Lữ đoàn công binh 219 mở đường thắng lợi
Là đơn vị trực thuộc Quân đoàn 2 tham gia cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, Lữ đoàn Công binh 219 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, mở đường, bắc cầu, xây dựng các công trình quân sự, trực tiếp chiến đấu lập nhiều chiến công. Phát huy tinh thần đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời bình.
Rạng rỡ những chiến công
Đầu năm 1975, trước tình hình chiến trường phát triển mau lẹ, cùng với việc quyết định thay đổi hướng tiến công của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nên công tác chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Huế, Trị - Thiên đã gấp càng gấp hơn.
Theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lữ đoàn 219 dồn toàn lực không kể ngày đêm mở đường 10C và nâng cấp đường 72 phục vụ chiến dịch.
Sau khi giành thắng lợi tại Huế, đơn vị tiếp tục được lệnh mở đường xây dựng trận địa hỏa lực khống chế quốc lộ 1 từ Huế vào Đà Nẵng. Phát hiện các cung đường mới mở, địch tập trung hỏa lực bắn phá, trải bom gây cho ta nhiều tổn thất, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã ngã xuống dưới chân Động Truồi, Khe Tre, Nam Đông…
Vì những cung đường, vì thắng lợi của chiến dịch, vượt lên nỗi đau mất mát, vượt qua bom đạn của địch, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn dũng cảm bám tuyến, bám đường với khẩu hiệu “Tất cả cho phía trước, tất cả để chiến thắng”.
Với tinh thần đó, các chiến sĩ công binh “vai sắt, chân đồng” mở đường, xây dựng trận địa để bộ đội tiến hành trận quyết chiến chiến lược đánh chiếm Huế, Đà Nẵng thành công.
Trên đà thắng lợi, đơn vị được lệnh thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong quá trình rút chạy, địch hành phá hỏng nhiều cầu, đường để làm chậm đường tiến của quân ta. Khắc phục khó khăn, Lữ đoàn 219 đã tính toán các phương án, vừa tổ chức thi công làm đường vòng tránh, vừa bắc lại cầu bằng những vật liệu khai thác gần, thiết kế ngầm cho các loại cơ giới tải trọng lớn vượt qua.
Cuối tháng 4/1975, trên những hướng tiến vào Sài Gòn, Quân đoàn 2 đảm nhận tiến công trên hướng Đông - Đông Nam Sài Gòn - nơi có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi. Trên hướng tiến công này chỉ có hai trục đường vào nội đô, trong đó có trục đường số 10 từ Long Thành qua Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ vào quận 9 song phải qua sông Long Tàu ở bến phà Cát Lái.
Bến phà Cát Lái rộng gần 1 km, nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai. Lữ đoàn Công binh 219 nhận nhiệm vụ ngay trong đêm 29/4/1975 phải chuyển gấp khí tài vượt sông tiếp cận bến phà Cát Lái, chuẩn bị bến vượt, bảo đảm cho các đơn vị vượt sông trước khi trời sáng.
Rạng sáng 30/4, các khí tài vượt sông của Lữ đoàn được lệnh hạ thủy dưới tầm hỏa lực của địch. Ta chủ trương dùng xe PAP lội nước tiến sang bờ Nam. Cùng lúc đó, ở trên bờ, Ban chỉ huy quyết định mượn xuồng máy của dân để chi viện cho tổ trinh sát, đồng thời hiệp đồng với các trận địa pháo trên bờ bắn hỏa lực xuống tàu địch.
Bị đòn đánh hỏa lực chính xác, dồn dập, địch hốt hoảng, bỏ súng, tàu tìm đường tẩu thoát. Được hỏa lực chi viện và sự giúp đỡ của nhân dân, Tiểu đoàn 5 nhanh chóng tổ chức thiết kế bến vượt nhẹ bằng tàu, xuồng, bè mảng chở cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) tiến sang bờ Nam, đánh thẳng vào căn cứ hải quân Cát Lái, tạo điều kiện để ta tổ chức chuyến phà đầu tiên chở 4 xe tăng cập bờ Nam tiến công, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
"Chiến đấu trong thời bình"
Đất nước thống nhất, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 219 tiếp tục là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom, mìn do chiến tranh để lại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn phát huy tính chủ động, không ngại khó, ngại khổ, Lữ đoàn tập trung đổi mới nội dung, phương thức thực hiện trên các mặt công tác, bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cũng như các nhiệm vụ đột xuất khác.
Đặc biệt, đơn vị tuyên truyền lồng ghép những chiến công, nhất là trận đánh bến phà Cát Lái năm xưa để cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống anh hùng, cùng phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm. Với những nỗ lực trong huấn luyện, đầu tháng Tư vừa qua, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Hội thao công binh toàn quân với 7 nội dung tham dự, trong đó giành giải Nhì nội dung trinh sát vượt sông.
Đại úy Đào Văn Luật, Tiểu đoàn 3 cho biết: Tại hội thi chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thao trường có nhiều điểm khác so với thao trường huấn luyện, bến thoải hơn, lưỡi bến hẹp, trang bị chưa đồng bộ cao… Khắc phục khó khăn đó, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy truyền thống, kinh nghiệm, đồng thời linh hoạt, cẩn trọng, tỉ mỉ, đồng lòng, dốc sức. Qua đó hoàn thành xuất sắc nội dung thi trong thời gian 37 phút (theo quy chế thi 70 phút)”.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vũ, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ mang tính chất “Chiến đấu trong thời bình” như: Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, xử lý bom đạn cấp 5; làm đường tuần tra biên giới, xây dựng công trình chiến đấu; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống khủng bố, sập đổ công trình, bảo đảm giao thông…
Những nhiệm vụ trên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn phải thực hiện trong điều kiện độc lập, phân tán, khó khăn, gian khổ, độc hại, thậm chí chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể hy sinh. Địa bàn làm nhiệm vụ chủ yếu tại những vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, điều kiện ăn ở, sinh hoạt rất thiếu thốn.
Thế nhưng nhiều năm qua, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, Quân đội đánh giá cao, nhân dân tin yêu. Sự cống hiến, hy sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 219 đã tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần to lớn, góp phần tô thắm truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".
Bài, ảnh: Hữu Trình