợn cho một số khách hàng đặt, ước trong dịp Tết này bán ra thị trường 100 con lợn thương phẩm.
"Nhìn chung thị trường lợn Tết năm nay vẫn khá sôi động, việc tiêu thụ lợn thuận lợi, giá bán ổn định. Hiện nay, giá lợn rừng dao động từ 100 - 150 nghìn/kg lợn hơi, tùy vào độ tuổi lợn non hay già và khu vực khách hàng mua lợn ở gần hay xa. Không chỉ bán cho khách đến mua tại trang trại, gia đình còn ship hàng cho những khách đặt ở xa và các tỉnh lân cận”, chị Nga cho biết thêm.
Có thể nói, với chất lượng thịt thơm ngon, các loại lợn đặc sản nguồn gốc bản địa là một trong những thực phẩm đắt hàng dịp Tết. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, các giống lợn bản địa được nuôi phổ biến, nhất là ở các xã vùng cao trong tỉnh, thuận lợi về nguồn thức ăn và điều kiện chăn thả. Không chỉ trong dịp Tết, giá bán lợn bản địa có xu hướng ổn định nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã chăn nuôi, tiêu thụ lợn bản địa, đầu ra ngày càng ổn định hơn. Đây cũng là vật nuôi được tỉnh chú trọng chăn nuôi ở quy mô nông hộ, nhất là khu vực vùng cao có những điều kiện thích hợp. Ngoài ra, thời điểm này, giá lợn trắng cũng tăng từng ngày, với mức trên 60 nghìn đồng/kg ở trang trại, khoảng 58 nghìn đồng/kg ở nông hộ. Giá bán như vậy là tín hiệu tích cực đối với người chăn nuôi khi Tết Nguyên đán đã cận kề.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/186175/lon-ban-dia-dat-hang-dip-tet.htm