Lữ hành thay đổi

Xu hướng tự đi du lịch của du khách trong nước ngày càng tăng đã đặt các công ty lữ hành trước áp lực phải thay đổi dịch vụ, sản phẩm để bắt kịp với sự thay đổi.

Du khách tại một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Du khách tại một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Như thường lệ, từ trung tuần tháng 5, nhiều công ty lữ hành lớn bắt đầu quảng bá mạnh mẽ hơn cho các chương trình du lịch hè, mùa làm ăn lớn nhất trong năm của mảng du lịch nội địa. Một điều đặc biệt trong hè năm nay là bên cạnh những chương trình tour trọn gói truyền thống, đã có những công ty tạo ra mảng sản phẩm theo yêu cầu, trong đó có dịch vụ đặt phòng khách sạn/khu nghỉ dưỡng, vé máy bay và các dịch vụ lẻ tại điểm đến. Gói sản phẩm này nhắm vào những người muốn tự đi du lịch – phân khúc khách hàng đang tăng trưởng nhanh. Ở một số công ty, sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc này đã làm cho mảng tour trọn gói dành cho khách lẻ khó làm ăn hơn.

“Đe dọa” vị thế của lữ hành truyền thống

“Tour trọn gói dành cho khách lẻ giảm rất nhiều. Như trong tháng 5 và tháng 6 này, lượng đặt tour giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái”, người đứng đầu mảng du lịch nội địa của một công ty lữ hành lớn tại TPHCM nói.

Lý do của sự sụt giảm này, theo ông và nhiều doanh nhân khác, đến từ nhiều nguyên nhân.

Trước hết, sau thời gian dài đi du lịch, du khách đã có kinh nghiệm hơn và cùng với sự phát triển của công nghệ, khách có thể tự thu xếp cho chuyến đi mà không cần nhờ đến công ty lữ hành sắp đặt dịch vụ. Dịch Covid-19 đi qua tiếp tục đẩy xu hướng này phát triển thêm một bước nữa vì nhiều người muốn tự tổ chức những chuyến đi theo nhóm nhỏ thay vì một đoàn đông người để được an tâm và an toàn.

Thêm vào đó, hệ thống đường bộ cao tốc, đặc biệt đường cao tốc nối các thị trường nguồn lớn như TPHCM với các điểm du lịch mở rộng hơn trong thời gian gần đây cũng đã tạo nên một lực đẩy lớn cho sự phát triển của phân khúc này.

“Xu hướng này đã có từ những năm trước nhưng mới phát triển mạnh hơn trong thời gian gần đây và sẽ không dừng lại”, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour nói.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cũng có nhận định tương tự. Theo đó, mảng tour trọn gói dành cho khách lẻ ngày càng mai một thậm chí là không thể tồn tại đã xảy ra từ rất nhiều năm trước ở những nước có nền du lịch phát triển. Tại Việt Nam, do một số đặc thù nên xu hướng này hiện chưa phát triển mạnh đến mức có thể gây ảnh hưởng lớn đến doanh số bán tour của doanh nghiệp lữ hành như Vietravel nhưng vài năm tới, tình hình sẽ khác.

Một số số liệu nghiên cứu thị trường, trong đó có số liệu từ The Outbox Company cho thấy xu hướng du lịch đã thay đổi như những nhận định trên. Theo đó, hồi trước dịch Covid-19, có 63% khách Việt Nam được hỏi chọn hình thức đi tour trọn gói, chỉ có 37% lựa chọn du lịch tự túc. Vào năm 2021, sau thời điểm dịch được kiểm soát, số người chọn tour trọn gói là 8%, du lịch tự túc là 92%. Năm 2022, tỷ lệ chọn du lịch tự túc là 90% và giảm còn 79% trong quí 1 năm nay.

Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, tỷ lệ du lịch tự túc áp đảo trong giai đoạn 2021-2022 là dễ hiểu vì lúc đó du khách gần như chỉ đi trong nước, ngắn ngày, bằng phương tiện cá nhân và nghỉ dưỡng tại các khách sạn, khu nghỉ nên có thể tự sắp xếp chuyến đi. Trong quí 1 vừa qua, thị phần của các công ty lữ hành phục hồi đáng kể vì mảng du lịch nước ngoài dần hồi phục nhưng xu hướng du lịch tự túc vẫn chiếm ưu thế.

“Xu hướng du lịch tự túc vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai với nhiều yếu tố bổ trợ. Trong đó, sự gia tăng của thị trường trung lưu mới cũng làm thay đổi chuyện này”, ông Phước nói.

Linh hoạt chuyển đổi, đầu tư lớn để giữ khách

Trước đây, với nhu cầu của những khách hàng muốn chủ động hơn trong chuyến du lịch, rất nhiều công ty lữ hành đã phát triển dịch vụ “free and easy”. Đây là gói dịch vụ kết hợp giữa dịch vụ hàng không với một vài dịch vụ mặt đất như vé máy bay, khách sạn, xe đón, tiễn ở sân bay với chi phí tốt hơn so với giá mà khách hàng mua đơn lẻ. Đến nay, với sự phát triển mạnh mẽ hơn của xu hướng tự đi du lịch, một số doanh nghiệp lữ hành đã bắt tay vào việc chuyện đổi, bằng cách linh hoạt hơn trong khai thác sản phẩm và đầu tư lớn để bắt nhịp với thị trường.

Ở Công ty lữ hành Vietluxtour, định hướng là tăng thêm dịch vụ để phục vụ tốt những mảng hiện hữu như MICE (du lịch kết hợp sự kiện) và đầu tư mạnh mẽ hơn về khâu sản phẩm để thu hút khách mua tour. “Chúng tôi đa dạng hóa sản phẩm, cũng là tour khám phá thiên nhiên, lịch sử, văn hóa nhưng được khai thác sâu hơn để khách hàng có được những trải nghiệm khác hơn là tự đi”, ông An nói và cho biết đội ngũ làm sản phẩm phải làm việc cật lực hơn để tạo nên sự đổi mới cho sản phẩm hiện hữu và tìm ra những tour mới.

Tại Vietravel, ông Duy cho biết sau dịch Covid-19, số lượng khách hàng mua dịch vụ lẻ đã tăng nhiều hơn, một phần nhờ công ty chào các dịch vụ linh hoạt hơn cùng với mức giá tốt hơn cho khách. Trong đó, công ty cũng làm việc với đối tác khách sạn để có giá dành riêng cho khách lẻ đặt phòng thay vì chỉ có giá dành cho đoàn như trước đây; đẩy mạnh hợp tác với hàng không để đưa ra nhiều gói du lịch cho nhóm nhỏ từ hai đến bốn hoặc sáu người với giá thấp hơn cỡ 20-30% so với khách tự đặt. Nếu khách hàng muốn đi du lịch bằng xe tự lái, công ty cho thuê xe hoặc bán dịch vụ tại điểm đến như tour tham quan tự chọn, khách sạn…

Hiện nay, trang web chính thức của công ty này đã có hai mục mới để khách đặt hàng là dịch vụ khách sạn và gói dịch vụ khách sạn, gồm gói khách sạn – vé máy bay, khách sạn – xe. Sắp tới, số lượng dịch vụ sẽ được mở rộng hơn. Về tour, Vietravel đã tổ chức tour cho các nhóm nhỏ, đi theo ngày yêu cầu nhưng sau này sẽ tạo ra các tour mẫu đưa lên trang web để khách hàng có thể tự điều chỉnh chương trình, dịch vụ theo sở thích.

Trong khi đó, một công ty lữ hành lớn khác là Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho hay, đã xem khách hàng tự đi du lịch là mảng kinh doanh lớn và đã có mức đầu tư tương xứng về chi phí, nhân lực để phát triển.

“Từ sau Tết Nguyên đán 2023, chúng tôi đã xác định đây là mảng kinh doanh lớn, đến hè này thì phát triển mạnh mẽ hơn. Đội ngũ bán hàng phải thay đổi rất lớn thì mới có thể bán được những dịch vụ “rất lẻ” như hiện tại”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của công ty nói.

Theo bà Trà, công ty gần như đã thiết kế lại hầu hết các tour đường bộ để có thể bán được những dịch vụ “rất lẻ” như vừa nói. Trong đó, nhà tour không chỉ có các dịch vụ ăn uống, hướng dẫn hay tour tham quan tại điểm đến mà còn bán từng chiếc vé xem biểu diễn, vé đi tàu ngầm ngắm san hô hay dịch vụ xe cho chỉ một đoạn trong hành trình của tour trọn gói…

Nếu ở tour trọn gói, nhân viên bán hàng xong có thể là đã hoàn thành công việc, phần trách nhiệm phục vụ được giao cho bộ phận khác nhưng với dịch vụ lẻ, người bán phải theo khách suốt hành trình của khách. Bất cứ sự thay đổi nào về dịch vụ như chuyển loại phòng, yêu cầu thay đổi hướng phòng hoặc một dịch vụ nào đó mà khách hàng muốn đặt thêm thì nhân viên này có trách nhiệm giải quyết.

“Có thể nói, những gì khách cần cho chuyến du lịch thì chúng tôi đều có thể bán. Cái khó khi làm như thế này không phải ở chỗ không có dịch vụ để bán mà là điều hành hoạt động “bán” này. Việc bán lắt nhắt, khách thay đổi nhanh khiến áp lực bán rất lớn nhưng thị trường thay đổi thì chúng tôi sẵn sàng thay đổi theo”, bà Trà nói và cho rằng, khi phát triển mảng này, doanh nghiệp lữ hành cũng có lợi thế là có kinh nghiệm điều hành để đảm bảo dịch vụ luôn ổn định và có thương hiệu để thương thảo với đối tác nhằm đem lại giá tốt cho khách hàng.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lu-hanh-thay-doi/