Lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lai Châu
Từ ngày 18/02 đến ngày 20/02/2025, lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã thực hiện chuyến đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lai Châu. Đoàn gồm 44 thành viên do TS. Lê Tâm Đắc, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc và Tôn giáo làm Trưởng đoàn và TS. Nguyễn Anh Dũng, Chủ nhiệm lớp cùng 42 học viên...

Ông Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu nhận quà lưu niệm của lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) do TS. Lê Tâm Đắc làm Trưởng đoàn.
Thực hiện Kế hoạch đào tạo của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 đã đến nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lai Châu với các nội dung chính: Mô hình xây dựng nông thôn mới; Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phong tục tập quán, lối sống đặc trưng của một số đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu.
Ngày 18/02, đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Lai Châu. Tại đây, đoàn đã được nghe ông Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu báo cáo nhanh các kết quả về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua. Đồng thời, giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa, con người tỉnh Lai Châu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu rất vui mừng khi được đón tiếp đoàn học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16, mong muốn buổi làm việc sẽ đạt được nhiều kết quả tốt, nhận được nhiều sự chia sẻ đến từ các giảng viên và học viên trong Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao kinh nghiệm quản lý, bồi dưỡng thế hệ cán bộ gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, tạo tiền đề cho nghiên cứu phát triển đối với các lĩnh vực của tỉnh.

TS. Lê Tâm Đắc, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc và Tôn giáo phát biểu.
TS. Lê Tâm Đắc cũng trân trọng cảm ơn tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện, bố trí thời gian để đoàn có cuộc làm việc, nghiên cứu thực tế tại địa phương; tin tưởng rằng, sự hỗ trợ, tạo điều kiện này không chỉ giúp đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, học tập còn là nguồn cảm hứng, nguồn động viên đối với các thành viên của đoàn.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu báo cáo về Mô hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh: Phong trào “Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, tạo sức lan tỏa tại các địa phương và sự đồng lòng của người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đầy đủ các nội dung. Nhiều tiêu chí đạt được kết quả cao. Số xã đạt 19 tiêu chí: 44/94 xã (trong đó 39 xã đã được công nhận đạt chuẩn). Ngoài ra, phải kể đến kết quả của xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong các nhiệm vụ đột phá, được ưu tiên nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện. Hạ tầng giao thông được ưu tiên phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tính kết nối cao.
Đánh giá chung về công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phong tục tập quán, lối sống đặc trưng của một số đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu, ông Trần Mạnh Hùng, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy, phát huy vai trò giá trị văn hóa truyền thống được triển khai thực hiện hiệu quả; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư; không gian văn hóa trong trường học được xây dựng, duy trì thường xuyên; một số địa phương có cách làm sáng tạo, lan tỏa những bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong cộng đồng, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Tập trung nguồn lực cho các điểm du lịch đặc trưng gắn với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; một số điểm du lịch đã phát huy được lợi thế, trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô lớn, khai thác lợi thế của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch, văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, lượng khách du lịch đến Lai Châu tăng dần qua các năm.

Học viên lớp K75.A16 trao đổi thông tin cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu.
Buổi làm việc được diễn ra trong không khí cởi mở, nhiều ý kiến được trao đổi, chia sẻ sâu sắc như: Các giải pháp giữ gìn văn hóa đối với lực lượng lao động di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác; kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm OCOP sang nước ngoài; vai trò của đoàn thanh niên trong bảo vệ giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc; áp dụng chuyển đổi số, sử dụng các kênh truyền thông để quảng bá văn hóa, bản sắc du lịch địa phương... Buổi làm việc đã giúp các học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 có thêm thông tin đối chiếu lý luận với thực tiễn, qua đó chọn lọc học hỏi, vận dụng vào công tác.

Lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 chụp ảnh lưu niệm tại tỉnh Lai Châu.
Theo Kế hoạch chương trình nghiên cứu thực tế, sáng 19/2, Đoàn nghiên cứu thực tế đã đến làm việc tại UBND huyện Phong Thổ. Tại đây, Đoàn đã được lắng nghe báo cáo về nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; những vấn đề thuận lợi và khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Lãnh đạo UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tiếp Đoàn học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Thổ cho biết: Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia tích cực của người dân. Đặc biệt, huyện Phong Thổ ưu tiên nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, phù hợp điều kiện cụ thể của từng xã.
Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới với hơn 8,4 vạn người, 9 dân tộc cùng sinh sống như: Dao, Mông, Thái, Kinh, Hà Nhì, Hoa, Giáy... Vì vậy, văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực để phát triển kinh tế - xã hội, từ đó cho thấy, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của địa phương. Thời gian qua, huyện Phong Thổ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân gắn với các phong trào thi đua như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Duy trì, phục dựng lại các lễ hội truyền thống của các dân tộc tiêu biểu trên địa bàn. Tận dụng nguồn lực của Nhà nước, của tỉnh đầu tư cơ sở vật chất văn hóa cho các thôn, bản, khu dân cư. Khuyến khích các bản, thôn, tổ dân phố thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ. Mặt khác, huyện Phong Thổ lựa chọn một số giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sức cạnh tranh, thu hút du khách. Xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc riêng của địa phương kết hợp với du lịch cộng đồng nhằm đưa du lịch Phong Thổ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Đoàn nghiên cứu lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 trong buổi làm việc với huyện Phong Thổ.
Trong buổi làm việc, các học viên cũng đặt ra nhiều câu hỏi trao đổi như: Chia sẻ về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc người Mông, Dao, Thái...; một số lễ hội của người dân tộc huyện Phong Thổ; chiến lược nhân rộng mô hình bản Sin Suối Hồ - bản du lịch cộng đồng Asean; tôn giáo đã giúp đồng bào dân tộc có nhiều ưu điểm tích cực (loại bỏ hủ tục; tệ nạn nghiện hút, rượu chè gần như đã được loại bỏ; môi trường cộng đồng được bảo vệ; mô hình chăn nuôi được người dân thay đổi từ thả rông sang nuôi nhốt...).

Lớp K75.A16 hỗ trợ 60 triệu đồng nhằm xóa nhà tạm, nhà xuống cấp cho bà Vương Thị Càn là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực và đặc biệt có ý nghĩa trong việc cải thiện đời sống cho người dân nghèo khắp đất nước. Cũng nhân dịp buổi làm việc, tập thể lớp K75.A16 đã trao số tiền 60 triệu đồng cho lãnh đạo UBND huyện Phong Thổ nhằm xóa nhà tạm, nhà xuống cấp cho gia đình bà Vương Thị Càn là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Với món quà ý nghĩa này, Đoàn nghiên cứu lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75.A16 mong muốn sẽ mang lại cho gia đình cơ hội sở hữu một mái ấm vững chắc, từ đó ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Hoạt động này không chỉ cải thiện điều kiện sống cho người nghèo mà còn giúp xây dựng niềm tin, hy vọng vào tương lai cho những người vùng cao.
Theo Kế hoạch, Đoàn cán bộ, học viên sẽ đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lai Châu đến hết ngày mai (20/2).