Long An - Từ cải cách mạnh mẽ tới điểm đến đầu tư chiến lượcTop 2 địa phương cải cách mạnh nhất
Sau hai thập kỷ triển khai Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Long An không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế trong top 3 PCI toàn quốc mà còn vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các địa phương cải cách nhất - minh chứng cho một hành trình cải cách có chiến lược, nội lực và có tầm nhìn dài hạn; thành công thể hiện rõ ở dòng vốn đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ và một hệ thống chính quyền đang thay đổi để 'phục vụ'.
Top 3 toàn quốc về Chỉ số PCI năm 2024
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố - ghi nhận Long An đạt 72,64 điểm, tăng 1,7 điểm so với năm 2023 và vượt qua hàng chục tỉnh, thành phố khác để giành vị trí thứ 3 toàn quốc. Đây là thành tích phản ánh đúng những nỗ lực toàn diện của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm sáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Điều này cũng khẳng định chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện.
Bảng xếp hạng tổng hợp suốt 20 năm triển khai PCI cũng ghi nhận Long An đứng thứ 2 toàn quốc về nỗ lực cải cách lâu dài, chỉ sau Quảng Ninh. Điều này cho thấy đây không phải là một phong trào ngắn hạn mà là một chiến lược bền vững: nâng cao năng lực cạnh tranh từ gốc rễ - thể chế, con người và công nghệ.

Tỉnh Long An được vinh danh Top 3 toàn quốc về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024
Điều gì giúp một tỉnh nằm ở cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long bứt phá ngoạn mục như vậy? Theo lãnh đạo tỉnh, yếu tố quyết định nằm ở tư duy hành động: “Doanh nghiệp là trung tâm, cải cách là công cụ, công nghệ là đòn bẩy”. Cụ thể: Long An đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, xử lý hồ sơ, giảm thiểu tiếp xúc không cần thiết giữa doanh nghiệp và công chức. Dịch vụ công trực tuyến được mở rộng, từ đăng ký đầu tư, đất đai đến môi trường và xây dựng. Tỉnh cũng triển khai Bộ chỉ số DDCI - đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương - để tạo động lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị không ngừng cải cách.
Theo đó, từ năm 2023, tỉnh triển khai đánh giá Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Đây là bộ chỉ số quan trọng của tỉnh được xây dựng trên cơ sở của Bộ chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) thực hiện nhằm đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là mục tiêu UBND tỉnh đặt ra để các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện cùng đồng lòng, chung tay cải cách, nâng cao năng lực điều hành kinh tế của đơn vị, địa phương, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Qua kết quả khảo sát, đánh giá chung về môi trường đầu tư, kinh doanh, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều tin tưởng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện hơn và chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các đơn vị, địa phương có những giải pháp điều chỉnh thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Không dừng ở một bảng xếp hạng
Thành quả cải cách thể hiện rõ trên mặt trận đầu tư; tính đến hết tháng 4/2025, về đầu tư trong nước, Long An có 2.282 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 511.770 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã cấp mới 30 dự án, tổng vốn 6.500,2 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi về số lượng và vốn so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 945 doanh nghiệp, với 10.394 tỷ đồng vốn đăng ký - tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhận chứng nhận Top 2 cải cách mạnh nhất cả nước theo PCI giai đoạn 2005 - 2024
Về đầu tư nước ngoài (FDI), Long An hiện có 1.425 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 12,85 tỷ USD, trong đó 635 dự án đã đi vào hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh cấp mới 44 dự án FDI với 117,44 triệu USD, và điều chỉnh tăng vốn cho 33 dự án thêm 105,9 triệu USD. Đặc biệt, trong số các dự án FDI đầu tư vào Vùng đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 70% số lượng dự án đầu tư vào tỉnh Long An; đây là cơ sở cho thấy vị thế rất lớn của tỉnh cũng như khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Những con số ấn tượng trên không đơn thuần là thống kê; nó cho thấy niềm tin mà doanh nghiệp đặt vào Long An - một nơi không quá ồn ào nhưng đang chuyển mình mạnh mẽ.
PCI là tấm gương phản chiếu nỗ lực cải cách; với vị trí top 3, Long An có cơ hội nhưng cũng có trách nhiệm duy trì đà tiến, thu hẹp khoảng cách số và lan tỏa tinh thần phục vụ trong toàn bộ hệ thống công quyền; giữ được động lực này, câu chuyện thành công không dừng ở một bảng xếp hạng - mà sẽ viết tiếp bằng chất lượng sống, việc làm tốt hơn và sự tin tưởng ngày càng sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp.