Long An với khát vọng vươn tầm, vững tin bước vào kỷ nguyên mới

Từ trong kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, 8 chữ vàng 'Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc' đã được các thế hệ người dân Long An kế thừa, phát huy sau 50 năm thống nhất đất nước; từ đó kết tinh thành truyền thống của một địa phương năng động, đoàn kết và sáng tạo trong xây dựng, phát triển, vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trung tâm thành phố Tân An với dòng kênh Bảo Định chảy qua đổ ra dòng Vàm Cỏ Tây. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trung tâm thành phố Tân An với dòng kênh Bảo Định chảy qua đổ ra dòng Vàm Cỏ Tây. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Đi đầu đổi mới

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc với đại thắng mùa xuân 1975 chưa được bao lâu thì nước ta lại tiếp tục đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và phức tạp, Đảng bộ Long An đã vững vàng lãnh đạo nhân dân trong tỉnh giữ vững ổn định chính trị, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất vừa huy động mọi nguồn lực cho lực lượng vũ trang chiến đấu trên khu vực biên giới của tỉnh.

Nói về thời kỳ này, ông Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Trong giai đoạn 1975-1985, Long An trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc xóa bỏ cơ chế bao cấp về sản xuất và phân phối lưu thông. Đồng thời, đóng góp rất có giá trị về cơ sở thực tiễn cho những tư duy mới của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và đổi mới phương thức phân phối lưu thông trên phạm vi cả nước.

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, là tỉnh có vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ và ngược lại, Long An có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Long An có đầy điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp toàn diện.

Vào những năm 1996 - 1997, Long An vẫn là tỉnh nông nghiệp, công nghiệp phát triển ở mức thấp. Theo ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An, để tạo bước đột phá, Long An xác định mục tiêu: "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy mô và trình độ ngày càng cao hơn". Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và xúc tiến việc thành lập các khu, cụm công nghiệp. Từ sau năm 1997, với bước chuyển dịch này cùng sự ra đời khu công nghiệp đầu tiên trên địa bàn - Khu công nghiệp Đức Hòa 1, nền kinh tế Long An sang trang mới.

Tính đến tháng 4/2025, tỉnh có 37 khu công nghiệp được thành lập với diện tích quy hoạch khoảng 10.015 ha; trong đó có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch hơn 5.900 ha. Các khu công nghiệp đã thu hút được 2.030 dự án (trong đó có 1.057 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD và 973 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 147.000 tỷ đồng). Từ nhiều năm nay, Long An là địa phương tăng trưởng kinh tế mạnh nhất và dẫn đầu phát triển công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.

Vươn mình cùng cả nước

Khu đô thị mới Water Point hiện đại bậc nhất tỉnh Long An ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức bên dòng Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Khu đô thị mới Water Point hiện đại bậc nhất tỉnh Long An ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức bên dòng Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Từ năm 2001, qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ và quân dân Long An không ngừng vươn lên trong quá trình đổi mới tư duy, đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, đề ra những chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu thực hiện thành công bằng 4 chương trình trọng điểm và được đúc kết, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong các kỳ Đại hội.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Quyết cho biết: Phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng chính quyền, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân. Cùng đó, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia; đẩy mạnh sản xuất, cải tiến cơ cấu kinh tế, phát triển giao thông, xây dựng nông thôn, đô thị...đưa Long An phát triển mạnh mẽ, vươn lên dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mang tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển, qua gần 40 năm bền bỉ, kiên trì mục tiêu đổi mới và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, Long An đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 đạt khoảng 8,3%, đứng thứ 21 cả nước. Thu ngân năm 2024 đạt hơn 26.530 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 7,85 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,25 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người của Long An hiện đạt 107,38 triệu đồng; quy mô kinh tế của tỉnh đạt 188,5 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 13 cả nước.

Long An hôm nay không chỉ là quê hương “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, đi đầu trong công cuộc đổi mới, một “điểm sáng” về phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam, mà những thành tựu đã đạt còn là động lực, tiền đề để tỉnh vững niềm tin vào tương lai, cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ứng dụng công nghệ cao trên cánh đồng lúa ở thị xã Kiến Tường, vùng biên giới tỉnh Long An. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Ứng dụng công nghệ cao trên cánh đồng lúa ở thị xã Kiến Tường, vùng biên giới tỉnh Long An. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trước những thay đổi về quy hoạch và phát triển, với tầm nhìn chiến lược và yêu cầu của “kỷ nguyên mới”, tới đây tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh sẽ hợp nhất để tạo nên một thực thể hành chính mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, Long An và Tây Ninh là hai địa phương có bề dày truyền thống cách mạng; có vị trí địa kinh tế nhiều điểm tương đồng như giáp ranh với Campuchia, với “đầu tàu kinh tế” Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc hợp nhất sẽ hình thành một tỉnh mới có đồng bằng, có cửa khẩu, có hướng ra biển, liền kề để hỗ trợ nhau, tạo nên tiềm lực mới và không gian phát triển mới. Nền kinh tế cả hai địa phương đang chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó Long An có ưu thế về lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (chiếm tỷ trọng hơn 52%), thì Tây Ninh lại mạnh về kinh tế biên mậu và dịch vụ - du lịch (chiếm gần 31% cơ cấu kinh tế).

Ông Lê Văn Nhân, trưởng ban quản lý Nhà thờ tộc họ Lê ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, cho biết hơn 70 năm tuổi đời đã nhiều lần chứng kiến sự thay đổi địa giới hành chính Long An. Lần hợp nhất tỉnh Long An với tỉnh Tây Ninh tới đây, dù có chút bồi hồi, lưu luyến, nhưng tâm trạng chung vẫn là niềm tin vào sự đổi thay của quê hương. “Cái chính là hồn cốt, bản sắc văn hóa của đất và người quê hương “trung dũng, kiên cường” sẽ còn mãi, để cùng tiến vào thời kỳ mới, mình nên nghĩ rộng hơn, lớn hơn cho quê hương, cho đất nước mình”, ông Nhân chia sẻ.

Long An - vùng đất “trung dũng, kiên cường”, quê hương giàu truyền thống anh hùng, táo bạo, sáng tạo bên dòng sông Vàm Cỏ đang cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.

Hoàng Liên Sơn - Thanh Bình - Hồng Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/long-an-voi-khat-vong-vuon-tam-vung-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-20250503082022048.htm