Long An - Bàn đạp tiến công địa bàn trọng yếu phía Nam Sài Gòn
Tỉnh Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc kháng chiến. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đây là khu vực có vai trò như một bàn đạp tấn công Sài Gòn, khiến các chuyên gia quân sự Mỹ nhận định rằng ai kiểm soát Long An sẽ có lợi thế.
Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, đặc biệt là tháng 4/1975, quân và dân Long An đã thể hiện tinh thần chiến đấu cao, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực để làm nên đại thắng mùa xuân thống nhất đất nước.
Trinh sát và dẫn đường
Đại tá Dương Văn Thương, nguyên tỉnh Đội Phó – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An nhớ lại, từ tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã quyết định giành thắng lợi trong giai đoạn 1975-1976, với sự kiện giải phóng tỉnh Phước Long làm động lực cho các vùng khác ở miền Nam. Tỉnh ủy Long An đã tận dụng thời cơ khi địch bị phân tán để mở rộng vùng giải phóng.

Đại tá Dương Văn Thương, nguyên tỉnh Đội Phó – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An (bên phải)
Năm 1975, mặc dù quân của chính quyền Sài Gòn tại Kiến Tường - Mỹ Tho – Tân An đang rất mạnh, nhưng Trung ương Cục miền Nam đã lên kế hoạch mở chiến dịch lớn để giải phóng khu vực này. Ông Thương và đồng đội đã chuẩn bị cho Sư đoàn 5, giải phóng Kiến Tường nhưng cuối tháng 4/1975 kế hoạch thay đổi khi thời cơ giải phóng miền Nam đến gần. Sư đoàn 5 được điều động tiến về theo hai hướng Tiền Giang và Tân An - Thủ Thừa để cô lập Sài Gòn.
Ông Thương và Tiểu đoàn 504 Long An đã hoàn thành nhiệm vụ dẫn dắt lực lượng Sư đoàn 5 từ biên giới Campuchia xuống Kiến Tường tiến về vùng hạ.
“Đơn vị nhận nhiệm vụ đưa Sư đoàn 5 từ biên giới Campuchia xuống Vùng 4 - Kiến Tường rồi đưa qua lộ 29. Thời điểm đó chỉ có đường để về Cai Lậy, Tiền Giang. Đưa tới đó tôi hoàn thành nhiệm vụ quay về ngay Kiến Tường để chuẩn bị cắt đứt và phong tỏa toàn bộ lộ 29, không cho bất cứ một phương tiện hay người của Trung đoàn 10 - Sư đoàn 7 ngụy ở Kiến Tường chạy về Tiền Giang chi viện”, ông Dương Văn Thương kể lại.

Sư đoàn 5 hành quân qua Đồng Tháp Mười (ảnh tư liệu)
Tạo bàn đạp thần tốc
Cuối tháng 4/1975, Sư đoàn 5 thuộc Đoàn 232 quân chủ lực Miền đã tiếp cận vùng hạ Mỹ Tho – Tân An, chia cắt Quốc lộ 4. Lực lượng vũ trang và nhân dân Long An đã hỗ trợ tích cực, trở thành nơi hậu cần chiến lược cho Sư đoàn 5 tiến về cùng các cánh quân giải phóng Sài Gòn và thị xã Tân An.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Long An, Sư đoàn 5 cùng lực lượng địa phương đã nhanh chóng làm chủ nhiều địa bàn, góp phần vào chiến thắng chung. Từ ngày 29/4 đến trưa ngày 30/4/1975, Sư đoàn 5 tiến công các mục tiêu, giải phóng hoàn toàn huyện Tân Hiệp, Tuyên Nhơn, Mộc Hóa tỉnh Mỹ Tho; huyện Thủ Thừa, Bến Lức và Thị xã Tân An, tỉnh Long An.
Để quân chủ lực của ta có thể tiến quân thần tốc, quân và dân Long An đã làm tốt nhiệm vụ giữ vững hành lang chiến lược vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, đưa vũ khí và lực lượng ở khu vực căn cứ đến với chiến trường Khu 8 và Khu 9. Long An đã tạo nên bàn đạp để quân đội ta tiến công mạnh mẽ vào Sài Gòn.
“Chiến trường Long An giữ vai trò thu hút, căng kéo, phân tán tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực khác của chiến trường Nam bộ, cũng như tạo bàn đạp và trực tiếp tiến công Sài Gòn. Nhận thức được vị trí, nhiệm vụ đó nên dù địch đánh phá Long An rất ác liệt nhưng quân - dân vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ xuống chiến trường", Tiến sĩ Nguyễn Tấn Quốc khẳng định.

Sư đoàn 5 vượt cầu Bến Lức, giải phóng Thị xã Tân An tháng 4/1975 (ảnh tư liệu)
Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 - một trong những người tham gia trực tiếp vào trận đánh quyết định ngày 30/4/1975 chia sẻ, Trung đoàn 88, Sư đoàn 5 nơi ông công tác có nhiệm vụ quan trọng là thọc sâu và nghi binh từ phía nam để thu hút lực lượng địch, tạo điều kiện cho các cánh quân lớn tiến vào Sài Gòn.
Trong đợt hành quân từ Gò Công về Sài Gòn cuối tháng 4/1975, Tiểu đoàn 1 của Thiếu tướng Thổ đã vượt sông Vàm Cỏ Tây để tiến vào Chi khu Tân Trụ, một vị trí chiến lược phía Nam Sài Gòn. Đối mặt với nguy hiểm từ 13 tàu chiến của địch, đơn vị của ông đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ quân - dân Long An, sự có mặt đông đảo của địa phương với gần 400 người trong đó có cả học sinh giúp đơn vị của ông tránh được vây ráp của tàu chiến.
Tình cảm và sự hỗ trợ từ người dân Long An đã trở thành động lực mạnh mẽ cho quân đội trong cuộc chiến giành độc lập.
“Lúc đó, học sinh, thiếu niên, thiếu nhi… rất nhiều ùa lên tàu chiến của ngụy đang neo bên sông. Các em vui chơi, nhưng mà lính ngụy họ tiếp đón trẻ em rất tử tế. Nhờ vậy, Tiểu đoàn 1 cùng các đại đội trực thuộc với trên 600 người vượt sông thuận lợi, an toàn”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhớ lại.
Tân An ngày tiếp quản
Tân An - Long An đóng vai trò quan trọng, là bàn đạp vững chắc, tạo điều kiện cho các cánh quân phía Nam tiến vào Sài Gòn một cách thần tốc vào ngày 30/4/1975.

Ông Phạm Hồng Lĩnh, nguyên Chánh văn phòng thị xã Tân An 1975
Ông Phạm Hồng Lĩnh, nguyên Chánh văn phòng thị xã Tân An khi địa phương này vừa giải phóng kể lại, cùng với 5 cánh quân tiến về Sài Gòn, Sư đoàn 5, Quân khu 8, quân chủ lực của ta cũng tiến công thần tốc từ nhiều hướng ở phía nam. Không chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, phong tỏa tuyến Quốc lộ 4, quân và dân Long An được chỉ đạo bằng mọi giá phải giữ lại bằng được những cây cầu trên tuyến quốc lộ này.
“Sau đó quân ta tiến rất mạnh, cấp trên ra lệnh bằng mọi giá quân - dân Long An phải giữ được những cây cầu trên Quốc lộ 4, trong đó có cầu Tân An để xe tăng của quân ta từ Mộc Hóa, Ba Thu và dọc biên giới với Campuchia di chuyển về Mỹ Tho, Tân An làm một mũi tiến công từ hướng miền Tây lên", ông Lĩnh kể.

Quân giải phóng trên cầu Tân An trong ngày tiếp quản (ảnh tư liệu)
Vào ngày 27/4/1975, lực lượng ta đã chuẩn bị pháo 105 ly để giải phóng thị xã Tân An. Tuy nhiên, sáng 30/4/1975, khi mới khai hỏa vài loạt đạn, quân địch đã tháo chạy và đầu hàng. Ông Lĩnh cùng lực lượng cách mạng tiến vào tiếp quản thị xã. Đến trưa cùng ngày, Tân An được giải phóng.
Tin tức về chiến thắng nhanh chóng lan tỏa, nhân dân đổ ra đường ăn mừng. Cùng với Sài Gòn, tại Tân An, cờ Tổ quốc tung bay chào đón quân giải phóng.