Lớp học mở: Thầy cô sáng tạo, học sinh hứng thú
Các trường tiểu học tại TPHCM đang tích cực triển khai mô hình 'lớp học mở' với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
"Lớp học mở" nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh và phụ huynh. Thông qua mô hình này, giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, mang đến sự hứng thú trong từng tiết học.
Những giờ học sôi động
Tháng 11/2024, Trường Tiểu học Kim Đồng (Quận 12) tổ chức “Lớp học mở” với tiết học Khoa học lớp 4, chủ đề 2 - Năng lượng, bài 10 - Âm thanh (tiết 1) tại lớp 4/1, do thầy Trần Văn Chất trực tiếp giảng dạy.
Tiết học diễn ra trong không khí sôi động, hứng thú. Giáo viên khéo léo khởi động bằng trò chơi hấp dẫn, sau đó dẫn dắt học sinh vào các hoạt động thí nghiệm thú vị. Các em được tìm hiểu về nguồn âm, cách vật rung phát ra âm thanh và cơ chế nghe thông qua màng nhĩ. Qua từng nội dung, học sinh không chỉ hiểu thêm về khoa học, mà còn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ tai và thanh quản để tránh các bệnh liên quan đến thính giác, giọng nói.
Tiết học đã tạo cơ hội để học sinh mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tích cực trao đổi, phát huy năng lực cá nhân cũng như tinh thần làm việc nhóm. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả mô hình “Lớp học mở” trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, mang lại niềm vui và hứng khởi trong học tập.
Trong tháng 11/2024, tại Trường Tiểu học Thuận Kiều (Quận 12), tiết Hoạt động trải nghiệm chủ đề “An toàn vệ sinh thực phẩm” của lớp 3/5 được cô giáo chủ nhiệm Ngô Thị Hoa tổ chức tại căn tin và sân trường. Thay vì không gian lớp học truyền thống, các em được học trong môi trường mở, tạo sự hứng khởi khi không chỉ lắng nghe lý thuyết mà còn trực tiếp cầm, quan sát thực phẩm.
Tại căn tin, các em được học cách nhận biết thực phẩm an toàn, phân biệt loại đồ ăn nên mua hằng ngày. Theo cô Hoa, thay đổi không gian đã giúp bài học trở nên sống động và ý nghĩa hơn, đồng thời khơi dậy sự tò mò, ham học hỏi của học sinh.
Từ năm học 2023 - 2024, nhiều trường tiểu học tại TPHCM tích cực áp dụng mô hình “Lớp học mở” với các hình thức đa dạng, từ không gian lớp học truyền thống đến các khu vực khác trong trường.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM), chia sẻ, trong công tác giảng dạy, việc truyền cảm hứng và xây dựng tình yêu học tập cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu. Điều này đòi hỏi các thầy, cô không ngừng sáng tạo, áp dụng công nghệ hiện đại và lồng ghép hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh học qua thực hành và khám phá.
“Tổ chức một tiết học, hoạt động giáo dục đối với “Lớp học mở” trong thời lượng khoảng 35 phút. Các thầy cô được chủ động lựa chọn địa điểm tổ chức, có thể ngay tại lớp học hay ‘lớp học mở’, sân bóng, căn tin, sân trường, thư viện, Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, các phòng học bộ môn… phù hợp với nội dung bài học. Thay đổi không gian dạy học đã tạo nên sự đổi mới, sáng tạo, học sinh tham gia học tập tích cực, hào hứng, giờ học sôi nổi và hiệu quả”, bà Thúy cho hay.
Cầu nối xây trường học hạnh phúc
Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11), nhận định, tổ chức “Lớp học mở” mang lại cơ hội quý để phụ huynh vào lớp, quan sát và tham gia trực tiếp vào tiết học cùng trẻ. Phụ huynh không chỉ đóng vai trò quan sát, mà còn trở thành người bạn, người đồng hành với con em trong môi trường học tập tại trường.
Theo cô Hương, điều này giúp phụ huynh có cái nhìn cận cảnh và thấu hiểu hơn về phương pháp giảng dạy mà nhà trường đang áp dụng. Qua đó, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường được củng cố, tạo nên sự phối hợp hiệu quả trong giáo dục trẻ, hướng tới mục tiêu chung là phát triển toàn diện cho học sinh.
“Khi giáo viên yêu nghề, các thầy cô sẽ luôn tâm huyết, tìm tòi những phương pháp sáng tạo trong quá trình giảng dạy, để tiết dạy hiệu quả nhất với học trò và các em cũng được truyền tải niềm vui, cảm hứng từ mỗi tiết học”, cô Hương cho hay.
Tại Trường Tiểu học Thuận Kiều (Quận 12), lớp học không còn giới hạn trong những chiếc bảng đen, viên phấn và dãy bàn ghế được sắp xếp truyền thống. Với sự sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy, hoạt động “Lớp học mở” mang đến những không gian học tập đa dạng, phong phú.
Theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Thoa, học sinh có thể tham gia tiết học dưới bóng cây, trên sân cỏ nhân tạo, trong phòng học tương tác hiện đại và thậm chí tại căn tin với các loại thực phẩm thực tế. Điều này không chỉ khơi dậy hứng thú học tập mà còn giúp các em yêu thích đến trường hơn, đúng với tinh thần “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Từng tham dự “Lớp học mở” với giờ học tiếng Việt của con gái tại lớp 2/1 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 1), chị Nguyễn Thị Thúy Hằng thấy vui khi chứng kiến trẻ học chương trình mới, được thực hành, thảo luận, bày tỏ ý kiến, bạn bè và thầy giáo đánh giá.
“Cách dạy này mới lạ nhưng thúc đẩy sự ham học tập của các con. Trẻ cùng nhau làm việc, trả lời câu hỏi… nên tôi yên tâm khi nhà trường áp dụng cách dạy học mới như vậy. Qua việc dự khán, tôi hiểu thêm về phương pháp và sẽ phối hợp tốt hơn với nhà trường trong giáo dục con”, chị Thúy Hằng bày tỏ.
Chia sẻ về mô hình “Lớp học mở”, TS Bùi Hồng Quân - Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhận định, mô hình mang lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho học sinh mà còn cho gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, mô hình này tạo ra sự minh bạch trong hoạt động giáo dục khi phụ huynh có cơ hội hiểu rõ về chương trình học cũng như phương pháp giảng dạy của nhà trường. Điều này giúp tăng cường sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa phụ huynh và nhà trường.
Đối với học sinh, học trong không gian mở khơi dậy sự hứng thú với kiến thức, đồng thời tạo cơ hội phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và khả năng tư duy. Không gian học tập sáng tạo cũng trở thành chất xúc tác giúp các em tiếp thu bài học một cách tự nhiên và chủ động. Bên cạnh đó, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của học sinh.
“Với chương trình, cách đánh giá mới nếu được phụ huynh thấu hiểu sẽ đồng hành tốt hơn với học sinh. Phụ huynh vào trường cũng hiểu hơn về thầy cô, thấy được công sức, tâm sức, từ đó có thêm niềm tin, yêu thương thầy cô, hoạt động nhà trường sẽ tốt hơn và cũng là mục tiêu thúc đẩy trường học hạnh phúc”, cô Thoa cho hay.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lop-hoc-mo-thay-co-sang-tao-hoc-sinh-hung-thu-post716804.html