'Lớp lớp Hà Nội': Lan tỏa thông điệp về nghệ thuật bền vững
Lấy cảm hứng chính từ sự đa dạng và phong phú của Hà Nội, từ kiến trúc, lịch sử đến cuộc sống hiện đại, 'Lớp lớp Hà Nội' là một chủ đề đặc biệt được thể hiện thông qua những góc nhìn nghệ thuật đa chiều về vẻ đẹp của thành phố này.
Lớp lớp Hà Nội diễn ra từ ngày 22-25.7 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội), là kết quả của dự án 4V Việt Nam, được tổ chức bởi nhóm sinh viên đến từ các trường đại học ở Hà Nội, với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống xanh không rác thải, thông qua việc tái chế 100 kg vải vụn, vải thừa từ các nhà may tư nhân nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội.
Chuỗi sự kiện hướng đến mục tiêu thể hiện những góc nhìn đa chiều thú vị và đầy tính nghệ thuật về nét đẹp của Hà Nội. Các hoạt động chính bao gồm: triển lãm và đấu giá tranh, giao lưu với các họa sĩ, workshop sáng tác hội họa trên toan vải vụn,… nhằm gây quỹ cho chiến dịch tình nguyện Green Roots, tổ chức trồng cây tại các điểm trường ở Bắc Quang, Hà Giang.
Ngắm Hà Nội qua những khung tranh làm từ vải vụn
Lấy cảm hứng từ chính sự đa dạng và phong phú của mảnh đất ngàn năm văn hiến, triển lãm Lớp lớp Hà Nội gồm những bức tranh thể hiện những góc nhìn đa chiều, thú vị và đầy tính nghệ thuật về nét đẹp của Hà Nội, từ những lớp kiến trúc, lịch sử, văn hóa cho đến lớp tình cảm và con người, tạo nên sự phong phú, đa dạng của Thủ đô.
Trên khung canvas được ghép từ vải vụn, qua những khắc họa tỉ mỉ của các họa sĩ trẻ, những bức tranh trưng bày tại triển lãm mang đến một hành trình thú vị với những khám phá không chỉ từ vẻ đẹp của mỹ thuật mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa.
Mỗi tác phẩm đều mang trong mình những thông điệp riêng, Lớp lớp Hà Nội sẽ là cơ hội để người xem tận hưởng và trải nghiệm tinh thần bền vững trong sáng tác của các nghệ sĩ thế hệ mới. Mỗi tấm tranh, mỗi nét vẽ đều là một cảm xúc, một tâm hồn và một tầm nhìn.
Trà đá Hà Nội (30x30cm) – Lê Thị Phương Anh
Rùa và Nghê (30x40cm) – Lee Nguyễn Sae Hae
Nghệ thuật bền vững qua góc nhìn thế hệ
Trong khuôn khổ triển lãm Lớp lớp Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Nghệ thuật bền vững qua góc nhìn thế hệ với sự tham gia của các diễn giả đại diện cho các thế hệ họa sĩ khác nhau, đó là: họa sĩ Lê Huy Tiếp; họa sĩ Vũ Ngọc Long; kiến trúc sư, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang; họa sĩ Vũ Tuấn Việt.
Buổi trò chuyện đem đến cái nhìn về mối tương quan giữa nghệ thuật và môi trường, với mục đích chia sẻ đến người nghe về khái niệm nghệ thuật bền vững (sustainable art), những xu hướng phát triển nghệ thuật bền vững tại Việt Nam.
Thông qua việc khai thác những góc nhìn này, tọa đàm cũng đặt ra mối tương đồng giữa sự vận động, phát triển bền vững của nghệ thuật, qua đó tạo mỗi liên kết giữa những thế hệ, những người yêu nghệ thuật với nhau.
Những chiếc bát rỗng (40x60cm) – Vũ Duy Dương
Rùa Thần chở mộng (30x40cm) – Nguyễn Trần Đăng Khoa
Tính bền vững trong nghệ thuật có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhiều nghệ sĩ cho rằng phải là tác phẩm phê bình về vấn đề môi trường thì mới là nghệ thuật bền vững. Trong khi một số khác lại định nghĩa nghệ thuật bền vững là cách chúng ta tạo nên các tác phẩm sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường hoặc đơn giản là thông điệp mang tính bền vững theo ngôn ngữ nghệ thuật.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng, để cuộc sống bền vững chúng ta nên tiết kiệm tài nguyên bằng cách tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng. Bền vững phải có tính lâu dài về vòng đời sử dụng, có thể được tái chế từ bất kỳ chất liệu nào nhưng phải thân thiện với môi trường.
Kiến trúc sư, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang lại cho rằng, bền vững còn được biểu hiện qua một dạng thức khác nữa đó là bền vững về ý niệm. Có thể một vòng đời của một chất liệu là ngắn ngủi nhưng nó hoàn toàn có thể để lại ý niệm bền vững đấy trong suy nghĩ của mỗi người, bởi suy nghĩ của con người thì rất xa, nó còn có sự chuyển tiếp giữa các thế hệ.
Đối với nghệ thuật bền vững, họa sĩ Vũ Ngọc Long quan niệm, nghệ thuật bền vững là những tác phẩm để đời, có chất liệu thân thiện với môi trường. Những tác phẩm này sau khi được sử dụng hết cái vòng đời của mình, ví dụ như vải chẳng hạn, vải được tạo ra với mục đích chính là phục vụ thời trang, sau đó lại được sử dụng như một vòng đời mới qua việc tái chế vải.
Mona Lisa của người Hà Nội (40x60cm) – Lê Phương Thảo
Hà Nội phố (40x60) - Bùi Huy Hoàng/Hoang Log
Từ những quan niệm về nghệ thuật bền vững, các diễn giả đều đánh giá cao sáng kiến, việc làm và ý nghĩa của triển lãm Lớp lớp Hà Nội.
Họa sĩ Vũ Ngọc Long cho biết, dù trên chất liệu nào cũng có thể sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, từ những chất liệu tưởng chừng phải bỏ đi, các bạn trẻ đã biến chúng trở thành những tác phẩm, trở thành những sản phẩm vừa có tính nghệ thuật vừa có tính thời đại. Việc làm này còn tiếp sức, truyền tải và lan tỏa đến cộng đồng những thông điệp đầy ý nghĩa.
Nhấn mạnh tính đặc trưng của triển lãm này, kiến trúc sư, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang cho rằng, triển lãm đã mang đến một đặc trưng về chất liệu. Qua việc kết hợp các thủ pháp của chất liệu vải với nhau, từ độ mềm, cứng, hoa văn, họa tiết của vải anh hy vọng các tác giả có thể thúc đẩy hơn nữa cái mức độ tự do trong sáng tác của mình để những tác phẩm đó có thể trở thành câu chuyện bền vững mà các bạn có thể tạo ra.
“Ngoài việc bớt đi một phần rác thải, chúng ta có thể góp phần làm cho cuộc sống phong phú hơn”, kiến trúc sư, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Với mục tiêu hướng tới nghệ thuật xanh và bền vững, Lớp lớp Hà Nội đã trở thành một không gian trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và đáng nhớ, mang cảm nhận sâu sắc và truyền cảm hứng đam mê nghệ thuật cho giới trẻ.
Chuỗi sự kiện là kết quả của Dự án 4V Việt Nam, được tổ chức bởi nhóm sinh viên đến từ các trường đại học ở Hà Nội. Với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống xanh không rác thải, thông qua việc tái chế 100kg vải vụn, vải thừa từ các nhà may tư nhân nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội.
Dự án 4V Việt Nam đã xuất sắc giành vị trí Quán quân tại Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023, được tổ chức bởi Đại học Fulbright Việt Nam, thông qua sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.