Lũ lụt đi qua để lại nhiều bài học, kinh nghiệm cho Chương Mỹ
Gần 20 ngày bị nước lũ cô lập, không hộ dân nào ở huyện Chương Mỹ bị đói, thiếu nước uống và chỗ ở; không phát sinh ổ dịch bệnh nghiêm trọng…
Đây là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và sự đoàn kết của toàn dân trước thiên tai.
Thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ”
Đường đến các xã “rốn lũ” của huyện Chương Mỹ là Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ… những ngày này đã khô ráo, sạch sẽ. Các hoạt động hằng ngày của người dân địa phương đã trở lại trạng thái bình thường.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, lãnh đạo 4 xã nêu trên khẳng định, từ ngày bị nước lũ cô lập cho đến nay, trên địa bàn không có hộ dân nào bị “đứt bữa”, thiếu nước uống và thiếu nơi ở. Địa phương cũng chưa xuất hiện ổ dịch bệnh nguy hiểm. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự đoàn kết sẻ chia của các tầng lớp nhân dân.
Điều quan trọng, địa phương đã thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, đó là chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi cho biết, để bảo vệ 6 thôn với 336 hộ dân trước lũ lụt, xã đã huy động 180 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, xung kích phòng, chống thiên tai; sử dụng 5 phương tiện, hơn 2.000m3 đất đá và hơn 4.000 bao tải làm nhiệm vụ chống tràn đê Bùi II; hỗ trợ người dân di chuyển người già, trẻ nhỏ và tài sản từ nơi thấp, trũng tới nơi an toàn. Lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, chốt trực cảnh báo khu vực ngập sâu, nước chảy xiết trên địa bàn xã.
Tương tự, xã Nam Phương Tiến huy động 250 người, 12 ô tô vận tải, 3 máy xúc, 2 xuồng máy, 10.000 bao tải, 850m3 đất đá… chống tràn đê hữu Bùi; giúp đỡ người dân 4 thôn di chuyển người già, trẻ nhỏ và tài sản từ nơi thấp tới nơi an toàn. Xã Nam Phương Tiến cũng liên tục thông báo trên hệ thống Đài Truyền thanh về diễn biến mưa, mực nước trên sông Bùi; nguy cơ và các biện pháp phòng, chống đuối nước, điện giật tới toàn bộ người dân.
“Xác định nguy cơ ngập lụt nhiều ngày, xã Nam Phương Tiến đã chủ động di chuyển Trạm Y tế tới trụ sở cũ của UBND xã; lắp đặt 10 bồn chứa nước sạch (loại 2.000 lít/bồn); bố trí kinh phí mua sắm cấp nước uống, thuốc nhỏ mắt, ngứa chân, tiêu chảy, chất khử khuẩn nguồn nước cho 830 hộ dân bị nước lũ cô lập”, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho hay.
Không trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân vùng lũ lụt của huyện Chương Mỹ đã chủ động tích trữ nhu yếu phẩm thiết yếu, giúp đỡ lẫn nhau di chuyển tài sản, sắp xếp nơi ở an toàn...
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Phùng Thị Thanh (78 tuổi) và nhiều người dân ở thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) nói: “Những ngày ngập lụt, người dân ở đây rất xúc động, ấm lòng vì sự quan tâm, chia sẻ, tặng quà động viên từ lãnh đạo Chính phủ, thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ đến các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Lũ rút, chúng tôi lại được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ vệ sinh môi trường…”.
Cần sự quan tâm hơn nữa
Lũ rút để lại trong người dân vùng lũ lụt Chương Mỹ nhiều xúc cảm về truyền thống đoàn kết sẻ chia và những bài học kinh nghiệm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Người dân mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa trong hỗ trợ giải pháp giảm thiệt hại cho vùng “rốn lũ” này.
“Tám năm qua, người dân ở đây đã phải hứng chịu tới 3 trận lũ lụt nghiêm trọng. Bám làng, bám đất, tảo tần làm lụng được chút vốn liếng lại bị thiên tai khoắng sạch. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành có giải pháp thiết thực hơn nữa để người dân bớt khó khăn”, ông Phùng Xuân Lực, Trưởng thôn Nhân Lý và nhiều người dân đề nghị.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chỉ đạo của trung ương, thành phố và của huyện về phòng, chống thiên tai năm 2024; trong đó, tập trung thống kê, xác minh, đề xuất hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra để phục hồi sản xuất; rà soát cơ sở hạ tầng, huy động nguồn lực sửa chữa công trình bị hư hỏng, nhất là trường học, đê điều, đường giao thông...
Các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết, kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, từ đó củng cố, bổ sung, hoàn thiện phương án, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới. Huyện Chương Mỹ huy động các nguồn lực và dự kiến chi khoảng 32 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả trận lũ lụt vừa qua.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức, địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư vấn nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố Hà Nội giải pháp giảm thiểu thiệt hại, thích ứng với lũ rừng ngang bảo đảm tính khả thi, bền vững; trong đó đề xuất đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ khôi phục sản xuất sau lũ lụt…
Thực tế, Bộ NN&PTNT và thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo; các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống và thích ứng với lũ rừng ngang. Các cơ quan chức năng cần sớm thống nhất, triển khai giải pháp giảm thiệt hại cho nhân dân trước tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường.