Lòng thành vẫn là thứ căn cốt của con người

Ở bất cứ thời đại nào, không gian nào, thì lòng thành vẫn là thứ căn cốt, gốc rễ. Có lòng thành thì vạn sự tất thành.

Hãy để việc xin chữ đầu xuân luôn là nét đẹp thay cho việc lồng ý chí cá nhân vào đó. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hãy để việc xin chữ đầu xuân luôn là nét đẹp thay cho việc lồng ý chí cá nhân vào đó. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ở thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng những ngày đầu xuân rất nhiều người đi xin chữ. Nếu nhìn vào bức tranh ấy chúng ta thấy một sự hoan hỉ, mừng vui đúng theo nghĩa đen. Xin chữ là hoạt động văn hóa, một sự thể hiện khát vọng chính đáng của con người.

Nhưng cũng trong không gian văn hóa linh thiêng ấy nhiều người đã giật mình khi một em bé chừng đang học lớp 1, cùng lắm là lớp 3 trả lời câu hỏi của ông bà là muốn xin chữ: Phát tài, phát lộc, 83, 86.

Phát tài, phát lộc thì ai cũng hiểu rồi. Những con số kia cũng được nhiều người quan niệm là con số biểu thị cho tài lộc, phát đạt. Mong cầu tài lộc ở một đứa trẻ còn rất nhỏ liệu có chính đáng? Tại sao không phải là những con số khác, ví dụ như con số điểm 9, điểm 10 chẳng hạn.

Một đứa trẻ không mong phát đạt về điểm số mà là tài lộc thì liệu có thỏa đáng không? Còn có nhiều chữ mà người đang đi học có thể xin như chữ học, chữ đăng khoa, thi cử, đỗ đạt... Nhưng có vẻ như tâm hồn non nớt của đứa trẻ kia chưa được định hướng, chí ít nó chưa được nghe, hoặc hiểu ý nghĩa đẹp đẽ của những từ như thế thay cho những thứ được gọi là tài lộc đang đầy rẫy trong cuộc sống hiện nay.

Khi ông, bà cậu bé nghiêm khắc nói rằng đó là những chữ dành cho người lớn thì cậu bé đổi sắc mặt giận dỗi. Nó nói rằng những từ như thế cháu nghe nhiều, mà lại không được xin.

Khát vọng của người lớn đang tác động làm mụ mị những cái đầu con trẻ.

Và cũng vì những khát vọng có tính ý chí ấy đã khiến nhiều người có những việc làm thái quá. Xin chữ đầu xuân là một trong số ấy. Nhìn những người hớn hở phơi chữ ở sân thiền viện, dễ nhận ra phổ biến là những chữ tài, chữ lộc, thậm chí có những người xin những chữ cụ thể hơn. Trong số người xin chữ có người cao tuổi, có học sinh, nhưng không nhiều người xin chữ thể hiện cầu mong về sức khỏe, về chuyện học hành.

Mà câu chuyện lòng tham của con người không chỉ quanh chuyện xin chữ. Nó còn thể hiện ở lá sớ, ở lời khấn cầu. Những lễ hội đầu xuân ở nhiều đền phủ là không gian để chúng ta chứng kiến điều đó. Những thầy đồ viết sớ thuê. Những người kêu thay lạy đỡ. Họ phải dốc lòng để biểu đạt những ham muốn vật chất của người bỏ ra đồng tiền thuê họ. Họ biết rằng lá sớ hay những câu cầu khấn mà họ thực hiện sẽ chẳng thể thành hiện thực được, bởi thần thánh không đến mức siêu nhiên để chiều lòng tham. Họ làm vì mưu sinh, cũng vì sự nhiệt tình đến mức cực đoan của người đi lễ.

Niềm tin và khát khao là phần không thể thiếu trong mỗi con người. Nhưng hơn thế vẫn phải là lòng thành. Lòng thành để mỗi người nhận ra sự việc và cách biểu đạt như thế nào là phù hợp. Mọi sự thành công hay thất bại đều phải từ quyết tâm, khát khao và thực lực của chính mình. Những lá sớ, lời khấn cầu, hay những chữ xin đầu năm có chăng chỉ đóng vai trò trợ lực, như một liệu pháp tinh thần.

Có không ít người đang cố tình biến một nét đẹp văn hóa thành một thứ mê tín. Biến những điều bình thường trở thành bất thường và tốn kém. Ở bất cứ thời đại nào, không gian nào, thì lòng thành vẫn là thứ căn cốt, gốc rễ. Có lòng thành thì vạn sự tất thành.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/long-thanh-van-la-thu-can-cot-cua-con-nguoi-238443.htm