Long An: Yêu cầu tỉnh nhưng huyện ban hành Kết luận định giá tài sản
Vụ án 'Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ' kéo dài từ tháng 3/2017 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Trong quá trình tố tụng, Cơ quan điều tra yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (Hội đồng) tỉnh Long An nhưng Kết luận định giá tài sản lại do Hội đồng huyện Bến Lức ban hành.
Bị tông từ đằng sau nhưng trở thành bị cáo!
Ngày 08/3/2017, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ N2 thuộc xã Thạnh Lợi huyện Bến Lức tỉnh Long An. Trên đường lưu thông từ hướng Thạnh Hóa đi Đức Hòa, xe ô tô tải biển kiểm soát (BKS) 49C-018.55 tông vào phần đuôi bên phải của xe đầu kéo BKS 51C-679.41 (sơ mi rờ mooc BKS 51R-119.53) đang từ bãi chạy ra; đẩy chiếc xe đầu kéo (và cả sơ mi rờ mooc) trượt về phía trước 12,8m.
Vụ tai nạn được lập biên bản và Công an huyện Bến Lức thụ lý giải quyết. Hơn một tháng sau, ngày 11/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bến Lức (CQĐT) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can Nguyễn Hoàng D., tài xế xe… đầu kéo.
Hai tháng sau, CQĐT có Bản kết luận điều tra với nội dung không đầy một trang giấy A4, cáo buộc bị can D. đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự (1999).
VKSND huyện Bến Lức truy tố bị can D. ra tòa. Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra lại, ngày 19/3/2019, TAND huyện Bến Lức đã tuyên bị cáo Nguyễn Hoàng D. vô tội do việc xác định thiệt hại tài sản và định giá thiệt hại tài sản quá sơ sài, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật nên không đủ yếu tố buộc tội bị cáo.
Tòa án tỉnh Long An sau đó xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về điều tra lại. Ngày 31/3/2022, TAND huyện Bến Lức đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên bị cáo Nguyễn Hoàng D. 9 tháng tù giam; tuyên chủ xe đầu kéo, bị đơn dân sự ông Nguyễn Hoài Châu bồi thường cho chủ xe ô tô tải 394.500.000 đồng, căn cứ vào Bản kết luận định giá tài sản cuối cùng của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Bến Lức ngày 30/10/2020.
Bị cáo Nguyễn Hoàng D. kháng cáo kêu oan, TAND tỉnh Long An đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm vào ngày 28/9/2022.
Nhiều lần định giá nhưng không đúng quy định pháp luật
Vụ án tại nạn giao thông này không xảy ra thiệt hại về tính mạng và gây tổn hại sức khỏe người khác. Do đó, thiệt hại về tài sản được xem là yếu tố định tội và cả định khung. Việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại là mấu chốt trong vụ án này. Đó là yếu tố quan trọng và quyết định hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hay không, là căn cứ để xác định khung hình phạt đối với bị cáo.
Tuy nhiên, việc định giá tài sản để xác định giá trị thiệt hại của ô tô tải (bên được CQĐT cho là bị hại) rất sơ sài, thiếu khách quan, trái các quy định pháp luật dẫn đến việc TAND huyện Bến Lức tuyên vô tội trong phiên xét xử sơ thẩm (lần 1). Thậm chí, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức phải tổ chức họp kiểm điểm Chủ tịch Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự huyện Bến Lức và các thành viên sau khi VKSND tỉnh Long An ban hành công văn kiến nghị khắc phục vi phạm trong định giá tài sản.
Sau đó, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Bến Lức vẫn có Bản kết luận định giá tài sản số 100/KL-HĐĐG ngày 30/10/2020 để từ đó, có Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm lần 2 như trên.
Theo Bản kết luận định giá tài sản số 100/KL-HĐĐG ngày 30/10/2020 đã lấy 3 bảng báo giá sửa chữa, thay thế phụ tùng ô tô tải của 03 cơ sở sửa chữa ô tô cộng lại và chia… 3!
Tại phiên tòa ngày 19/3/2019, Điều tra viên Võ Văn Hết trình bày: “Việc cơ quan CSĐT xác định thiệt hại của xe ô tô tải BS 49C-018-55 chỉ kiểm tra bằng mắt thường kết hợp chủ cơ sở sửa chữa ô tô Tấn Tài, không có cơ quan chuyên môn”. Trong Biên bản ghi nhận tình trạng hư hỏng xe ô tô này, CQĐT chỉ liệt kê các bộ phận bị hư hỏng, không ghi rõ thiệt hại bao nhiêu phần trăm, giá trị thiệt hại bao nhiêu phần trăm. Vậy căn cứ nào Hội đồng định giá lại xác định rằng “Tất cả các hư hỏng được liệt kê theo Biên bản ghi nhận tình trạng hư hỏng xe ô tô ngày 28/3/2017, đều thiệt hại 100%?”.
Xác định tốc độ xe bằng bản excel
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc xác định tốc độ, lộ trình và vị trí chính xác thời điểm của ô tô tải (xe đã tông vào đuôi bên phải xe đầu kéo phía trước) là điều cần thiết để xác định lỗi chính thuộc về tài xế xe nào.
Tuy nhiên, rất nhiều lần Tòa án và VKSND huyện Bến Lức trả hồ sơ cho CQĐT để cung cấp dữ liệu và chứng cứ truy xuất dữ liệu này đều không đáp ứng được. Sau đó, CQĐT đã có được “bản lịch sử hành trình” về tốc độ, thời điểm tai nạn của ô tô tải .
Bản excel với 2 trang lịch sử hành trình ô tô tải này do chủ xe tải cung cấp cho CQĐT và khai rằng trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) gắn trên ô tô tải. Tuy nhiên, không có hộp đen trong hồ sơ vụ án, cũng như không có dữ liệu trích xuất từ hộp đen để đối chiếu nhằm chứng minh sự xác thực với bản lịch sử hành trình trên.
Vậy sao CQĐT và tổ xử lý tai nạn giao thông không thu giữ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) đã gắn trên ô tô xe tải theo đúng quy định pháp luật? Theo hồ sơ vụ án, tài xế ô tô tải từ chối giám định thương tật; CQĐT cũng không tiến hành đo nồng độ cồn và xét nghiệm máu để kiểm tra chất kích thích của tài xế ô tô tải theo quy định pháp luật về giải quyết tai nạn giao thông.
Bị cáo và bị đơn dân sự đều cho rằng, tài xế ô tô tải đã ngủ gật tại thời điểm xảy ra tại nạn. Chính vì vậy, tài xế ô tô tải đã không thấy xe trước mặt nên đã tông thẳng vào phần đuôi bên phải xe đầu kéo. Việc suy đoán này không phải là không có căn cứ, bởi theo hồ sơ vụ án, sau khi xe tải tông vào xe đầu kéo, xe đầu kéo với tổng tải trọng là 42 tấn đã bị đẩy trượt về phía trước đến 12,8m!
Vậy ai mới là bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” này?
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng không thể khắc phục được
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/9/2022, tại Tòa án tỉnh Long An, Luật sư bào chữa cho bị cáo D. còn phát hiện ra Biên bản Bản kết luận định giá tài sản số 100 ngày 30/10/2020 được lập mà không theo yêu cầu của bất cứ CQĐT nào. Bởi theo Biên bản và Bản kết luận này căn cứ vào Bản yêu cầu định giá tải sản số 47 ngày 21/4/2020 của CQĐT Công an huyện Bến Lức; nhưng Yêu cầu định giá của CQĐT không yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Bến Lức mà yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Long An tiến hành định giá.
Công tác “định giá” của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Bến Lức chỉ lấy 3 bảng báo giá sửa chữa cộng lại rồi chia 3 chứ không tuân thủ các yêu cầu khi áp dụng phương pháp định giá, tiến hành khảo sát và định giá được quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự; và Thông tư 30/2020 hướng dẫn thi hành.
Tại tòa, Luật sư Hồ Nguyên Lễ, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng D. cũng nêu ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố không thể khắc phục được như: không thu giữ thiết bị giám sát hành trình xe tải, không kiểm tra, giám định tải trọng, tiến hành kiểm tra và giám định hệ thống an toàn của xe tải, không tiến hành đo nồng độ cồn (bắt buộc theo Điều 3 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23 tháng 07 năm 2014), không xét nghiệm máu để kiểm tra chất kích thích của tài xế xe tải…
Sau khi kết thúc phần tranh tụng, phiên tòa nghị án kéo dài đến ngày 30/9/2022 tuyên án.