Lòng tin tiêu dùng tại Mỹ thấp kỷ lục kể từ đại dịch COVID-19

Báo cáo do tổ chức nghiên cứu Conference Board (CB) công bố ngày 29/4 cho thấy chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Burlingame, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Burlingame, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, chỉ số lòng tin người tiêu dùng về thực trạng kinh tế Mỹ theo thang điểm của CB giảm 7,9 điểm trong tháng Tư, xuống còn 86 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, phản ánh lo ngại của người dân Mỹ trước kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Stephanie Guichard tại CB cho biết đây là đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số này giảm tính từ tháng 12/2024.

Cả 3 yếu tố cấu thành kỳ vọng là điều kiện doanh nghiệp, triển vọng việc làm và thu nhập tương lai đều ghi nhận mức suy giảm sâu, cho thấy tâm lý bi quan bao trùm tương lai kinh tế.

Theo bà Guichard, lòng tin về thị trường tài chính cũng lao dốc, khi có tới 48,5% người tiêu dùng nhìn nhận giá cổ phiếu sẽ giảm trong 12 tháng tới, mức cao nhất kể từ tháng 10/2011.

Lạm phát kỳ vọng trong 12 tháng tới cũng cán mốc 7%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 - thời điểm Mỹ chứng kiến lạm phát cao kỷ lục.

* Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có phát biểu ngắn gọn với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng rằng: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một thỏa thuận với Ấn Độ”. Ông Trump nói: “Thủ tướng (Ấn Độ), như các bạn biết, đã tới đây ba tuần trước, và họ muốn đạt được một thỏa thuận”.

Những bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói rằng Mỹ đang “rất gần với một thỏa thuận với Ấn Độ”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Bessent cho biết chính quyền Trump cũng đã có các cuộc thảo luận “đáng kể” với Nhật Bản về một thỏa thuận thương mại tiềm năng, và rằng “các đường nét của một thỏa thuận” với Hàn Quốc cũng đang bắt đầu hình thành.

Phó Tổng thống JD Vance đã gặp Thủ tướng Modi vào tuần trước. Hai nhà lãnh đạo “đã đạt được một số tiến triển rất tốt, vì vậy tôi có thể thấy sẽ có một vài thông báo liên quan đến Ấn Độ”, ông Bessent nói. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời điểm cụ thể.

“Một quốc gia như Ấn Độ, vốn đã thiết lập sẵn các mức thuế quan, thì việc đàm phán với họ dễ dàng hơn nhiều”, ông Bessent nói thêm.

Ông Raghuram Rajan, một nhà kinh tế học và giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, nhận định rằng “Ấn Độ sẽ được lợi rất lớn nếu có thể đàm phán để hạ thấp mức thuế quan, ngay cả khi một số quốc gia khác vẫn duy trì mức thuế cao hơn”.

“Điều đó có thể khiến nhiều công ty nhìn nhận lại Ấn Độ theo một cách hoàn toàn mới, đặc biệt là nhờ vào quy mô lớn của thị trường nội địa Ấn Độ”, ông Rajan phát biểu trên kênh CNBC vào ngày thứ Ba (29/4).

Nhà Trắng đã và đang nỗ lực để đạt được các thỏa thuận thương mại với các đối tác trong những tuần sau khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế quan diện rộng.

“Chúng ta có 18 mối quan hệ thương mại quan trọng, và chúng ta sẽ nói chuyện với tất cả các đối tác đó hoặc ít nhất là với 17 nước trong vài tuần tới. Nhiều trong số đó đã đến Washington”, ông Bessent nói.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn cho biết thêm trong buổi họp báo rằng các mối quan hệ thương mại với 17 đối tác “đang được thúc đẩy” và danh sách này không bao gồm Trung Quốc.

Bút danh

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/quoc-te/202504/long-tin-tieu-dung-tai-my-thap-ky-luc-ke-tu-dai-dich-covid-19-3e72936/