Lòng dân: Niềm tin để vượt qua đại dịch
Trận chiến thứ 4 chống Covid-19 suốt mấy tháng nay đã đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp. Với sự bình tĩnh, tự tin và quyết liệt của Đảng và Chính phủ, sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân, hy vọng mọi việc rồi cũng sẽ qua.
Chiều 24/8, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận cuộc họp các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Tổng bí thư kết luận: Vừa qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng bí thư cũng dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân.
Vì thế, đã “thống nhất phân công Thủ tướng làm trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tôi nghĩ, đây là một quyết định đúng và cần thiết dù trước đó, hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia cũng đã làm tốt. Song do diễn biến quá phức tạp, đòi hỏi cần thiết phải nâng tầm chỉ đạo thêm một bước cho nên Đảng mới quyết định như vậy.
Tôi đã theo dõi và thấy lóe lên nhưng hy vọng sáng sủa hơn khi có lực lượng quân đội và công an vừa được tăng cường vào TP.HCM. Nhìn những hình ảnh trên sóng truyền hình và báo chí mà thấy yên tâm và rất ấm lòng. Chính họ đã mang đến nơi hiểm nguy nhất một niềm tin về biện pháp chống chọi với đại dịch.
Hơn 2 tháng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vào TP.HCM 3 lần. Riêng lần này, ông vào giữa tâm dịch chỉ sau đúng 2 ngày nhận thêm trọng trách mới “Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19”. Nhìn ông mà thấy càng tin tưởng hơn về người đứng đầu Chính phủ, luôn xông xáo, tỉ mỉ nhưng vẫn mạnh mẽ, quyết liệt đối diện với công việc.
Hình ảnh Thủ tướng đến tận bệnh viện dã chiến ở thành phố rồi sau đó xuống Bình Dương để lắng nghe tiếng nói dưới cơ sở và quyết đáp luôn những chỉ đạo cần thiết cho địa phương, thật sâu sát và thực sự truyền cảm hứng đến nhiều người.
Rồi khi nhìn chiếc áo cộc tay ông mặc ướt đẫm mồ hôi, tôi thấy thật cảm động. Thủ tướng đã “điểm huyệt” một số lãnh đạo phường, yêu cầu phải cho dân số điện thoại để dân khi nào đói, ốm sẽ gọi ai; cần xe cứu thương gọi cho nơi nào…
Ông đã kiểm tra, điều hành công việc rất chi li và đều lấy dân làm trung tâm, làm mục tiêu để phục vụ. Chỉ như vậy, Thủ tướng mới có được những quyết định kịp thời, chính xác. Từ đó giúp cơ sở tháo gỡ hàng loạt khó khăn nhất định. Nếu không quả là rất khó một khi cơ chế, quyền lực còn có những hạn chế nhất định ở mỗi địa phương khác nhau.
Trước đó, đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến từng con ngõ nhỏ thăm hỏi người dân nghèo và gửi quà tới bà con cùng lời động viên rất ấm áp.
Sự ưu việt của chế độ
Tôi mừng nhất vẫn là hình ảnh người dân vùng tâm dịch hiểu ra rằng, những anh bộ đội Cụ Hồ luôn hết lòng vì dân, đang sát cánh bên họ mỗi ngày, mỗi giờ và thêm một lần để dân quý, dân yêu, dân tin. Điều này có ý nghĩa tinh thần rất lớn, tạo nên sự tin tưởng của người dân vào chế độ ta.
Việc Việt Nam lúc này bùng phát dịch bệnh phức tạp không phải là ngoại lệ. Nước có khoa học tầm cỡ như Israel, rồi nhiều quốc gia giàu có như Mỹ, Anh, Pháp… rất chủ động về vắc xin. Ấy vậy mà khi dịch quay trở lại, họ vẫn gặp nhiều thách thức không kém các quốc gia khó khăn về y tế như khu vực Đông Nam Á chúng ta.
Chống đại dịch như hiện nay là việc sống còn. Nhất là nếu chúng ta mong muốn sớm trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế. Song, tôi nghĩ đây là lúc cần phải bình tĩnh và lường trước nhiều thách thức mới còn tệ hại hơn nếu không chống dịch hiệu quả.
Gần như 100% doanh nghiệp gặp khó trong cả nước. Chúng ta cũng phải lường trước cả việc các doanh nghiệp nước ngoài từng kỳ vọng Việt Nam sớm thoát dịch để đến đầu tư cũng sẽ chững lại.
Tất cả đều đang đặt ra trước mắt nhiều bài toán nan giải. Song, cái khó thường ló cái khôn. Nếu như điểm lại trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, mà gần nhất là giai đoạn khủng hoảng cả về chính trị lẫn kinh tế giai đoạn trước năm 1986 để thấy một điều, với ý chí, bản lĩnh, nghị lực và sự đoàn kết của toàn dân với Đảng và Nhà nước, chúng ta đã tiến hành công cuộc Đổi mới rất toàn diện và hiệu quả trên tinh thần “Đổi mới hay là chết”. Vì lẽ đó, chắc chắn rồi đây chúng ta cũng thêm một lần nữa sẽ vượt qua.
Đảng và Nhà nước cũng đã lường ra chuyện hệ trọng này và nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm gần đây thì Chính phủ đã thể hiện thiện chí đặc biệt với các doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng luôn muốn lắng nghe và chia sẻ với họ để có giải pháp cùng tháo gỡ.
Hơn lúc nào hết, lúc này nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng nhất là kiểm soát để giảm thiểu số người tử vong bởi còn người là còn của, còn có sức lao động để tái lập doanh nghiệp mới, để tồn tại và vượt qua mọi khó khăn dù lớn đến đâu. Và trước mắt, vào thời điểm khó khăn này, dứt khoát chúng không thể để dân đứt bữa. Một khi đã giải quyết tạm ổn về an sinh xã hội thì dần dần mọi việc cũng sẽ qua. Dân sẽ càng có dịp hiểu bản chất ưu việt của chế độ ta.
Lòng tin từ hai phía
Để đạt được điều này, rõ ràng là phải trông cậy vào lòng tin từ cả hai phía. Dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, vào công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị. Đồng thời Đảng, Chính phủ cũng phải thực sự biết ơn nhân dân do đã tuân thủ nghiêm túc những gì Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề ra cũng như thực sự nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân để xem xét, xử lý các tiêu cực trong xã hội.
Để đi đến chiến thắng đại dịch thành công, đó chính là biết học tinh thần bất diệt của cuộc Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy đầu tư công, xuất nhập khẩu, sản xuất trong nước mà không để đình trệ, đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội thì thật không hề đơn giản.
Thế nhưng không phải là điều không thể. Thông tin mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang hồi phục.
Đó cũng là tín hiệu tích cực nếu đất nước ta sớm thoát khỏi tình trạng giãn cách xã hội như hiện nay, giảm dần các vùng đỏ, vùng vàng để vùng xanh ngày càng nhiều lên. Chúng ta đều có cơ sở để tin về điều đó nếu trong cuộc chiến chống dịch hiện nay dân luôn tin Đảng và Đảng luôn tin dân, biết dựa vào dân.