Lọt top 10 thị trường mới nổi trên thế giới, nhưng logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế
Đà tăng điểm của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đã chậm lại và Việt Nam bị tụt xuống vị trí thứ 43 so với vị trí 39 đã đạt được vào năm 2018.
Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics và chuyển đổi số cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức sáng ngày 2/12 tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự tích cực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã khắc phục, vượt khó để hoàn thành tốt vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 đạt 558,33 tỷ USD với con số xuất siêu kỷ lục 24,59 tỷ USD.
Việt Nam cũng lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics được dự báo đạt mức 5,5%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do những bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá cao ngành logistics của Việt Nam khi thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Doanh nghiệp trong ngành logistics ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về quy mô. Đến cuối năm 2021 có gần 35.000 doanh nghiệp với tổng số 563.354 lao động đang làm việc.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics cũng tăng mạnh. Giai đoạn 2015 - 2019 có 365 dự án, giai đoạn 2020 - 2022 có 203 dự án.
Trong khu vực, Việt Nam thuộc nhóm tốp 5 khi cùng thứ hạng với Philippines và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam thuộc tốp 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới theo bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi (Emerging Markets Index 2023) của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility; trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng dầu khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam cũng đã tích cực triển khai chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp logistics lớn đã thực hiện chuyển đổi số từ cấp độ 3 trở lên như Tân Cảng Sài Gòn, các công ty cảng thuộc hệ thống Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, Viettel Post, Vietnam Post, Gemadept, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam điển hình như DHL, Fedex...
Chưa tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nêu lên thực trạng ngành logistics trên phạm vi cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.
Hiện nay, theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới.
Hạ tầng logisics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế...
Sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải thủy còn thấp; vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất (chiếm đến 73% sản lượng hàng hóa vận chuyển trong 9 tháng đầu năm 2023); tiếp đó là vận tải đường thủy nội địa với 21,6% tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển. Trong khi đó, vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2% tổng sản lượng, vận tải đường sắt và đường hàng không vẫn ở mức rất thấp, lần lượt là 0,2% và 0,01%; điều này làm cho chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Năm 2023, theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, đà tăng điểm của Việt Nam đã chậm lại và Việt Nam bị tụt 4 bậc trên bảng xếp hạng, rơi xuống vị trí thứ 43 so với vị trí 39 đã đạt được vào năm 2018.
Báo cáo đánh giá của WB cũng cho thấy, bên cạnh sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế ở các yếu tố về năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics thể hiện ở các chỉ số chất lượng dịch vụ logistics, tính đúng giờ và khả năng theo dõi hàng hóa. Chuyển đổi số của hầu hết các doanh nghiệp logistics vẫn ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics
Từ thực trạng nêu trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chuyên đề đánh giá sâu về thực trạng, các điều kiện và định hướng phát triển các hoạt động logistics hiệu quả, bền vững trong bối cảnh tình hình mới để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, có lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực logistics nói chung và logistics đối với vùng ĐBSCL nói riêng gắn với nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của chuỗi giá trị nông sản của vùng.
Hai là, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương lãnh đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các Quyết định số 200/QĐ-TTg và số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP về việc đẩy mạnh, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, trong đó chú trọng đến kết quả xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chỉ đạo điều hành các hoạt động logistics nhằm phục vụ tốt hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó lưu ý lồng ghép về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số ngành logistics.
Ba là, các địa phương trong vùng ĐBSCL nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, căn cứ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ được giao để phát triển hệ thống logistics tại địa phương đồng bộ, đồng thời với rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu kinh tế tại địa phương; triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương…