Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh

Sáng 26/10, tại Khu di tích lịch sử Xóm Nghề xã Thạnh Đức, Huyện ủy, UBND, HĐND, UBMTTQ Việt Nam huyện Bến Lức (tỉnh Long An) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh.

Chương trình văn nghệ tại lễ kỷ niệm

Chương trình văn nghệ tại lễ kỷ niệm

Dự chương trình có: Ông Phạm Tấn Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; ông Lê Thành Út, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Bến Lức cùng các Lãnh đạo tỉnh Long An qua các thời kỳ.

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, lúc còn nhỏ còn có tên là Chơn (1838 – 1868), sinh ra và lớn lên tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyên Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An).

Người dân thành kính dâng hương trước Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Người dân thành kính dâng hương trước Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực nguyên quán ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, thị trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội , xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (tục danh là Thăng hoặc Trường), mẹ là bà Lê Kim Hồng.

Khi chiến tranh Tây Sơn nổ ra, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo (ông nội của Nguyễn Văn Lịch) chạy giặc vào Nam định cư tại thôn Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, Phủ Tân Bình, trấn Phiên An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông.

Các đại biểu dâng hương tại buổi lễ

Các đại biểu dâng hương tại buổi lễ

Năm 1861, hưởng ứng Hịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An, lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ.

Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông gồm một số nhà yêu nước: Nguyễn Văn Điền (hay Điền), Nguyễn Học, lương thân Hồ Quang… tổ chức cuộc phục kích đốt tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10/12/1861 tại vàm Nhật Tảo.

Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu qua lại trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Sau khi ba tỉnh miền Đông Nam Bộ rơi vào tay thực dân Pháp (Hòa ước Nhâm Tuất 1862), ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861, ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Các đại biểu dự buổi lễ

Các đại biểu dự buổi lễ

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23/6/1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16/6/1868, ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thị xã Rạch Giá).

Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo. Đến tháng 10/1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo được an toàn, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt. Đến ngày 27/10/1868, ông bị Pháp đem hành hình ở chợ Rạch Giá, hưởng dương 31 tuổi.

Ông Lê Thành Út - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức phát biểu tại buổi Lễ

Ông Lê Thành Út - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thành Út - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, chia sẻ: Với những đức tính cao cả về "Đức, Trí, Dũng", Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã trở thành niềm tự hào của Nhân dân về tinh thần xả thân cứu nước, làm vẻ vang cho Tổ quốc, cho quê hương, tạo ấn tượng sâu sắc, lòng cảm phục, kinh ngưỡng, nhất là trong lòng người dân Nam Bộ.

Ở tuổi 30, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã kết tinh hoàn hảo của một con người trung – hiếu vẹn toàn, một biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, bất khuất của cả dân tộc.

Thân tộc gia đình cụ Nguyễn Trung Trực

Thân tộc gia đình cụ Nguyễn Trung Trực

Tại di tích lịch sử khu vực Xóm Nghề, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, ngày 11 và 12/9 âm lịch hàng năm là ngày Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đây cũng là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của ông.

Cứ đến những ngày này, nhân dân tỉnh Long An và và các tỉnh thành trong cả nước hội tụ về đây để thắp nén hương tưởng nhớ, cảm phục trước khi phách hiện ngang, tấm lòng hiếu nghĩa của người anh hùng dân tộc - Người đã vị quốc vong thân.

Người dân lập bàn thờ trang nghiêm trước nhà và mở quầy cơm chay miễn phí cho khách thập phương

Người dân lập bàn thờ trang nghiêm trước nhà và mở quầy cơm chay miễn phí cho khách thập phương

Nhiều gia đình khu vực Xóm Nghề xã Thạnh Đức khi đến ngày giỗ của cụ Nguyễn Trung Trực đều lập bàn hương án trang nghiêm trước nhà thành kính, tưởng nhớ ông như tưởng nhớ chính người thân trong gia đình mình - một nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.

Đặc biệt, tại tỉnh Kiên Giang – nơi ông hy sinh, Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá hàng năm vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Nguyễn An Thọ, cháu đời thứ tư của cụ Nguyễn Trung Trực phát biểu tại buổi lễ

Ông Nguyễn An Thọ, cháu đời thứ tư của cụ Nguyễn Trung Trực phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn An Thọ, cháu đời thứ tư của cụ Nguyễn Trung Trực hiện đang sống tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lúc, cảm động bày tỏ: Có được Lễ kỷ niệm trang nghiêm, long trọng này, thay mặt thân tộc, con cháu cụ Nguyễn Trung Trực xin bày tỏ lòng biết ơn đến các cấp chính quyền tỉnh Long An và người dân huyện Bến Lức.

Mặc dù cụ Nguyễn hy sinh đã 155 năm, nhưng hào khí Nguyễn Trung Trực vẫn còn vang mãi với lời nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây". Với tấm lòng thương dân mến nước và tài ba, ông mãi mãi là tấm gương sáng chói cho thế hệ mai sau, trong đó có thân tộc con cháu chúng tôi luôn phải noi theo, phải đền đáp và phát huy công đức của tiền nhân trong cuộc sống và xây dựng quê hương đất nước hôm nay.

Nâng cấp Khu di tích lịch sử Xóm Nghề với kinh phí hơn 150 tỷ đồng

Ông Lê Thành Út, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, cho biết: Khu di tích lịch sử Xóm Nghề sẽ được đầu tư, nâng cấp trên diện tích đất khoảng 22.500m2. Số tiền đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa cùng với ngân sách nhà nước. Hiện đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, sẽ triển khai các hạng mục tiếp theo với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng, trong đó kinh phí huyện 50 tỷ đồng, còn lại là kinh phí xã hội hóa.

Đây là công trình di tích lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tình cảm yêu quý, tôn vinh đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Thái Đoàn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/long-trong-to-chuc-le-ky-niem-155-nam-anh-hung-dan-toc-nguyen-trung-truc-hy-sinh-402643.html