Lồng ghép phòng chống tác hại thuốc lá vào bài giảng 3 môn học

Nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ được lồng ghép vào bài giảng của 3 môn học, hoạt động giáo dục THPT gồm: Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục kinh tế và pháp luật và Sinh học...

Học sinh nói về thuốc lá điện tử. (Ảnh: tuoitrethudo.com)

Học sinh nói về thuốc lá điện tử. (Ảnh: tuoitrethudo.com)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông (THPT).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận các em học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, bên cạnh đó việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%. Theo các chuyên gia WHO tại Việt Nam, với lứa tuổi học sinh, khi hút một trong các loại trên sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải những căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập và tương lai sau này...

Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT. Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT được sử dụng làm tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng.

Tài liệu gồm 85 trang với các nội dung: Khái quát về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá; Hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT. Cụ thể, giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT sẽ lồng ghép vào bài giảng của 3 môn học, hoạt động giáo dục gồm: Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục kinh tế và pháp luật và Sinh học.

Tài liệu nêu chi tiết về tác hại của thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử với con người nói chung, với thanh thiếu niên nói riêng. Tùy từng nội dung, mức độ tích hợp, đối tượng, điều kiện cụ thể mà giáo viên lựa chọn, phối hợp một cách phù hợp, linh hoạt các hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy, trong đó học sinh là chủ thể của các hoạt động để tìm tòi, khám phá, thể hiện quan điểm, thái độ, vận dụng thực hiện các hành vi phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong quá trình học, kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng, xác định mức độ chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng vận dụng của người học và xác định mục tiêu người học đạt được cũng như xác nhận văn bằng chứng chỉ cho người học.

Việc đánh giá được thực hiện theo định hướng chung về đánh giá phẩm chất, năng lực theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Một số người cho rằng, hút thuốc lá điện tử không gây hại và an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, thuốc lá điện tử có chứa nhiều thành phần và có thể gây hại cho sức khỏe, có thể kể đến như sau:

- Nicotine: Đây là chất gây nghiện đã quá phổ biến trong các loại thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử có rất nhiều loại đa dạng, trong đó một số sản phẩm có chứa lượng nicotin ít hơn so với thuốc lá thường, nhưng cũng có những loại có chứa lượng nicotin tương đương với thuốc lá truyền thống.

- Dung dịch tạo khói trong thuốc lá điện tử như Propylene Glycol, Glycerin cùng với nước. Đây là những chất đã được FDA cho phép dùng trong ngành dược mỹ phẩm,.. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc lá điện tử, những chất này sẽ được đốt để làm nóng khiến cho nước cùng với các chất còn lại bay lên như khói, khiến người dùng có cảm giác như đang hút thuốc. Việc đốt cháy những chất nêu trên sẽ tạo ra những sản phẩm độc hại cho sức khỏe.

- Chất tạo mùi: Đây là một thành phần trong thuốc lá điện tử. Thực chất đây chính là các hóa chất hương liệu tạo ra các mùi vị khác nhau chẳng hạn như mùi hoa quả, mùi khói thuốc, mùi vani,...

Hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài thì ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe càng nghiêm trọng. Dù là người hút trực tiếp hay người ngửi khói thuốc thụ động đều có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/long-ghep-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-vao-bai-giang-3-mon-hoc-post497092.html