Longform: Gìn giữ giá trị truyền thống trong văn hóa lì xì
Văn hóa Lì xì là 'nét chấm phá ngọt ngào' không thể thiếu của Tết Việt, nơi tình thân được trao đi và những giá trị truyền thống mãi được gìn giữ. Những chiếc phong bao đỏ thắm ấy không chỉ gói ghém lời chúc may mắn đầu năm mà còn là sợi dây gắn kết yêu thương giữa các thế hệ.
Khi những tia nắng đầu tiên của mùa Xuân lấp lánh trên cành lộc biếc, khi hương trầm dìu dịu hòa cùng tiếng cười rộn rã của những ngày đầu năm, phong bao lì xì đỏ thắm lại xuất hiện như một phần không thể thiếu trong bức tranh ngày Tết của người Việt. Đó không chỉ là món quà nhỏ gửi trao, mà còn là một biểu tượng của sự may mắn, yêu thương và gắn kết.
Những chiếc phong bao ấy chứa đựng nhiều hơn là vài đồng tiền lẻ. Chúng gói ghém lời chúc phúc từ thế hệ này đến thế hệ khác, là cách để người lớn dặn dò con trẻ chăm ngoan, để con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, để mỗi người thân trao nhau niềm tin và hy vọng cho một năm mới an lành. Phong tục lì xì giản dị nhưng sâu sắc ấy đã theo người Việt qua biết bao mùa Xuân, giữ cho ngày Tết luôn ngập tràn hơi ấm gia đình và tình nghĩa.
Nhắc đến văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt, của Tết Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: “Tết là dịp vô cùng đặc biệt đối với văn hóa dân tộc, với từng gia đình. Trong giai đoạn hiện nay, với cuộc sống hối hả, Tết là thời điểm lắng đọng không gian và thời gian lại để cho chúng ta tìm về với gia đình.
Vì thế chúng ta vẫn hay gọi Tết là Tết đoàn viên để mọi người cùng về với nhau, chia sẻ những vui buồn, đặc biệt là thực hành những giá trị văn hóa truyền thống.
Chính vì thế những người làm văn hóa như chúng tôi luôn mong muốn chúng ta giữ được tinh thần, những hồn cốt của giá trị ngày Tết. Từ đó chúng ta giữ được văn hóa dân tộc, chủ quyền văn hóa của quốc gia. Rõ ràng rằng khi chúng ta nghĩ về ngày Tết hoặc chúng ta thực hành ngày Tết, chúng ta sẽ thấy rất nhiều những giá trị ý nghĩa trong ngày Tết.
Không chỉ là những giá trị hướng về tổ tiên, nhớ về công lao của bố mẹ, của ông bà, những người đang sống và kể cả những người đã khuất. Khi chúng ta thực hành đạo hiếu như thế, chúng ta sẽ lan tỏa những tinh thần đạo đức quan trọng trong xã hội, xây dựng một xã hội đạo đức. Tạo nên nền tảng cho những giá trị tốt đẹp trong xã hội phát triển.”
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Lì xì là một phần văn hóa đẹp của Tết Việt Nam, vừa giản dị, vừa sâu sắc, chúng ta cần trân trọng điều đó như một sợi dây gắn kết giữa các thế hệ. Tuy nhiên, tục lì xì không chỉ dừng lại ở việc trao nhau tiền mừng, mà sâu xa hơn là gửi gắm những hy vọng tốt lành, sự động viên tinh thần và lòng yêu thương, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.”
Không dừng lại ở việc trao tặng, phong tục lì xì còn là cách thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Người lớn lì xì cho con cháu, con cháu lại mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ - vòng quay ấy gói trọn sự tôn kính và lòng tri ân, tạo nên một nét đẹp bền vững trong văn hóa ngày Tết Việt Nam.
Dẫu đẹp đẽ là vậy, văn hóa lì xì trong xã hội hiện đại đôi lúc đã bị biến tướng bởi những giá trị thực dụng đã vô tình len lỏi. Không ít câu chuyện buồn xảy ra khi giá trị của phong bao lì xì bị đánh đồng với số tiền bên trong, dẫn đến áp lực tài chính cho người trao và kỳ vọng không đáng có từ người nhận.
Chia sẻ với Báo Công Thương về nội dung này, danh hài, NSƯT Chí Trung bày tỏ: “Ngày xưa, những đồng tiền lẻ trong phong bao mang ý nghĩa là lời chúc may mắn, bình an. Nhưng giờ đây, có những người lại coi trọng giá trị vật chất hơn là giá trị tinh thần. Điều đó vô tình làm mất đi cái hồn của phong tục này. Tôi nghĩ, chúng ta cần quay lại những giá trị cốt lõi - trao lì xì để trao yêu thương, may mắn, chứ không phải để so đo nhiều ít hoặc chạy theo hình thức.”
NSƯT Chí Trung cũng nhắc đến câu chuyện giáo dục trẻ em về văn hóa lì xì khi nhiều bậc phụ huynh vô tình gieo vào con trẻ suy nghĩ rằng lì xì chỉ là tiền bạc. Điều đó rất nguy hiểm. “Lì xì phải đi kèm với lời dạy bảo, để các con hiểu rằng mỗi phong bao là một lời chúc, một tấm lòng, chứ không chỉ là con số”, NSƯT Chí Trung bộc bạch.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng: “Xã hội hiện đại đã vô tình khiến phong tục lì xì bị méo mó trong một số trường hợp. Khi lì xì không còn mang ý nghĩa tinh thần, mà trở thành sự so đo vật chất hoặc công cụ để phô trương địa vị, thì đó là lúc chúng ta phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc”.
Ông đặc biệt lo ngại khi việc lì xì bị áp lực hóa, khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng thay vì vui vẻ. Theo ông, việc chấn chỉnh cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức trong từng gia đình, từng cá nhân, để trả lì xì về đúng ý nghĩa vốn có của nó trong ngày Tết đón Xuân của mỗi người.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, nét tích cực của văn hóa lì xì là một hình thức giáo dục ý nghĩa: “Trong chiếc phong bao đỏ là cả một thế giới của yêu thương, của mối liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Nó là minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa Việt Nam, ngay cả trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”.
Ngoài ra, việc sáng tạo trong cách lì xì cũng giúp phong tục này trở nên ý nghĩa hơn. Thay vì chỉ trao tiền, nhiều gia đình đã kèm theo những tấm thiệp nhỏ ghi lời chúc, hay chọn những món quà tinh thần như sách, tranh vẽ hoặc các vật phẩm mang giá trị giáo dục.
Danh hài, NSƯT Chí Trung cũng đề xuất một ý tưởng đầy cảm hứng: “Tại sao chúng ta không tạo thêm câu chuyện cho những phong bao lì xì? Hãy viết một lời chúc thật chân thành, kể một câu chuyện Tết để người nhận cảm thấy rằng món quà này không chỉ đơn thuần là vật chất mà là cả một tấm lòng”.
Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí đón Tết, tục cúng ông Công ông Táo, bữa ăn Tất niên bên gia đình cuối năm, tục lệ “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, hay văn hóa lì xì nhân dịp đầu năm mới lấy may… tất cả những giá trị đó đều có ý nghĩa giáo dục nhân sinh, giáo dục đạo đức, tuyến giáo con người những điều tốt đẹp, cao cả. Đó cũng là một cơ hội để chúng ta tĩnh tại lại. Đặc biệt, cần phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống tốt đẹp đúng như ý nghĩa nhân văn ban đầu của nó.
Hãy để phong tục lì xì tiếp tục là ngọn lửa giữ ấm cho ngày Tết, là niềm hân hoan trong ánh mắt trẻ thơ, là sự an nhiên trong nụ cười của người già và là khoảnh khắc yêu thương trong mỗi gia đình. Đừng để Tết chỉ còn là những phong bao lạnh lùng trao đi cho xong, mà hãy để từng chiếc lì xì là một câu chuyện, một kỷ niệm đẹp trong lòng người nhận.
Tết là dịp để trở về. Dẫu cho guồng quay của đời sống xã hội hiện đại vẫn đang hối hả, vội vã, giữa những đổi thay của xã hội chuyển mình, thì xin hãy vẫn cứ giữ cho những chiếc phong bao đỏ vẻ đẹp nguyên sơ, ý nghĩa như vốn có. Vì sau cùng, ý nghĩa thực sự của Tết không nằm ở những món quà to lớn, mà ở những điều giản dị nhất - một lời chúc đầu xuân, một nụ cười chân thành, một phong bao lì xì nhỏ nhắn, một trái tim đong đầy, của tình thân yêu thương.
Thanh Thảo
Đồ họa: Ngọc Lan
Thanh Thảo