Lòng tham mờ mắt

Mới đây, dư luận cả nước xôn xao về 2 vụ việc bị phanh phui là vụ “rút ruột 50 tỷ đồng” của 5 viên tướng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và vụ “Công an bắn nhầm dê” ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. 2 vụ việc rất khác nhau về bản chất, nhưng đều chung một tình tiết, đó là lòng tham của con người được đẩy lên cao độ đến mức… làm mờ mắt để không nhận biết được chính mình. Bởi người bình thường cũng hiếm khi nghĩ đến chuyện đó, chứ đừng nói đến những người có trình độ học vấn, vị trí công việc như các đối tượng nêu trên.

Ở vụ “rút ruột 50 tỷ đồng”, các bị cáo đều nêu nguyên nhân dẫn đến hành động phạm pháp trên là do “các thủ trưởng Bộ Tư lệnh phải làm việc nhiều, đi lại nhiều, công tác đối ngoại rất vất vả, nhưng quỹ vốn không có nên gặp rất nhiều khó khăn”. Từ đó, các bị cáo thống nhất rút ruột 50 tỷ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật để… chia sẻ khó khăn.

Điều nực cười ở đây là ai cũng biết đã được phong hàm đến cấp tướng và giữ vị trí công tác cao đến như vậy, các bị cáo trên đều phải trải qua việc học hành cơ bản, từ thấp lên cao, từ phổ thông đến chuyên sâu. Rồi còn qua nhiều khóa đào tạo, trau dồi về đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh chính trị, lối sống của người chiến sĩ cách mạng. Hơn nữa, ở cương vị như vậy, không thể có chuyện Nhà nước không đãi ngộ đầy đủ nên gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là lương, thưởng, chế độ công tác phí cho cán bộ được pháp luật quy định rất chặt chẽ và rõ ràng, tùy theo từng vị trí công tác và điều kiện, môi trường hoạt động.

Tất nhiên, khi lòng tham bốc lên làm mờ mắt, con người ta luôn tự huyễn hoặc bản thân, tìm mọi lý do để giải thích cho động cơ, mục đích của mình là chính đáng kiểu “bàn tay che mặt trời”. Đến lúc vụ việc bị phơi bày, tòa hỏi đi công tác có được hưởng chế độ công tác phí không mà bảo việc đi lại gặp nhiều khó khăn, các bị cáo mới ấp úng rằng “thấy sai rồi”. Thực ra, cái sai này các bị cáo chắc chắn đều đã biết ngay từ đầu chứ không phải ra tòa mới nhận thức được. Có điều, lợi ích vật chất lớn quá đã che mờ ý thức và nhanh chóng đánh gục bản lĩnh của người trong cuộc.

Ở vụ việc thứ 2, hầu hết những người theo dõi câu chuyện đều không hiểu nổi tại sao các đương sự lại có thể “bắn nhầm dê” trong trường hợp hy hữu như vậy.

Theo quy định của pháp luật, hành vi “bắn nhầm dê” và cho vào cốp xe ô tô mang về như trên đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản. Mà tội danh này thường chỉ dành cho những đối tượng dân gian thường gọi là “cò con, túng quẫn” - tức là những tên trộm cắp vặt, không có bản lĩnh “làm ăn” lớn. Đằng này các đương sự đường đường là người chiến sĩ công an, chịu trách nhiệm bảo vệ bình yên cho nhân dân lại đi bắn dê của nhân dân mang về làm của riêng thì hết chỗ nói.

Nhìn tổng thể vụ việc có thể thấy câu chuyện khá đơn giản, các đương sự trên đi bắn chim trên núi, nhưng thấy đàn dê của dân “ngon” quá, không kiềm chế được lòng tham nên tổ chức bắn ngay với lập luận nếu bị phát hiện sẽ cãi rằng “tưởng dê núi nên bắn nhầm”.

Chia sẻ về vụ việc này, nhiều người cho rằng không gì có thể giải thích cho hành động trên của các đương sự ngoài 2 chữ lòng tham. Bình thường, thấy bất kỳ cái gì không phải của mình thì dù có yêu thích mấy đi nữa, cùng lắm cũng chỉ ngắm nhìn, ao ước. Hoặc giả nếu có điều kiện kinh tế, có thể đàm phán hỏi mua với chủ sở hữu chứ không ai lại khơi khơi chiếm đoạt ngay để đem về làm của riêng như thế được.

Cái đau đớn nhất ở đây là chỉ vì 2 con dê trị giá có vài triệu bạc mà mất cả sự nghiệp, con sâu làm rầu nồi canh. Đau hơn nữa là người đời hết thảy đều khinh rẻ cái lòng tham vô lối của những kẻ mang danh người chiến sĩ công an nhân dân nhưng không hề có hành động vì nhân dân phục vụ.

Ngẫm ở đời, ai cũng có lòng tham. Nhưng phàm đã là con người, có tư duy vượt trội, khác biệt, hãy hành xử của người có học thức, biết kìm nén phần con để phát huy cái phần người thì mới xứng đáng là con người. Chỉ vì chữ tham mà bất chấp tất cả, sẵn sàng đánh đổi tất cả, sớm muộn cũng phải gánh chịu hậu quả.

Long Dương

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95634//long-tham-mo-mat