Long Khánh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trước cuộc sáp nhập tỉnh, thành

Nhìn từ trên cao, đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Đồng Nai mang dáng vẻ yên bình, thưa thớt xe cộ nhưng lại là điểm kết nối quan trọng giữa các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Long Khánh là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Đồng Nai, thuộc Đông Nam Bộ, cách TPHCM khoảng 72km, cách Biên Hòa 47km, Vũng Tàu 75km và Phan Thiết 115km. Với vị trí chiến lược, thành phố này là điểm kết nối quan trọng giữa các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để trở thành đô thị loại 2.

Tính đến năm 2024, Long Khánh có 13 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 9 phường và 4 xã.

Những năm gần đây, công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng. Hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, công viên, vườn hoa, cây xanh được nâng cấp, đầu tư, mở rộng.

Hạ tầng kỹ thuật ở khu vực đô thị tiếp tục được đầu tư xây dựng, nhất là trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, các thiết chế văn hóa, thể thao; diện mạo khu vực nông thôn đang từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh.

Hệ thống lưới điện được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục. Từng bước đầu tư chuyển đổi đèn chiếu sáng công cộng từ đèn Sodium sang đèn Led.

Công tác vệ sinh đường phố duy trì thường xuyên, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực đô thị hàng năm đạt 100%. Công tác chăm sóc, duy trì cây xanh được thực hiện thường xuyên, liên tục; tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 72% (NQ: 72%).

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Long Khánh đã được tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý, thực hiện quy hoạch.

Thành phố đã có đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050.

Trong ảnh là Đại chủng viện Thánh Giusê Xuân Lộc - một trong 8 đại chủng viện tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo linh mục cho các giáo phận Xuân Lộc, Bà Rịa, Đà Lạt và Phan Thiết. Ngoài ra, chủng viện còn tiếp nhận chủng sinh từ các giáo phận khác như Hải Phòng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Phát Diệm và Thanh Hóa.

Cách đó không xa là nhà thờ chính tòa Xuân Lộc, tọa lạc tại 144 đường Hùng Vương, phường Xuân Hòa. Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothique với 2 dãy cột chắc chắn, sừng sững đỡ mái vòm hình tháp được gắn chặt trên các khung bê-tông cốt thép hướng về trời, tạo bầu không khí ấm cúng, trang nghiêm và thoát tục.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Đồng Nai sẽ từ 159 đơn vị sáp nhập thành 55 xã, phường, giảm hơn 65% số đơn vị. Đơn vị hành chính tỉnh Đồng Nai mới sau khi nhập với tỉnh Bình Phước lấy tên là Đồng Nai sẽ có diện tích hơn 12.700km², quy mô dân số hơn 4,2 triệu người.

Thành phố Long Khánh từ 13 phường, xã cũng được đề xuất còn 5 đơn vị phường, xã và giữ lại các tên quen thuộc như Long Khánh, Bình Lộc, Hàng Gòn, Bảo Vinh, Xuân Lập.

Theo Nghị quyết số 673/NQ-UBTVQH14 ngày 10/4/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính một số đơn vị hành chính cấp xã và thành lập TP Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai, từ ngày 1/6/2019. TP Long Khánh thành lập trên cơ sở toàn bộ 191,75km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 171.200 người và 15 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Long Khánh.

Long Khánh có vị trí gần với các đô thị lớn trong vùng như TP Biên Hòa, TPHCM, TP Vũng Tàu, có nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ huyết mạch đi qua nên được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Long Khánh đang được kỳ vọng sẽ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kho vận hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hoàng Hà

Phạm Hải

Xuân Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/long-khanh-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-truoc-cuoc-sap-nhap-tinh-thanh-2402000.html