Lòng yêu nghề, mến trẻ trên đỉnh Phá Thóng

Phá Thóng là bản vùng cao khó khăn của xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, nơi đây có một lớp học cắm bản dành cho 31 trẻ mầm non trong vùng. Không thể kể hết những gian nan, vất vả để đến được lớp cắm bản này, nhưng với các thầy, cô giáo, chỉ cần học sinh được đến lớp đầy đủ đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Bao năm qua, các thầy, cô đã mang bầu nhiệt huyết 'gieo chữ' trên rẻo cao còn nhiều thiệt thòi, khó khăn này.

Điểm trường mầm non ở Phá Thóng.

Điểm trường mầm non ở Phá Thóng.

Phá Thóng nằm cách trung tâm xã khoảng 16 km, trong đó còn 2 km từ tỉnh lộ 105 lên bản rất khó đi vì là đường đất và có độ dốc cao chênh vênh, một bên là vực thẳm. Sau 50 phút vượt dốc núi, chúng tôi mới đến được bản. Lớp học mầm non đã được xây kiên cố cách đây 2 năm, trên mảnh đất chật hẹp được bà con dân bản góp sức san phẳng từ một ngọn đồi nhỏ. Xung quanh lớp học có hàng rào bằng tre đã xiêu vẹo, ngăn trẻ không ra chơi gần vực nguy hiểm; trong sân chỉ có vài đồ chơi bằng tre do phụ huynh tự làm thay cho đồ chơi ngoài trời đúng tiêu chuẩn theo quy định. Thấy sự xuất hiện của tôi, các cháu bé đang chơi ngoài sân khoanh tay và cất lên tiếng chào ngọng nghịu: “Chúng con chào chú ạ” thật lễ phép.

Cô giáo Vì Thị Định đã có gần chục năm làm nghề “gieo chữ” ở khắp các bản vùng cao của huyện Sốp Cộp, năm học này cô được phân công lên lớp cắm bản này. Cô cho biết: Điểm trường chưa có điện nước; đường lên lớp thì lầy lội, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có bếp và nơi ăn ngủ cho giáo viên. Đồ dùng học tập chẳng có gì ngoài mấy đồ vật do cô giáo tự làm. Việc dạy trẻ khó khăn hơn do bất đồng ngôn ngữ, nên truyền đạt những kiến thức cho trẻ rất hạn chế. Bản thân tôi phải cố gắng vừa tự học tiếng dân tộc, vừa dạy, lúc nào khó quá thì nhờ Trưởng bản dịch hộ. Vì vậy, chúng tôi luôn lo lắng về chất lượng học tập của các con. Rất mong có nhà hảo tâm hỗ trợ cho các cháu quần áo, giầy dép, đồ dùng học tập, cơ sở vật chất của lớp học để trẻ có điều kiện học tập tốt hơn.

Khó khăn đặc thù ở những bản vùng cao như Phá Thóng, chính là tuyến đường dẫn lên bản. Nam giới như chúng tôi cũng phải mỏi nhừ tay lái, thế mà các cô giáo mầm non vẫn phải vượt qua hàng ngày. Vất vả nhất là mùa mưa, chỉ một giây bất cẩn là có thể bị tai nạn, dẫu vậy, họ vẫn phải đội mưa vượt qua những nhọc nhằn, gắn bó với nghề vì tương lai của con trẻ. Khó khăn nữa là phụ huynh ở vùng này thường phó mặc con cho cô giáo. Sáng sớm tinh mơ họ đã lên nương, con cái ở nhà đến giờ tự đi bộ đến lớp, nhà nào có con nhỏ quá không tự đi được thì cô giáo đến tận nhà đón. Thương nhất là bữa sáng của các cháu thường chỉ có gói cơm trắng. Nhiều khi các cô giáo lại nhường chút thức ăn mang theo cho các con.

Anh Mùa A Sa, Trưởng bản Phá Thóng, chia sẻ: Bản có 47 hộ, 297 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, 100% hộ nghèo. Cuộc sống dân bản chỉ dựa vào hơn 100 ha lúa nương và sắn; trâu, bò có hơn 200 con, nhưng chủ yếu là tự cung, tự cấp. Từ năm 2010 trở về trước, người dân không cho trẻ em gái đi học, nhiều nhà còn cho các cháu đi lấy chồng từ lúc còn ở độ tuổi học sinh. Hủ tục lạc hậu, khiến bao bé gái không được biết đến cái chữ. Bây giờ đã khác, Ban quản lý bản đã cùng giáo viên kiên trì đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân cho các cháu gái đến trường đầy đủ. Hiện, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường. Trong thời gian tới, bà con trong bản sẽ góp công, góp sức làm đường nước, xây tường rào cho điểm trường và cùng cô giáo làm một số đồ chơi cho các cháu...

Bao năm gắn bó với vùng cao, những cung đường gập ghềnh đã thành quen, những điểm trường heo hút trở nên thân thuộc. Những giáo viên như cô Vì Thị Định lại tiếp tục vượt qua những nhọc nhằn, với mong ước, tất cả trẻ em vùng cao đều được tới trường, được học tập, để có một tương lai tươi sáng. Chúng tôi tin rằng, lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng của họ sẽ đưa ước mơ ấy thành hiện thực.

Vũ Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/long-yeu-nghe-men-tre-tren-dinh-pha-thong-48534