Lớp học đặc biệt của 'ngoại Thủy' ở Sài Gòn
Đúng 17 giờ ba ngày trong tuần, đều đặn suốt 7 năm nay, lớp học tình thương của bà Trần Thị Thanh Thủy vẫn luôn sáng đèn để dạy chữ cho những trẻ em nghèo, lang thang cơ nhỡ.
Lớp học đặt tại trụ sở ban điều hành khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM.
Bà Trần Thị Thủy (65 tuổi) - được các em quen gọi với cái tên thân thương là “ngoại Thủy” cùng với một vài chị em trong ban điều hành đã cùng chung tay lập nên và duy trì lớp học từ năm 2013 đến tận bây giờ.
Bà Thủy tâm sự, hồi trẻ bà học sư phạm thực hành nhưng chỉ mới học được một năm thì tai nạn ập đến với bà khiến bà phải bỏ dở việc học. Một thời gian sau, bà lập gia đình và ở nhà buôn bán kiếm sống. Đến khi các con bà đã trưởng thành, bà chuyển nhà về quận 2 và bén duyên với công tác khu phố suốt mười mấy năm qua.
Làm phó ban điều hành khu phố, bà Thủy có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hộ gia đình. Qua tìm hiểu, bà mới biết trong khu phố mình đang sống còn quá nhiều đứa trẻ không biết mặt chữ dù đã quá tuổi đi học. Những đứa trẻ này đa phần là con của các gia đình nhập cư nghèo, không có giấy tờ, không có việc làm ổn định, nhiều đứa trẻ bữa đói bữa no, thậm chí có đứa sống nhờ vào số trái cây người ta cúng ở nghĩa trang.
Thương tụi nhỏ, bà về bàn với các chị em trong ban điều hành lập ra bếp ăn tình thương và lớp học tình thương. Bà tập hợp bọn trẻ lại quyết tâm dạy cho chúng cái chữ, cho chúng bữa ăn no.
Những năm đầu khi mở lớp chỉ có vỏn vẹn 4-5 em đến học, lớp học thiếu đủ thứ; bà phải đi xin tập vở, quần áo cho các em, bà bỏ tiền túi ra mua đồ nấu ăn cho các em để các em được no bụng, sau đó mới dạy các em con chữ và những điều hay lẽ phải.
Từ chỗ 4-5 em, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình đến xin cho con học chỗ bà Thủy. Đến nay lớp học đã lên đến gần 40 em với đủ mọi lứa tuổi.
Mỗi tuần lớp học ba buổi: thứ năm, thứ bảy và chủ nhật. Do lớp học đông nên bà chia tụi nhỏ thành từng nhóm để dễ kèm, em nào chưa biết đọc biết viết vào một nhóm, các em đã đi học ở trường vào một nhóm.
Suốt 7 năm qua, hàng trăm em từ chỗ không biết gì đã biết đọc, biết viết. Với những trường hợp có thể làm được giấy tờ hợp lệ, bà Thủy lại chạy đôn chạy đáo hỗ trợ các em, bà xin học bổng cho các em vào học trong trường, em nào nhà xa không thể đến lớp, bà xin cho xe đạp để các em không bỏ học buổi nào.