Lồng ghép bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong giải quyết vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam
Sáng nay, 29/8, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam hợp tác cùng Đại sứ quán Canada tại Việt Nam và UNDP Việt Nam đồng tổ chức hội thảo về Bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa.
Tham dự hội thảo có đại diện từ Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, UNDP Việt Nam, các đối tác phát triển trong và ngoài nước và doanh nghiệp như VietCycle.
Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kết quả “Báo cáo đánh giá hiện trạng về giới (GESI) trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam” của Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), cũng như nâng cao nhận thức của đối tác quốc gia và các bên liên quan trong thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển toàn diện thuộc lĩnh vực quản lý chất thải nhựa.
Chương trình hội thảo gồm hai phần chính. Phần thứ nhất là chia sẻ Báo cáo đánh giá tình hình Bình đẳng giới liên tầng trong chuỗi giá trị về nhựa tại Việt Nam và Chiến lược Bình đẳng giới trong nền kinh tế tuần hoàn về nhựa do NPAP xây dựng. Phần thứ hai tập trung vào Tọa đàm chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong quản lý chất thải nhựa tại gia đình và cộng đồng và thảo luận giải pháp góp phần tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam nhấn mạnh "vai trò chủ đạo của phụ nữ" trong “việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa chính thức và không chính thức tại các hộ gia đình và cộng đồng”.
Theo ông, “chính quyền và cộng đồng cần ghi nhận sự đóng góp này trong quá trình xây dựng chính sách. Các nhà hoạch định chính sách cần có thêm các nghiên cứu, dữ liệu và bằng chứng về những vấn đề liên quan đến nhựa, giới và hòa nhập xã hội nhằm tránh mọi tác động tiêu cực đối với phụ nữ, lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong quá trình thực thi chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”.
Cho biết chính phủ Canada đang phối hợp với các đối tác trên toàn thế giới cùng hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil khẳng định: “Chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn để khắc phục các vấn đề trong sản xuất, sử dụng và xử lý nhựa; đồng thời hiểu rõ những thách thức ngày càng lớn đối với sức khỏe con người, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội".
Nhà ngoại giao Canada cho hay: Ở Việt Nam, chúng ta đều biết rằng phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong kinh doanh, quản lý nguồn lực, xử lý chất thải và công việc chăm sóc không được trả lương – mà phần lớn hoạt động này được diễn ra trong khu vực không chính thức.
Các chương trình, dự án tài trợ của Canada tập trung hỗ trợ quyền và sinh kế của phụ nữ nhằm đóng góp cho các nỗ lực chuyển dịch sang một nền kinh tế nhựa bền vững hơn và mang tính tuần hoàn hơn. Phía Canada "hy vọng báo cáo đánh giá về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong chuỗi giá trị nhựa được công bố hôm nay sẽ giúp chúng ta định hướng phối hợp để đảm bảo bình đẳng giới, hòa nhập, đa dạng và sử dụng môi trường có trách nhiệm ở Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ định hướng một số hoạt động của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu chất thải nhựa.
Với cách tiếp cận từ giới và môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ.
Các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong bản kế hoạch hành động chung mà Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đại sứ quán Canada, UNDP Việt Nam và các thành viên tích cực khác thuộc mạng lưới NPAP sẽ đề xuất tích hợp những giải pháp đơn lẻ thành nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững và toàn diện, bằng cách tận dụng nguồn lực từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp và đối tác phát triển.
Các đại biểu tham gia hội thảo chia sẻ nhiều ý tưởng và giải pháp nhằm giúp đưa Việt Nam hướng đến nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững và toàn diện cho tất cả mọi người. Đặc biệt, hội thảo gợi mở những trao đổi hiệu quả về vai trò của phụ nữ và cách thức giúp nâng cao bình đẳng giới, phát triển toàn diện trong quản lý rác thải nhựa ở cấp hộ gia đình và cộng đồng.
Dựa trên một nghiên cứu cơ bản và phân tích tổng quan vững chắc, báo cáo GESI nêu bật những đánh giá về bối cảnh giới và vấn đề phát triển toàn diện trong hệ thống quản lý chất thải nhựa của Việt Nam. Nghiên cứu này được triển khai thông qua khảo sát trực tuyến với 601 ý kiến đóng góp từ thành viên cộng đồng, 9 nhóm thảo luận cùng 63 lao động chính thức và phi chính thức ở Hà Nội, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế, và chuỗi phỏng vấn sâu với 33 đại diện và chuyên gia từ cơ quan hoach định chính sách - quản lý chất thải nhựa cấp trung ương, tổ chức phi chính phủ, đơn vị nghiên cứu, hội phụ nữ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, công nhân thu gom và tái chế rác thải.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ giữ trách nhiệm chính trong việc quản lý công việc nội trợ hàng ngày, và họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc sử dụng các sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất thải nhựa đến sức khỏe phụ nữ, trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.