Long An, Kiên Giang hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Long An đã hỗ trợ 14.567 người lao động tự do với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng trong khi tỉnh Kiên Giang sẽ hỗ trợ cho 45.000 người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An Nguyễn Đại Tánh cho biết triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, từ ngày 12/7 đến sáng 19/7, Long An đã hỗ trợ 14.567 người lao động tự do với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Long An có các kế hoạch, quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Việc hỗ trợ được thực hiện với tinh thần kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết thêm từ ngày 19/7, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ các đối tượng lao động tự do khác.
Tỉnh phấn đấu trước ngày 25/7, hoàn thành việc hỗ trợ cho tất cả các nhóm đối tượng lao động tự do, với khoảng 30.000 đối tượng, tổng số tiền 45 tỷ đồng.
Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang sẽ hỗ trợ cho 45.000 người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trên địa bàn với mức 1,5 triệu đồng/người, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ 67,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Kiên Giang, tỉnh thực hiện hỗ trợ này theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị.
Cụ thể là hỗ trợ những người lao động làm các công việc như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe môtô 2 bánh chở khách (lái xe ôm); lái đò chở khách nhỏ lẻ trên sông, trên biển; bán vé số lưu động; lao động tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các công việc thuộc lĩnh vực, ngành nghề khác phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, huyện từ ngày 1/5/2021.
Tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc hỗ trợ này đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách./.