Long An triển khai Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Long An đặt ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, tập trung triển khai Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngày 23/7/2024, Hội Nông dân tỉnh Long An và Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ FELIX đã ký biên bản ghi nhớ về Chương trình hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử FELIX, kết nối giao thương tiêu thụ nông sản nội địa và xuất khẩu. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Ngày 23/7/2024, Hội Nông dân tỉnh Long An và Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ FELIX đã ký biên bản ghi nhớ về Chương trình hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử FELIX, kết nối giao thương tiêu thụ nông sản nội địa và xuất khẩu. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Ngày 2/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị sơ kết thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm.

Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Long An đặt ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, tập trung ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh phù hợp với quy định hiện hành; Quy định hoạt động của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; rà soát, ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống camera giám sát...

Đồng thời, Ban Chỉ đạo triển khai Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan Nhà nước, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó là thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa tỉnh với các Bộ, ngành phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số năm 2024…

Ông Phạm Tấn Hòa chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, các bên liên quan thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ phát triển kinh tế số; triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Ông Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh, cơ quan chức năng phải tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế như hạ tầng máy tính tại một số đơn vị, đặc biệt là cấp xã còn hạn chế, khoảng 15% máy tính có cấu hình thấp chưa đáp ứng tốt nhu cầu công việc.

Nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước còn thiếu và yếu (đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã). Tỉnh chưa có chế độ, chính sách để thu hút nên việc tuyển dụng cán bộ công nghệ thông tin tham mưu về chuyển đổi số vào làm việc trong cơ quan nhà nước còn khó khăn…

 Chiều 5/3/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị trực tuyến, nhằm đánh giá kết quả công tác chuyển đổi số của tỉnh năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin nhằm phục vụ chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm của Long An trong thời gian tới. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Chiều 5/3/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị trực tuyến, nhằm đánh giá kết quả công tác chuyển đổi số của tỉnh năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin nhằm phục vụ chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm của Long An trong thời gian tới. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Trong 6 tháng qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành nhiều kế hoạch định hướng nhiệm vụ cho năm 2024 như thực hiện chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, triển khai đề án 06, thương mại điện tử, tuyên truyền chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh…

Từ đó, các bên liên quan đôn đốc, chỉ đạo triển khai tắt sóng di động 2G, nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến, Tổ công nghệ số cộng đồng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu.

Việc sử dụng các ứng dụng dùng chung trong cơ quan Nhà nước của tỉnh tiếp tục duy trì ở mức tốt. Bên cạnh đó, các hệ thống thông tin của tỉnh vận hành ổn định, phục vụ tốt yêu cầu chỉ đạo, điều hành của cơ quan Đảng và nhà nước, không để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin.

Tỉnh cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu theo quy định; triển khai Hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử tỉnh phiên bản mới, mở rộng đến cấp xã. Tỉnh tổ chức thành công 4 hội nghị triển khai các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp; kết nối các hệ thống, cơ sở dữ liệu đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Bộ ngành Trung ương.

Hiện Long An có 19/19 sở, ngành và 15/15 Ủy ban Nhân dân cấp huyện có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin đạt trình độ trung cấp trở lên (đa phần là kiêm nhiệm).

Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh đạt chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản, biết sử dụng máy tính và các phần mềm liên quan phục vụ công tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/long-an-trien-khai-ke-hoach-xay-dung-co-so-du-lieu-dung-chung-post968393.vnp