Lớp Aerobic đặc biệt: 1 người học, cả nhà vui

Đều đặn chiều thứ Bảy hằng tuần, lớp học Aerobic dành cho trẻ tự kỷ lại náo nhiệt, từ phụ huynh đến các em học viên đều hăng say tập luyện.

Video: Lớp Aerobic đặc biệt: 1 người học, cả nhà vui

May mắn được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao TP.HCM hỗ trợ địa điểm học tập, đến nay lớp học đặc biệt của huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh luôn duy trì trên 30 học viên, nhỏ nhất là bảy tuổi, lớn nhất là 38 tuổi và hoàn toàn không thu phí.

Huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh hướng dẫn từng động tác cho trẻ. Ảnh: VÕ THƠ

Huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh hướng dẫn từng động tác cho trẻ. Ảnh: VÕ THƠ

Hạnh phúc khi trẻ làm được điều bình thường

Hơn một năm thành lập, đến nay lớp học đặc biệt của huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh đã có hơn 30 học viên. Ở đây, các học viên không phân biệt độ tuổi và không bắt buộc nhảy đúng động tác.

Chia sẻ về mục đích thành lập lớp, chị Oanh cho biết chị cũng có con trai không may mắc bệnh tự kỷ. Từ kinh nghiệm thực tế khi cho con tập Aerobic đạt hiệu quả khiến chị càng có động lực, tự tin để giúp đỡ những gia đình cùng cảnh ngộ.

Chị Oanh kể: “Trong ba tháng đầu khi cho con luyện bộ môn Aerobic tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhờ kiên trì, nỗ lực của hai mẹ con đã giúp con giảm được hơn 10 kg. Những hành vi bột phát, căng thẳng của con cũng dần được cải thiện. Tôi nói chuyện thì con nghe và dần hiểu được lời mẹ nói”.

Theo chị Oanh, khi được vận động, các học viên sẽ giải tỏa được căng thẳng, trở nên nhanh nhẹn, có thể lực khỏe, dẻo dai…, từ đó máu huyết lưu thông, ổn định thần kinh, giảm bớt các hành vi tiêu cực.

“Đối với các bạn không may mắc bệnh tự kỷ, việc khó nhất trong quá trình luyện tập là các bạn thường gồng cứng cơ, do đó mình cố gắng vừa dạy vừa trò chuyện, khuyến khích để các bạn thả lỏng và hợp tác. Nếu không, tôi cần sự hỗ trợ của phụ huynh nhiều hơn để các bạn thích nghi từ từ, mỗi ngày tập một chút, quan trọng là cần phải kiên trì” - chị Oanh tâm sự.

Cô Oanh mong có sức khỏe tốt để đi với lớp xa nhất có thể và mở rộng quy mô lớp học ở nhiều quận, huyện hơn.

Được biết trong các buổi học, ngoài luyện tập Aerobic, chị Oanh còn kết hợp tập cho học viên những bài múa cơ bản để khi có cơ hội các bạn sẽ tham gia biểu diễn. Hiện tại, chuẩn bị cho tết Trung thu sắp tới, chị Oanh đang tập cho các học viên múa bài Trăng tròn tròn.

“Dạy học đối với tôi vừa là niềm vui vừa là động lực sống. Khi thấy các bạn nghe nhạc rồi nhảy theo tôi, tuy bình thường nhưng tôi vô cùng hạnh phúc. Thấy các bạn ngày một vui vẻ, tiến triển tốt, tới lớp đều đặn là tôi biết đang đi đúng hướng” - chị Oanh bộc bạch.

Vào đây con có thêm nhiều bạn bè nên rất thích, cứ đến chiều thứ Bảy là tự giác mặc quần áo vào đi học. Sau thời gian học, thấy con linh hoạt, hòa đồng hơn nên gia đình rất vui.

Bà LÊ THỊ NGỌC PHƯỢNG
(ngụ quận 10, TP.HCM)

Hành trình đưa con đi tìm tiếng cười

Trong quá trình học rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh để học viên thích nghi từ từ, mỗi ngày tập một chút, quan trọng là phải có sự kiên trì.

Đưa con đến lớp từ sớm, bà Lê Thị Ngọc Phượng (ngụ quận 10) vừa trò chuyện vừa trông con gái 29 tuổi đang ngồi xem hoạt hình. Bà kể 29 năm cũng là khoảng thời gian bà bỏ công việc để tập trung chăm sóc con.

“Ở nhà con không làm gì nên tôi cho con học nhảy, vào đây con có thêm nhiều bạn bè nên rất thích, cứ đến chiều thứ Bảy là tự giác mặc quần áo vào đi học. Sau thời gian học, thấy con linh hoạt, hòa đồng hơn nên gia đình rất vui” - bà Phượng tâm sự.

Suốt buổi học, bà Phượng luôn bên cạnh tập cùng con để khi về nhà bà ôn lại cho con. Theo bà Phượng, đi tập không chỉ con vui khỏe mà mẹ cũng vui khỏe theo.

Vì thương con trai 25 tuổi “chậm lớn”, người cha tóc bạc trắng Nguyễn An Bình (ngụ quận 3) dù tuổi đã cao, động tác không còn linh hoạt nhưng say sưa tập luyện cùng con. Thi thoảng ông lại quay sang vỗ về, nựng má con.

“Trước đây khi cho con học chung với những bạn bình thường, tôi hơi e ngại vì sợ bị kỳ thị, phân biệt nhưng khi đến đây, ai cũng như nhau, mọi người rất hòa đồng, cùng chia sẻ kinh nghiệm. Không chỉ riêng các cháu mà phụ huynh cũng rất vui” - ông Bình chia sẻ.

Sau một năm học Aerobic, thấy con có chuyển biến tích cực cả thể chất lẫn tinh thần, người cha lại có thêm niềm tin và động lực trên hành trình đưa con đi tìm tiếng cười.

Chứng kiến các phụ huynh ở xa như huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức đội mưa gió chở con đến quận 1 để luyện tập khiến chị Oanh càng có thêm động lực gắn bó với lớp và ấp ủ mơ ước mở thêm nhiều phòng tập ở nhiều nơi để các bạn ở xa có cơ hội tiếp cận.

“Để thực hiện mục tiêu đó, tôi đang dành thời gian kết nối, tìm kiếm những người có cùng đam mê, mục đích như mình và đương nhiên là không thu phí để mọi người ai cũng có thể tham gia” - chị Oanh bày tỏ.•

Tập Aerobic hỗ trợ nhiều mặt cho trẻ

Bài tập Aerobic là một trong các hoạt động trị liệu tâm vận động hỗ trợ nhiều mặt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ hay trẻ có các rối loạn phát triển nói chung, từ thể chất, phát triển thăng bằng, điều hòa cảm giác, tập trung chú ý…

Đặc biệt, trong phát triển tương tác và giao tiếp xã hội giúp trẻ luyện tập được kỹ năng bắt chước, phát triển ngôn ngữ tiếp nhận và khả năng thực hiện theo hướng dẫn; kỹ năng hợp tác xã hội và tham gia đội nhóm được thích ứng từng chút một.

Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý trong quá trình tập luyện cho trẻ cần được sự hướng dẫn của giáo viên có chuyên môn và thực hiện thường xuyên. Chú ý đến mức độ thích ứng của trẻ và linh hoạt phối hợp Aerobic với các giờ học can thiệp giáo dục đặc biệt nhóm, cá nhân để giúp trẻ có được những kỹ năng phù hợp cho sự phát triển. ThS tâm lý Nguyễn Hải Uyên

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/lop-aerobic-dac-biet-1-nguoi-hoc-ca-nha-vui-post741689.html