Lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào môn học
Ngày 19/1, Bộ Công an cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy (PCMT) trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024 - 2030.
Hiện cả nước có gần 230.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 - 15.
Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70 - 75% người trong độ tuổi 17 - 35, chiếm tỉ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên (HSSV).
Trong khi đó, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, tội phạm lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để sản xuất rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ, đồng thời ngụy trang “núp bóng” dưới dạng: “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử... để đối phó với cơ quan chức năng.
Người sử dụng ma túy tổng hợp kéo dài dẫn đến rối loạn tâm thần “ngáo đá”, mất khả năng kiểm soát hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự ở nhiều địa bàn, với nhiều vụ án gây dư luận xấu trong Nhân dân.
Trong năm 2023, có gần 1.500 người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu loạn thần “ngáo đá”, gây ra 30 vụ phạm pháp hình sự.
Hiện nay, công tác PCMT ở nước ta đang tập trung vào 3 trụ cột chính: “giảm cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại”. Trong hoạt động “giảm cầu”, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCMT giữ vai trò hết sức quan trọng.
Thời gian qua, dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng tỉ lệ người sử dụng ma túy không giảm mà có chiều hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân chính do nhận thức người dân, nhất là giới trẻ về tác hại của ma túy chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền PCMT còn mang tính hình thức, áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, chưa có tính riêng biệt, chuyên sâu dành cho đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên, HSSV.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT thống nhất ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục PCMT trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024 - 2030.
Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng các chương trình cụ thể, chuyên biệt để triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy trong học đường, đưa nội dung tuyên truyền PCMT vào các tiết học các cấp học.
Đồng thời có sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương.
Kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về PCMT, giữ gìn an ninh trật tự, tạo môi trường an toàn, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục.
Nội dung chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục PCMT trong các cơ sở giáo dục tập trung vào 8 nhiệm vụ. Trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCMT cho HSSV. Xây dựng hình thành kỹ năng phòng, chống, ý thức chấp hành pháp luật về PCMT cho HSSV.
Đưa nội dung pháp luật về PCMT vào chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học.
Tổ chức các hoạt động cao điểm PCMT trong HSSV hưởng ứng Tháng hành động PCMT (Tháng 6), Ngày quốc tế & Ngày toàn dân PCMT 26/6 hàng năm…
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Vụ Giáo dục chính trị & Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối tham mưu triển khai thực hiện Quy chế.