Lòng tin cần gắn với văn bản pháp lý
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTG về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, ở nông thôn, người dân vẫn có thói quen kinh doanh, mua bán nông sản thông qua lòng tin, lời hứa, để rồi tiền mất, tật mang, chưa kể phải ra pháp luật.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đi thu mua quýt của nhiều nhà vườn để bán lại cho vựa trái cây Minh Thùy, do bà Trần Thị Minh Thùy làm chủ. Một thời gian có được lòng tin, bà Thùy nhờ bà Hiền mua quýt của nhiều nhà vườn với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng nhưng không trả tiền. Bản thân bà Thùy cũng nợ tiền của nhiều nông dân khác. Thế là nông dân khởi kiện đến TAND huyện Lai Vung.
Tòa thụ lý và hòa giải thành công, bà Thùy đồng ý trả nợ cho một hộ nông dân hơn 570 triệu đồng, chịu án phí hơn 13 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay bà Thùy vẫn chưa trả số tiền kể trên. Đáng nói hơn, bà Thùy đã âm thầm chuyển 16 thửa đất cho em ruột trong vòng 1 ngày nhằm tẩu tán tài sản, né tránh thi hành án.
Một vụ tương tự khác, ông Trần Đạt Hoàng Dũng cùng ông Đỗ Quốc Đạt (ngụ TP Cần Thơ) kết nghĩa anh em. Cả gia đình ông Đạt xem ông Dũng như người thân. Ông Dũng thuê khoảng 25.000m2 đất của những người trong gia đình ông Đạt để trồng cam (bao gồm cả đất của ông Đạt).
Ông Đạt được gia đình “ủy quyền” đại diện ký hợp đồng (giấy tay) với ông Dũng với thời hạn 7 năm. Trong thời gian canh tác, gia đình ông Đạt nhận đủ số tiền thuê đất mỗi năm, đến khi số đất này vướng quy hoạch, ngành chức năng kiểm đếm số cây trên đất, bồi thường hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì hợp đồng bằng giấy tay, không có chứng thực của cấp thẩm quyền, nên gia đình bên chủ đất đã gửi đơn khởi kiện ông Dũng đến TAND quận Ninh Kiều, lý do ông Dũng chiếm đất của gia đình để canh tác trong nhiều năm. Với lý do trên, nguyên đơn nhiều lần tạo sức ép để hòa giải, đề nghị chia đôi số tiền bồi thường tài sản trên đất của ông Dũng.
Theo luật sư Phan Đăng Hữu, Công ty Luật An Khang (Cần Thơ): Trường hợp thứ nhất đương sự không thực hiện thi hành án, thì quyết định thi hành án vẫn duy trì, khi nào có tài sản thì thi hành án, nhưng sẽ kéo dài. Để bảo vệ mình, người dân nên thực hiện ký hợp đồng bằng văn bản cho việc mua bán. Trong đó, quy định cụ thể về người mua, người bán, địa chỉ, sản phẩm, giá… Nếu không thực hiện theo hợp đồng sẽ bồi thường thiệt hại; đồng thời có tranh chấp sẽ căn cứ vào văn bản pháp luật này tiến hành xử lý theo pháp luật. Trường hợp thứ hai, đối với hợp đồng thuê đất không cần phải công chứng. Hợp đồng đã được thỏa mãn bởi bên cho thuê đất đã giao đất, bên được thuê đã trồng cam và thu hoạch. Vì vậy, có thể xác định hợp đồng thuê là có thật và không có chuyện chủ sở hữu đất là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Dù hợp đồng có vô hiệu đi chăng nữa thì số tài sản gắn liền với đất vẫn thuộc về bên thuê đất.
Kinh doanh, mua bán thì lòng tin, chữ tín là một giá trị để hợp tác bền vững, nhưng song hành với nó cần có những văn bản ràng buộc pháp lý rõ ràng, để gắn trách nhiệm. Đây là điều cần thiết mà người dân nông thôn cần quan tâm.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/long-tin-can-gan-voi-van-ban-phap-ly-661049.html