Lớp học đặc biệt ở Trường Sa
Không có trường, lớp học nào đặc biệt như những gì chúng tôi thấy được ở Quần đảo Trường Sa thân yêu. Giữa mênh mông sóng gió, các thầy giáo ngày ngày giáo dục, bồi đắp kiến thức về chủ quyền biển đảo thiêng liêng cho học sinh.
Trong chuyến đi Trường Sa, con tàu KN490 chở hàng trăm cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ, thủy thủ, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông mặc thường phục khác hẳn với “cánh lính hải quân”. Bắt chuyện được biết anh là thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc hiện giảng dạy ở Trường Tiểu học xã Song Tử Tây. Sau thời gian nghỉ phép, anh trở lại với đảo, với các em học sinh đang ngóng đợi.
Lúc ngồi trên boong tàu, anh Ngọc thoáng chút trầm tư: “Vợ tôi mới sinh con được hai tháng, đến ngày tàu nhổ neo nên tôi phải chia tay gia đình để ra đảo. Tôi dặn vợ ở nhà chăm con, tôi ra với trường lớp, học sinh, không thể vì việc riêng mà ảnh hưởng đến các em”.
Các phòng học ở Trường Sa đều nhìn thẳng ra biển, chỉ cần mở cửa là gió biển mang hơi thở mặn mòi ùa vào. Học sinh không nhiều, lại ở các độ tuổi khác nhau nên các lớp đều học ghép. Thầy Ngọc kể: “Có những trận bão tràn vào đảo khiến trường lớp bị thiệt hại. Các thiết bị dạy học đều nhanh hỏng hơn so với đất liền do chịu ảnh hưởng của muối biển. Thế nhưng không vì thế mà thầy và trò nản chí. Bộ đội trên đảo và phụ huynh đều hết lòng cùng chăm lo trường lớp. Đất liền cũng thường xuyên gửi sách vở, thiết bị, đồ dùng nên không lo thiếu thốn”.
Được biết, một số đảo có đủ điều kiện để các gia đình từ đất liền ra lập nghiệp, nhằm giúp người dân yên tâm bám đảo, bám biển, trẻ em không bị thiệt thòi về giáo dục so với đất liền nên các trường học được thành lập. Bên cạnh tinh thần xung phong, việc tuyển chọn giáo viên ra đảo dạy học cũng đòi hỏi kỹ lưỡng. Lý do bởi môi trường ở đảo yêu cầu các thầy giáo phải đáp ứng đủ về chuyên môn, sức khỏe, lòng dũng cảm, kiên cường…
Dù còn nhiều gian khó nhưng các lớp học ở Trường Sa vẫn luôn là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, chắp cánh ước mơ của những “công dân tí hon” đang ngày đêm theo cha mẹ bám biển đảo. Các thế hệ nối tiếp nhau hun đúc truyền thống, ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chia tay rồi mà bên tai chúng tôi vẫn vọng mãi tiếng trẻ trong veo: “Con lớn lên sẽ làm bộ đội/ Cùng bao người con hướng tới Trường Sa/ Theo lớp cha anh bảo vệ nước non nhà/ Yêu Tổ quốc như yêu cha và mẹ…”
Cũng ở đảo Song Tử Tây, chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Hữu Phú. Tranh thủ giờ giải lao, thầy Phú chia sẻ những suy nghĩ về môi trường làm việc độc đáo này: “Việc dạy và học tất nhiên phải theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hằng năm chúng tôi được vào đất liền tập huấn, bồi dưỡng nên cập nhật đầy đủ kiến thức. Chúng tôi luôn tự nhủ để được ra Trường Sa dạy học là niềm vinh dự, tự hào, cơ hội để cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Ai cũng có hoàn cảnh, khó khăn, vất vả riêng song chúng tôi luôn quyết tâm vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, gieo chữ cho học sinh ở đảo. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020, tôi nhận được món quà bất ngờ của các em. Vốn là trong những ngày lên lớp dạy học, tôi có nói thầy rất thích hoa sứ. Vậy là các em lặng lẽ đi hỏi người lớn cách ướp hoa sứ nhưng do không biết làm nên đúng ngày 20/11, các em mang tặng thầy một chiếc hộp, mở ra thì cành hoa đã... rụng hết. Cả thầy và trò đều cười vang nhưng mắt tôi chợt cay cay. Tôi nghĩ đó là những bông hoa đẹp nhất mà tôi được tặng”.
Thầy giáo Phạm Xuân Diệu hiện một mình dạy ở Trường Tiểu học xã Sinh Tồn. Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, đến nay thầy Diệu đã gắn bó với đảo được hơn 4 năm. Thầy Diệu kể: “Hồi còn nhỏ, qua sách báo, ti vi, tôi được nghe, được đọc về những tấm gương giáo viên xung phong đến nơi biên giới, hải đảo xa dạy học. Những hình ảnh đó đã truyền cảm hứng, động lực cho tôi tình nguyện ra đảo Sinh Tồn công tác. Đến nơi rồi càng thêm yêu biển đảo, càng muốn góp chút công sức giúp các em nhỏ ở đảo xa được đi học và cũng là cách bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.
Học sinh ở các đảo ít có điều kiện giao tiếp xã hội, tiếp xúc với nhiều người như trẻ trong đất liền. Vì vậy các thầy cố gắng bù đắp, gần gũi, trò chuyện nhiều hơn với các em, trang bị đầy đủ kiến thức để các em lên bậc THCS sẽ vào đất liền học. Khi được hỏi, cậu bé Ngô Nguyễn Thiên Long (SN 2013) học lớp 4 và Đặng Lê Gia Bảo (SN 2014) học lớp 3 trên đảo Song Tử Tây lém lỉnh nhưng cũng rất ngoan khoe: “Cháu thích học môn Toán và Tiếng Việt. Các thầy dạy dễ hiểu lắm ạ. Có bài thơ, cháu chỉ cần học vài ngày là thuộc”. Nói rồi Thiên Long, Gia Bảo đồng thanh đọc luôn bài thơ “Con sẽ đợi ba về” với những câu đầy xúc động: “Con chẳng khóc đâu, ba đừng sợ/ Cứ vững vàng vượt con sóng ra khơi/ Giữ Tổ quốc, giữ biển trời quê mẹ/ Con sẽ đợi ba về, thời gian đó nhanh thôi…”.
Dù còn nhiều gian khó nhưng các lớp học ở Trường Sa vẫn luôn là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, chắp cánh ước mơ của những “công dân tí hon” đang ngày đêm theo cha mẹ bám biển đảo. Các thế hệ nối tiếp nhau hun đúc truyền thống, ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chia tay rồi mà bên tai chúng tôi vẫn vọng mãi tiếng trẻ trong veo: “Con lớn lên sẽ làm bộ đội/ Cùng bao người con hướng tới Trường Sa/ Theo lớp cha anh bảo vệ nước non nhà/ Yêu Tổ quốc như yêu cha và mẹ…”.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/399739/lop-hoc-dac-biet-o-truong-sa.html