Long An xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
UBND tỉnh Long An vừa ban hành Chỉ thị về việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển KT-XH trong giai đoạn tiếp theo và căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì tập trung cao độ, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; tiếp tục xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy những kết quả đã đạt được; căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và tình hình, kết quả thực hiện đến nay để xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 theo các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh.
Theo đó, yêu cầu đối với nội dung đánh giá kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển đề ra tại kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và theo các Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ, HĐND các cấp (đối với các địa phương) về phát triển KT-XH năm 2024.
Đánh giá đúng thực chất, bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, có so sánh với năm 2023 và các năm 2021 - 2023, bao gồm: Các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2024; phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH, thể chế, kết cấu hạ tầng, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh,...; các tồn tại, hạn chế, trong đó phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để kịp thời khắc phục, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống người dân Long An trong những tháng cuối năm 2024.
Đối với nội dung xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả đã đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH các năm 2021 - 2023, ước thực hiện kết quả năm 2024 và dự báo tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; đánh giá, phân tích, dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; tập trung theo dõi, dự báo kịp thời những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, trong tỉnh để chuẩn bị, sẵn sàng các kịch bản, giải pháp, đối sách phù hợp, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đến mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của HĐND và phù hợp với quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới thực hiện cao nhất các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; đồng thời, mang tính đột phá, đổi mới, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung thực hiện 3 công trình trọng điểm, 3 chương trình đột phá. Đẩy mạnh hoàn thiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế; triệt để phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, phát huy tính tự lực, tự cường của các cơ quan, đơn vị, gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; đồng thời, phải được lượng hóa rõ ràng như tỷ lệ giải ngân, thủ tục hành chính được rút gọn, biên chế được tinh giản,...
Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phấn đấu đạt được mục tiêu theo quy hoạch tỉnh và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, kế hoạch 5 năm về phát triển KT-XH của địa phương; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong tỉnh, trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; đảm bảo kế thừa những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Các sở, ngành tỉnh và địa phương đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực và địa phương mình phụ trách phải bảo đảm thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; phù hợp với thông lệ.
Trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải có định nghĩa, khái niệm, phương pháp tính rõ ràng, phù hợp với quy định, bảo đảm tính chính xác, đồng bộ, thống nhất về thông tin, số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; bảo đảm nguồn lực thực hiện trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả./.