Long An đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình đẳng giới gắn với phòng, chống bạo lực gia đình
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Long An, trong 9 năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra trên 5.000 vụ và có chiều hướng giảm dần về số vụ.
Luật Bình đẳng giới (BĐG) ra đời góp phần tạo hành lang pháp lý để bảo đảm quyền bình đẳng giới; các luật khác như Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự,… góp phần luật hóa công cuộc phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả hơn.
Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong 9 năm (từ năm 2009 đến cuối năm 2018), trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 5.082 vụ BLGĐ, có 5.085 người là nạn nhân. Điều đáng mừng là số vụ BLGĐ giảm dần theo từng năm, đến năm 2018 chỉ còn xảy ra 122 vụ so với năm 2009 là 1.235 vụ.
Qua đó, cho thấy công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và xử lý vi phạm phát huy hiệu quả, kéo giảm đáng kể số vụ BLGĐ.
Theo thống kê của ngành VHTT&DL, số vụ BLGĐ về thân thể chiếm phần lớn 2.695 vụ, tinh thần 1.676 vụ, kinh tế 655 vụ và bạo lực tình dục 56 vụ. Từ năm 2013 đến năm 2018 không còn xảy ra bạo lực tình dục.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 10 năm thực hiện Luật BĐG, công tác tuyên truyền được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đặc biệt là trong cộng đồng dân cư và trong từng gia đình cũng như toàn xã hội về BĐG.
Các hình thức tuyên truyền đa dạng như phát hơn 1.000 cuốn tài liệu, hệ thống hóa các văn bản pháp luật về BĐG; phát hơn 40.000 tờ rơi, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền các ngành, các cấp; nhân bản hơn 4.000 tài liệu tuyên truyền, xây dựng chuyên trang BĐG trên báo Long An, gắn nhiều pa nô, áp phích trên địa bàn huyện Cần Đước, TP.Tân An,… Ngoài ra, các ngành, các cấp tổ chức nhiều hội thi, buổi nói chuyện về BĐG; xây dựng câu lạc bộ ngăn ngừa BLGĐ tại phường 3, TP.Tân An; khảo sát tình hình cán bộ nữ làm công tác quản lý tại một số địa phương và trường học.
Đặc biệt, từ năm 2009, ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua Mô hình nam giới điểm 10, qua đó, động viên, xây dựng hình tượng nam giới có trách nhiệm với gia đình, hình ảnh người chồng, người cha, người cán bộ gương mẫu, làm thay đổi nhận thức của cán bộ và tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác BĐG trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ năm 2007 đến năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 96 lớp lập huấn cấp tỉnh cho gần 10.000 cán bộ tham dự và 157 lớp cấp huyện cho gần 10.300 người tham dự về BĐG. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền Luật BĐG và phòng, chống BLGĐ tại cấp cơ sở.
Ngành chức năng các cấp tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp lớn, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh; qua đó, kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót và nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Luật BĐG, thực hiện có hiệu quả công tác BĐG trên địa bàn tỉnh./.