Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân: Định vị giá trị lính công binh Hải quân trên đất phèn mặn
Thực hiện phong trào thi đua 'Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy', những năm qua, Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm công tác hậu cần. Đặc biệt, với tinh thần vượt khó, các cơ quan, đơn vị trong lữ đoàn đã mạnh dạn cải tạo đất phèn mặn ven sông Cấm, từng bước mở rộng diện tích, đẩy mạnh tăng gia, góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Việc làm của họ cũng là dịp định vị giá trị người lính công binh Hải quân trên đất phèn mặn.
Tiếng kèn, hiệu lệnh hết giờ làm việc vang lên lanh lảnh cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 884 bắt tay vào hoạt động giờ thứ 8 với các hoạt động thể thao và tăng gia.
Binh nhất Trần Thanh Hà, chiến sĩ thuộc Đại đội 11, miệt mài cùng đồng đội nhặt cỏ, tưới cho những luống rau xanh non vừa tâm sự: “Giờ tăng gia đã trở thành thói quen của chúng tôi. Bước vào khu tăng gia rau xanh, nhìn thấy thành quả ai cũng thấy phấn khởi, quên hết mệt mỏi của một ngày trên thao trường”.
Khu tăng gia, được chia thành từng khu vực gọn gàng, bắt mắt; có khu trồng rau xanh, rau gia vị, khu vườn giàn và chăn nuôi riêng. Nhìn khu tăng gia chính quy của đơn vị, không ai nghĩ rằng trước đây nơi này là ao trũng, đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm. Vừa vun lại mấy luống rau, Thiếu tá QNCN Trần Thị Lan Anh, nhân viên Phòng Hậu cần bộc bạch: “Từ ngày có khu tăng gia tập trung này, cứ chiều đến là chúng tôi lại ra nhặt cỏ, tưới rau. Đây cũng là khoảng thời gian thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng; đồng thời là điều kiện để chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm trong tăng gia”.
Trong điều kiện đất đai bị xâm nhập mặn, phèn chua, để bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, CBCS đơn vị đã nghiên cứu các tài liệu, áp dụng trồng và chăn nuôi thử nghiệm để đúc rút kinh nghiệm từ thực tế phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.
Nói về những khó khăn khi tìm mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, Trung tá Bùi Đình Phồn, Chính trị viên Tiểu đoàn 884 cho biết: “Để tìm đúng loại cây trồng phù hợp, CBCS phải trồng thử nghiệm rất nhiều lần, có những lần gieo hạt giống xuống không nảy mầm, rồi những lần cây lên được vài ngày lại héo vàng. Công tác chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn, năng suất thấp”.
Trung tá Bùi Đình Phồn chia sẻ thêm, sau những lần thử nghiệm không thành công đó, đơn vị đã tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục, đồng thời tham khảo các mô hình, hiệu quả của các đơn vị bạn. Từ quyết tâm đó, sau một thời gian, đơn vị đã thấy được hiệu quả của mô hình “vườn - ao - chuồng” (VAC), đã triển khai mô hình này vào tăng gia. Quy hoạch trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình VAC, đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi. Hiện nay, Lữ đoàn có 4 khu tăng gia tập trung, với tổng diện tích hơn 1.000m2. Mỗi khu tăng gia được CBCS trồng theo phương thức “mùa nào cây nấy”, nhiều chủng loại, bảo đảm xen canh gối vụ, đặc biệt chú trọng những cây trồng có nguồn dinh dưỡng cao, như: Đậu cô ve, đậu bắp, cải và nhiều loại khác. Ngoài trồng rau, toàn đơn vị có hơn 2.000m2 giàn bầu bí nổi trên mặt ao bảo đảm nguồn quả sạch tại chỗ cho các bếp ăn.
Kết quả hằng năm, rau xanh của đơn vị luôn đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần tăng định lượng bữa ăn cho bộ đội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn đơn vị. Tính từ 2017 đến nay, đơn vị thu hoạch trên 20 tấn rau, củ, quả các loại, vượt mức so với chỉ tiêu tăng gia cả năm đặt ra. Vườn cây ăn trái của đơn vị cũng chính là hệ thống cây xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, vừa đem lại giá trị trong tăng gia.
Bên cạnh việc trồng rau xanh, đơn vị còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, coi trọng hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, kết hợp giữa sản xuất với chế biến sản phẩm bảo đảm an toàn. Đến nay, khu chăn nuôi tập trung của đơn vị có hơn 100 con gia súc như bò, lợn rừng và hơn 200 gia cầm các loại. Với 63.000m2 ao nuôi cá hàng năm cho thu hoạch từ 45-50 tấn như: Cá trắm, cá trôi, cá chép...
Cùng với khu tăng gia tập trung, Ban chỉ huy Lữ đoàn đã chỉ đạo thành lập tổ, đội tăng gia ở các tiểu đoàn và đại đội. Lập quy hoạch xây dựng, đồng thời tận dụng đất trống, trồng cây ăn quả, kết hợp với trồng xen canh, gối vụ rau xanh các loại, theo mùa. Đến nay, đơn vị đã bảo đảm cung cấp các sản phẩm tăng gia, chế biến bảo đảm thấp hơn khung giá quy định trong mức tiền ăn từ 5-20% trở lên, hơn 90% rau xanh và thịt từ tăng gia vào bữa ăn thường xuyên của bộ đội.
Hiện nay, khi qua khỏi cổng A Lữ đoàn Công binh 131 vào đơn vị, điều đầu tiên mọi người đều cảm nhận được là màu xanh ngút ngàn từ những hàng cây, vườn rau non xanh mơn mởn mà CBCS Lữ đoàn đã dày công chăm sóc.
Trung tá Trần Trung Thành, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn Công binh 131 khẳng định: Công tác tăng gia của Lữ đoàn không những đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; cải tạo cảnh quan môi trường; xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; mà thông qua đó còn thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, biết vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục giáo dục, xây dựng ý thức trách nhiệm cho mỗi CBCS; nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo ra phong trào học tập lẫn nhau trong toàn đơn vị…
Bài và ảnh: XUÂN DŨNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.