Long bào là biểu tượng của các hoàng đế thời xưa, tại sao vua đời Tống không mặc họa tiết rồng?
Các vị vua thời phong kiến được cho là thiên tử, là cửu ngũ chí tôn nên khác hẳn người thường. Đồ ăn toàn những của ngon vật lạ, sống trong cung điện xa hoa, và mặc toàn trang phục đặc biệt bằng chất liệu sang trọng.
Người xưa hay có câu "Cửu ngũ, phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân", tức là khi chín con rồng bay lên trời, sẽ có người đứng đầu thiên hạ xuất hiện. Vì vậy, long bào được thêu hình chín con rồng vàng là để thể hiện quyền lực tối thượng. Trong lịch sử, có vị vua sẽ đặc biệt quan tâm đến họa tiết này trên quần áo, luôn muốn được bao bọc bởi vô số rồng phượng, nhưng có những người lại không mấy để ý.
Như Vạn Lịch đế của triều Minh luôn khao khát được bao phủ bởi những con rồng. Vì vậy long bào của ông phải thêu đủ 12 con, thường được gọi là "đoàn long". Nhà Minh và nhà Thanh là hai triều đại sử dụng hình rồng phổ biến nhất do chế độ quân chủ được củng cố mạnh và hoàng đế muốn thể hiện rõ nhất sự thống trị và địa vị của mình.
Trái lại, triều Tống dường như không quan tâm đến họa tiết quyền lực này. Tranh vẽ chân dung của các vị hoàng đế hầu như không thấy mặc "long bào". Trang phục của họ thanh lịch và đơn giản, không khác gì lễ phục chính thức của các quan chức bình thường. Những bộ trang phục kiểu này được gọi là "Giáng sa bào", mặc dù vẫn được coi là long bào nhưng chỉ là không có "long" trên đó mà thôi.
Lý do các hoàng đế nhà Tống không mặc long bào thêu hình rồng bắt nguồn từ sự hiểu lầm trong suy nghĩ của người hiện đại. Do sự phát triển của phim ảnh khiến chúng ta vẫn nghĩ rằng đã là vua thì phải mặc long bào có hình rồng. Lịch sử đã chứng minh, thờ cúng vật tổ khác nhau thì họa tiết thêu trên long bào cũng khác nhau. Nhà Thương tôn thờ loài chim huyền bí nên trang phục của hoàng đế chỉ có thể thêu hình chim. Đến thời nhà Chu, họa tiết rồng mới bắt đầu xuất hiện.
Triều đại nhà Tống chỉ kế thừa kiểu cổ tròn trên trang phục của nhà Đường. Ở thời đại này, sự tập trung quyền lực không quá coi trọng như thời nhà Minh và nhà Thanh, và sự khác biệt về địa vị của quân vương và quần thần cũng không quá lớn. Các quan thậm chí không cần phải quỳ gối khi lên triều và có thể ngồi uống trà trong khi giải quyết công việc cũng như đối đáp với hoàng đế.
Vì vậy, các vị vua triều đại này không mấy để ý đến những điều thể hiện thân phận như họa tiết rồng. Vua chỉ mặc trang phục tương tự như các quan chức bình thường và phân biệt địa vị bằng màu sắc. Thế mới thấy người hiện đại có bao nhiêu hiểu lầm về long bào ngày xưa và suy cho cùng thì phim ảnh chắc chắn không thể phản ảnh chính xác được lịch sử.