Lớp học đặc biệt của những bệnh nhi ung thư

Căn phòng nhỏ chỉ chừng 16m2 tại khoa Ung bướu-Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho các bệnh nhi chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Những bàn tay nhỏ nhắn, dù vẫn đau khi phải truyền dịch nhiều, nhưng các em luôn vui vẻ, hạnh phúc khi được cầm bút, được viết và được đến lớp. Ảnh: Thùy Lâm.

Những bàn tay nhỏ nhắn, dù vẫn đau khi phải truyền dịch nhiều, nhưng các em luôn vui vẻ, hạnh phúc khi được cầm bút, được viết và được đến lớp. Ảnh: Thùy Lâm.

Cứ mỗi lần bước chân vào khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, chúng tôi không khỏi "thắt lòng" trước hình ảnh những em bé bằng tuổi con em mình đang phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo ung thư. Thế nhưng, khi được trò chuyện, được nhìn thấy các em nỗ lực mỗi ngày để cùng hợp tác với cha mẹ, y bác sĩ trong suốt quá trình điều trị, mới thấy các em thật kiên cường.

Dáng người gầy yếu, đi không vững, đầu trọc lóc, trên tay luôn cắm sẵn kim truyền nhưng Bùi Hạnh Nguyên (8 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) vẫn kiên nhẫn, nắn nót viết từng chữ trong cuốn tập làm văn.

Hạnh Nguyên bị ung thư máu, cả năm nay, khoa Ung bướu – Huyết học gần như đã trở thành ngôi nhà thứ hai của em. Việc đi học cũng vì thế mà bị gián đoạn, bởi những lần phải hóa trị, xạ trị, truyền thuốc thường phải nằm viện dài ngày.

Chỉ mới 8 tuổi, nhưng mỗi lần nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn, cô bé Hạnh Nguyên chỉ khóc thầm. Em mong đợi vào tối thứ 4, thứ 6, chủ nhật hàng tuần để được học chữ, học Toán, học tiếng Anh, được vẽ, được chơi trong “Lớp học vui vẻ” của cô Lê Thị Mai.

"Kể từ ngày nhập viện, cháu không bỏ một buổi học nào, cháu thích lắm, lúc nào cũng háo hức mong chờ đến giờ để đi học," ông Bùi Long Hải - ông nội của Hạnh Nguyên chia sẻ.

18h30 "Lớp học vui vẻ" mới bắt đầu nhưng từ 18h, các cô bé, cậu bé của khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã háo hức đứng chờ được vào lớp.

Các em còn được học tiếng Anh khi đến với "Lớp học vui vẻ". Ảnh: Thùy Lâm.

Các em còn được học tiếng Anh khi đến với "Lớp học vui vẻ". Ảnh: Thùy Lâm.

Lớp học là căn phòng nhỏ chỉ khoảng chừng 16m2, được bác sĩ trưởng khoa “nhường” lại cho các em. Căn phòng nhỏ, nhưng lại rộn ràng tiếng nói cười. Góc này là các bé 3-4 tuổi chơi xếp hình, ghép chữ, tô màu; góc kia là các bé tiểu học làm Toán, tập viết; góc khác là mấy cô bé 13–14 tuổi cặm cụi làm bài tập làm văn “tả con mèo”.

Đồng hành cùng các em là các tình nguyện viên của câu lạc bộ Nét chữ xinh. Xen lẫn giữa tiếng giảng bài là những tiếng đọc bài ê a, những trò đùa tinh nghịch, những nụ cười hồn nhiên của lũ trẻ thơ ngây nhưng đầy nghị lực. Thỉnh thoảng, lớp học phải ngừng giữa chừng vì có phụ huynh vào xin phép cô cho bé đi tiêm thuốc.

“Lớp học vui vẻ” ra đời tại khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 năm 2018. Lớp học với giáo viên là những tình nguyện viên, còn học sinh là những bệnh nhi ung thư và sĩ số luôn "biến động". Tám năm qua, lớp học đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho hàng trăm bệnh nhi, giúp các em có được niềm vui trong những ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo.

Nói về cái tên của lớp học, chị Lê Thị Mai, Chủ nhiệm CLB Nét chữ xinh cho biết, ở lớp học này, chỉ có những niềm vui, niềm hạnh phúc mà cả "cô" và "trò" đều mong muốn được "đến lớp". "Khi mới đến lớp học, đa số các con đều tự ti, mặc cảm, nhút nhát, sợ sệt nhưng lâu dần các con trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Hầu hết các con đến với lớp học đều mắc bệnh ung thư, đầu cạo trọc. Do đó, dần dà các con vui vẻ trở lại và bắt đầu cởi mở, chia sẻ, bởi thấy ai cũng giống mình," chị Mai chia sẻ.

Chăm chú nghe giảng. Ảnh: Thùy Lâm.

Chăm chú nghe giảng. Ảnh: Thùy Lâm.

Ấn tượng với chúng tôi là một cậu bé 7 tuổi quê Lâm Đồng đang say sưa nắn nót từng chữ cái dù trên tay vẫn đang phải truyền dịch. Đó là em Bùi Phan Hoàng Tuấn bị bệnh bạch cầu cấp dòng cao khi đang học lớp 1.

"Những ngày đầu biết mình bị bệnh, con rất buồn vì không được đi học. Đến khi được nhìn thấy các bạn trong "Lớp học vui vẻ" con nói muốn được đi học cùng các bạn. Chính lớp học đã giúp con bớt nhớ trường, nhớ bạn. Ở đây, các con được các cô dậy chữ, làm Toán và vẽ tranh...

Nhờ vậy, đợt điều trị xong toa thuốc, con trở về nhà và đến trường hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ với kết quả cao. Nhìn thấy con vui mừng đi khoe khắp nơi mà tôi thầm cảm ơn các anh chị tình nguyện viên và bệnh viện đã hỗ trợ những bạn nhỏ như con tôi có một môi trường tốt, để vừa chiến đấu với bệnh tật, nhưng vẫn củng cố được kiến thức, học thêm được nhiều điều", chị Phan Thị Hân - mẹ của Tuấn rơm rớm nước mắt nói.

Trong hành trình 8 năm của “Lớp học vui vẻ," chị Lê Thị Mai và các tình nguyện viên không thể đếm được bao nhiêu cuộc chia ly với học trò của mình. Có những cô bé, cậu bé khỏe mạnh trở về nhà trong vòng tay gia đình, nhưng cũng có những em nhỏ, ngày hôm sau có thể sẽ mãi mãi đi xa.

Vì vậy, trong tâm nguyện của mình, chị Lê Thị Mai và các tình nguyện viên luôn cố gắng, để mỗi buổi học của các con đều là những buổi học vui vẻ, là những ngày mà các con vui nhất, hạnh phúc nhất, được trò chuyện, được tinh nghịch, được khám phá những điều hay trong từng câu chữ... như đúng với lứa tuổi của các con.

Nắn nót viết từng câu chữ. Ảnh: Thùy Lâm.

Nắn nót viết từng câu chữ. Ảnh: Thùy Lâm.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2, ngoài trách nhiệm chăm lo điều trị cho các bệnh nhi thì bệnh viện luôn quan tâm đến vấn đề tinh thần. Do đó, thời gian qua, bệnh viện đã phối hợp với các nhóm, các nhân viên công tác xã hội, tình nguyện viên kết nối tạo ra lớp học nhằm giúp các con giảm bớt lo âu, căng thẳng.

"Những lúc các con cảm thấy đau, có lớp học sẽ giúp tinh thần các con tích cực hơn trong quá trình điều trị sẽ đạt hiệu quả", bà Phương nói.

(Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam) Link: https://nongnghiep.vn/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-benh-nhi-ung-thu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-benh-nhi-ung-thu-ar891735.html