Lù Dì Sán xây dựng bản làng xanh

Từ khi Dự án 'Thắp sáng vùng biên' được triển khai tại thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai) không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo.

Người dân vệ sinh môi trường mỗi tuần 1 lần.

Người dân vệ sinh môi trường mỗi tuần 1 lần.

Tháng 6/2021, Dự án “Thắp sáng vùng biên” do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Đồn Biên phòng Si Ma Cai và chính quyền địa phương thực hiện tại 2 thôn là Lù Dì Sán (xã Sán Chải) và Dào Dần Sán (xã Nàn Sán). Mỗi thôn được lắp đặt 45 đèn năng lượng mặt trời tại các khu vực đông dân cư và tuyến đường biên giới nhằm phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như hỗ trợ công tác tuần tra biên giới của bộ đội biên phòng.

Chị Nguyễn Thị Kiều Giang, Phụ trách Dự án “Thắp sáng vùng biên” tại Lào Cai cho biết: Đối với những thôn biên giới còn nhiều khó khăn như Lù Dì Sán, việc lắp hệ thống điện đường rất tốn kém, nhưng sử dụng bằng đèn năng lượng mặt trời thì lại rất tiết kiệm và hiệu quả. Bởi, đèn được tự động nạp năng lượng mặt trời hằng ngày, có cảm ứng chuyển động (khi có người đi tới sẽ tự động bật sáng và tự giảm độ sáng khi không có người đi qua); có thể hẹn giờ tắt - mở. Đèn có tuổi thọ 5 - 10 năm tùy vào việc sử dụng và bảo dưỡng.

“Khi chưa có điện đường, người dân đi lại rất khó khăn, hầu như không tổ chức được hoạt động tập thể vào buổi tối. Nhưng từ khi thôn được lắp đèn năng lượng mặt trời, người dân đi lấy nước làm ruộng dù tối muộn hay sáng sớm đều thuận tiện hơn, buổi tối trẻ con được ra sân chơi. Chúng tôi đã ký cam kết bảo vệ tốt công trình để sử dụng được lâu dài”, bà Giàng Thị Vế, thôn Lù Dì Sán nói.

Đồng chí Thào Phù Páo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải cho biết: Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động để người dân hiểu hơn về việc sử dụng năng lượng tái tạo, trồng rừng để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các điều kiện tự nhiên... hướng đến xây dựng “bản làng xanh”. Chúng tôi hy vọng vừa có thể tạo sinh kế bền vững từ trồng rừng, vừa giúp Lù Dì Sán trở thành điển hình trong việc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tiết kiệm và xử lý rác thải sinh hoạt.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350112-lu-di-san-xay-dung-ban-lang-xanh