Lớp học từ góc xóm kết nối cả thế giới
Khi cô giáo Phượng nhận danh hiệu 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu' và hàng loạt giải thưởng khác, không ít ý kiến, trong đó có cả một số quan chức, cho rằng: 'Cô Phượng là sản phẩm của truyền thông', hay 'Kỹ thuật giảng dạy như vậy nhiều người cũng làm
Nơi cô giáo Hà Ánh Phượng (THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ) dạy học là khu vực miền núi của tỉnh Phú Thọ với hơn 80% học sinh là người dân tộc Mường. Cô sử dụng công nghệ và tìm tòi để thiết kế bài giảng riêng mang đến cho những học trò cơ hội tiếp cận trải nghiệm làm một công dân toàn cầu.
“Mỗi lần nhắc đến câu chuyện của mình, tôi thường nói rằng mình chỉ là một giáo viên bình thường bước ra từ vườn chuối. Đây không phải là cách nói hình tượng ví von mà câu chuyện từ vườn chuối vươn tay ra thế giới là có thật”.
Đó là một buổi sinh hoạt chuyên môn về mô hình lớp học xuyên biên giới, do nhà bị mất điện, để tiếp tục giao lưu với các thầy cô khác, cô Phượng đành ra ngồi ở vườn chuối “ké” wifi nhà hàng xóm. Nhưng cũng nhờ kỷ niệm đáng nhớ này đã nuôi trong cô khát khao đưa những đứa trẻ miền núi “vượt biên không cần visa”.
Dần dần, cô giáo 9X đã tìm tòi, ứng dụng công nghệ để thiết kế những tiết học xuyên biên giới từ chính nội dung trong sách giáo khoa. Từ huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, học trò của cô Phượng giờ đây có thể cùng học tập, thảo luận với học sinh ở nhiều quốc gia khác.
Là giáo viên đầu tiên của Việt Nam lọt top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation bình chọn, cô Phượng đang trực tiếp đi chia sẻ về mô hình lớp học xuyên biên giới tới giáo viên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cô giáo trẻ cũng làm hơn 100 video dạy tiếng Anh miễn phí phát trên kênh YouTube cá nhân.
Đã thực sự dạy học online?
Đại dịch Covid-19 gây ra không ít phiền toái, để lại những câu chuyện ‘chưa từng có’.
Cô Phượng và hàng triệu giáo viên trong cả nước đã phải vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dạy học online và chuyển đổi số trở thành điểm sáng của cả ngành giáo dục trong năm học vừa qua.
Khác với các trường đại học, vốn có nguồn lực và động lực để chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, thì ở các cấp học từ tiểu học đến phổ thông, đằng sau những điều ‘kỳ diệu’ đã được ngợi ca, câu hỏi đặt ra là chúng ta có thực sự đã dạy học online không?
Một chuyên gia về giáo dục cho rằng, phần lớn giáo viên mới chỉ thực hiện 1 thứ gần giống, là ‘remote teaching’ – một hình thức dạy học tạm thời trong tình huống không thể dạy offline (dạy trực tiếp), chứ không phải là “online teaching”.
Nói như vậy là bởi các khóa học vốn được thiết kế cho dạy trực tiếp, thì trong dịch Covid-19 vừa qua hầu hết đã được ‘bê’ nguyên xi lên để dạy trực tuyến.
“Dùng phần mềm nào, thiết kế bài giảng ra sao, có tiêu chí và quy chuẩn nào không?…” - một giáo viên THCS ở Bắc Giang nhớ lại cảm giác lo lắng đến “phát khóc” khi nhận được thông báo chuyển sang dạy trực tuyến. Cô giáo này và nhiều đồng nghiệp đã phải nhớn nhác hỏi thăm khắp nơi, tham gia vào nhiều hội nhóm trên mạng… để tự học.
Như vậy, muốn dạy online, không phải chỉ có cái máy tính và internet là đủ.
TS. Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng cho chương trình, nội dung dạy học trực tuyến cũng như chuẩn bị nguồn “nhân lực số” để thực thi.
Bà Thơ cho rằng, cần đầu tư để xây dựng hệ sinh thái số, mà nội dung, chương trình học tập số như là một hạ tầng thiết yếu, để người dạy và người học có thể khai thác cơ bản cho việc học tập.
Về kĩ thuật, cần đảm bảo rằng cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị và đường truyền internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ, ổn định.
Về chuyên môn, giáo viên cần được tập huấn về dạy học chương trình hóa, phân hóa trong thiết kế nội dung, đồng thời tương thích với phần mềm dạy học, cung cấp, khai thác, tích hợp với tài nguyên trên mạng internet hợp lí.
Về quản lí, cần có phần mềm quản lí hệ thống tích hợp với phần mềm môn học để có thể đánh giá quá trình học tập, quản lí giảng dạy…
Cần một chiến lược
Chuyển đổi số không có nghĩa chỉ là dạy học online mà còn rất nhiều nội dung khác nữa.
Sau khi đã nhanh chóng thích ứng với dịch Covid, còn nhiều thách thức để chuyển đổi số tạo ra sự đột phá cho giáo dục. Cần phải có một chiến lược và sự chuẩn bị chu đáo hơn nữa.
Những gì mà cô Phượng đã làm được cần được đặt trong bối cảnh đó. Nơi cô Phượng dạy học là khu vực miền núi của tỉnh Phú Thọ với hơn 80% học sinh là người dân tộc Mường. Việc cô sử dụng công nghệ và tìm tòi để thiết kế bài giảng riêng đã mang đến cho những học trò cơ hội tiếp cận trải nghiệm làm một công dân toàn cầu.
Trong khi đó, ở rất nhiều thành phố lớn - nơi học sinh thuận lợi hơn nhiều về điều kiện học tập, có bao nhiêu lớp học ‘không biên giới’ như lớp học của cô giáo Hà Ánh Phượng? Bao nhiêu lớp học trên đất nước này mà học sinh có những trải nghiệm quý giá như những học trò ở miền núi Thanh Sơn?
Công nghệ sẽ chỉ là công nghệ cho đến khi nó mang lại những giá trị phi thường trong cuộc sống. Và cô Phượng đã làm được điều phi thường đó.
Câu chuyện của cô giáo Phượng có thể coi là một ‘case study’ điển hình để trả lời cho câu hỏi: Chuyển đổi số là gì?
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là dùng công nghệ số để làm những việc trước đây ta không thể làm, là xóa nhòa những khoảng cách, xóa nhòa các đường biên và rào cản để những việc mà chúng ta làm dù rất nhỏ đạt được hiệu quả hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến khó khăn với dạy học trực tuyến và chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, thách thức lớn nhất chính là vấn đề con người. Việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên là điều không hề dễ dàng.
Vì thế, những gì cô Phượng đã làm xứng đáng được tôn vinh. Đó có thể chỉ là một đốm lửa nhỏ, nhưng đang mang đến một năng lượng tích cực, truyền cảm hứng đến tất cả chúng ta, rằng: Ai cũng có thể “chuyển đổi số” và hòa mình vào dòng chảy hiện đại của nhân loại.