Lớp học hạnh phúc của cô Nhung
Một cô giáo ở TP Đà Nẵng sau khi về hưu vẫn cần mẫn dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo, giúp các em vững bước trên hành trình đến trường
Căn nhà của cô Đào Thị Nhung (SN 1956) nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương (phường Bình Hiên, quận Hải Châu), luôn rộn ràng tiếng nói, cười vào mỗi chiều tối. Tan học, các em nhỏ lại cắp cặp đến đây để nâng cao kiến thức.
Nâng đỡ trò nghèo
Năm 2015, cô Nhung nghỉ hưu sau 35 năm gắn bó với bục giảng ở Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Không để bản thân "nghỉ hưu sớm", cô tham gia các hoạt động xã hội tại nơi sinh sống. Lúc này, cô chứng kiến nhiều hoàn cảnh học sinh có khả năng học tập nhưng gia đình khó khăn. Có em mồ côi cha mẹ, có em cha mẹ phải đi làm ăn xa, có em thì sống với ông bà… Tất cả đều cùng điểm chung là không có điều kiện được hỗ trợ học tập.
Lớp học mở ra đầu tiên với một học sinh tên Nguyễn Thị Phượng Hồng. Mẹ của Hồng mất do bệnh ung thư, còn cha em thì bỏ đi. Hồng sống cùng người dì bị câm điếc bẩm sinh. Qua giới thiệu của Hội Phụ nữ phường, cô Nhung nhận Hồng về kèm cặp tại nhà sau giờ chính khóa. Hồng gắn bó với lớp học của cô Nhung trong 2 năm lớp 8 và 9. Sau đó, em đi học nghề, nhưng thi thoảng vẫn quay lại thăm cô giáo đã nâng đỡ mình từng bước đi.
Sau khi nhận dạy Hồng, cô Nhung bắt đầu có ý tưởng tổ chức một lớp học với đông học sinh hơn, chủ yếu là những em có gia cảnh nghèo khó. Thế là cô đi tìm… học sinh. Hai học sinh tiếp theo được cô đưa về lớp là anh em ruột có cha mẹ ly hôn, sống với ông bà ngoại. Ông ngoại bị tai biến nên hai em chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Từ học sinh trung bình, sau nhiều năm gắn bó với lớp học, hai anh em đã trở thành học sinh xuất sắc.
Hiện tại, lớp học của cô Nhung có 17 em đang theo học ở đủ các lớp từ tiểu học đến THCS. Cô Nhung vốn là giáo viên văn nên cô chỉ dạy kiến thức theo sách giáo khoa cho các em tiểu học (ở tất cả các môn) và môn văn đối với học sinh THCS. Tuy nhiên, cái hay của cô là để các học sinh bậc THCS tự học chéo với nhau. Bạn nào giỏi tiếng Anh sẽ kèm bạn học yếu hơn và tương tự với các môn khác. Vì vậy lớp học lúc nào cũng rất vui. Cô Nhung cho hay do chương trình học bây giờ thay đổi nhiều nên cô phải học hỏi liên tục để cập nhật kiến thức. Có những hôm, học sinh hỏi các câu chưa nắm rõ thì cô tìm hiểu trên mạng hoặc nhờ đồng nghiệp hỗ trợ.
Mẹ đỡ đầu
Ở lớp học của cô Nhung, học sinh được chăm sóc như con cháu trong nhà. Đến lớp, các em được phục vụ bữa ăn nhẹ. "Có bữa bánh mì, có hôm bánh gói… Nói chung là các em không bị đói bữa nào" - cô Nhung cười nói.
Để có tiền lo cho các em, ngoài bỏ tiền túi, cô còn xin ve chai rồi bán lấy tiền gây quỹ hỗ trợ học sinh của lớp. Không chỉ dạy và lo bữa ăn miễn phí, cô Nhung còn mua sách vở, dụng cụ học tập, áo quần đồng phục… cho các em mỗi dịp đầu năm mới. Số tiền này được trích từ khoản tiết kiệm nuôi heo đất của cô. Chưa dừng lại ở đó, cô Nhung còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cho cho gia đình các em nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
"Cô Nhung như mẹ đỡ đầu, lo cho chúng em trong việc học hành và cả cuộc sống" - em Phạm Thị Thanh Xuân, một học sinh lớp 12, cho biết. Dù không còn học ở lớp nhưng Xuân vẫn được cô Nhung tài trợ sách vở, áo dài vào đầu năm học mới.
Không chỉ dạy kiến thức, mỗi thứ bảy hằng tuần, cô Nhung mở lớp để học sinh tập trung lại giao lưu. Tiết học này không có sách vở mà chỉ có tiếng hát, tiếng nói, cười. "Ở đó, cô dạy các em kỹ năng sống, các em cùng vui chơi, trò chuyện gần gũi" - cô Nhung chia sẻ.
Với cô Nhung, cho đi con chữ là niềm vui. Kiến thức thì cô có sẵn, giờ chỉ mong có sức khỏe để duy trì lớp học. Ban đầu, lớp có tên gọi "0 đồng" nhưng về sau đổi thành "Lớp học hạnh phúc" bởi cô Nhung mong muốn các em khi đến đây phải có cảm giác thoải mái - ai cũng được học tập, vui chơi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lop-hoc-hanh-phuc-cua-co-nhung-196241130193551014.htm