Lũ nhỏ (Bài cuối)

Mùa nước nổi về mang theo nhiều sản vật gắn liền với sông nước miền Tây như cá linh, cá lóc, ếch, bông điên điển,... góp phần tạo thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống người dân, nhất là làm nên nét văn hóa đặc trưng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi như vậy. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nước về thấp, đặc sản mùa nước nổi ngày càng khan hiếm, nhiều người phải bỏ nghề mưu sinh mùa lũ, tìm kế khác sinh nhai.

Bài cuối: Người dân thích nghi với điều kiện lũ thất thường

Mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng thấp, cuộc sống của những người mưu sinh theo con nước vì thế ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó, người dân dần bỏ tư tưởng trông chờ vào “chim trời, cá nước”, thay vào đó là những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhằm thích ứng với điều kiện tự nhiên.

1. Theo thông lệ, cứ vào mùa nước nổi, gần 30 hộ dân sống cặp kênh Lò Gạch (ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) vừa thuê đất trồng bông súng, vừa sống bằng nghề câu lưới. Lúc đó, bông súng nở rộ cả cánh đồng tạo nên bức tranh thiên nhiên miền sông nước hữu tình và mang lại thu nhập khá cho người dân. Còn năm nay, lũ về thấp, nguồn nước bị ô nhiễm, bông súng bị nhiễm bệnh, chết gần hết. Nguồn thủy sản ngày càng khan hiếm cũng ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ dân.

Bông súng chết gần hết, các hộ dân sống cặp kênh Lò Gạch chuyển sang các mô hình khác

Bông súng chết gần hết, các hộ dân sống cặp kênh Lò Gạch chuyển sang các mô hình khác

Thay vì than vãn, gần 30 hộ dân linh hoạt chuyển sang các mô hình kinh tế khác để thích ứng với điều kiện lũ thất thường. Điển hình như mô hình trồng ấu của anh Nguyễn Văn Tùng. Sau khi bông súng chết do bị nhiễm bệnh, anh Tùng cải tạo đất, đầu tư trồng hơn 5.000m2 ấu sừng trâu. Anh Tùng chia sẻ: “Khu vực ấp Bàu Nâu thuộc vùng trũng, thích hợp cho việc trồng ấu. Ấu là loại cây thủy sinh, ít bệnh, chủ yếu bón phân và phòng ngừa ốc tấn công lúc cây còn nhỏ. Chi phí đầu tư trồng ấu thấp, ít tốn công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao. Ấu trồng sau 3 tháng có thể thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng, bình quân 10 - 15 ngày thu hoạch một lần, giá bán từ 10.000-12.000 đồng/kg. Dự kiến, với khoảng 5.000m2 ấu, sau khi trừ chi phí, tôi có thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng, tương đương với trồng bông súng”.

Dự kiến, với khoảng 5.000m2 ấu, sau khi trừ chi phí, anh Nguyễn Văn Tùng có thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng, tương đương với trồng bông súng

Dự kiến, với khoảng 5.000m2 ấu, sau khi trừ chi phí, anh Nguyễn Văn Tùng có thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng, tương đương với trồng bông súng

2. Năm 2021, khi bông súng chết do nhiễm bệnh, anh Hồ Văn Bé Tư chuyển sang nuôi 8.000m2 ốc bươu đen. Anh tận dụng nguồn thức ăn từ thiên nhiên và nguồn nước tự nhiên để nuôi ốc. Anh Bé Tư trải lòng: “Trước đây, tôi cũng ấp ủ ý tưởng nuôi ốc bươu đen mùa nước nổi nhưng trồng bông súng đang mang lại giá trị kinh tế cao nên không dám “phá rào” chuyển đổi. Năm rồi, khi lũ thấp và bông súng bị nhiễm bệnh, tôi chuyển sang nuôi ốc bươu đen mùa nước nổi. Tất cả diện tích nuôi đều được bao lưới xung quanh, thức ăn cho ốc tận dụng từ lá sen, bông súng, mướp, bầu,... Đầu tháng 11 (Âm lịch), tôi bắt đầu thả nuôi, chi phí đầu tư con giống khoảng 2 triệu đồng. Tôi chủ yếu bán ốc thịt với giá từ 35.000 - 50.000 đồng/kg. Nuôi theo kiểu xoay vòng nên có ốc bán quanh năm, nhẩm tính đến nay, tôi có lợi nhuận trên 25 triệu đồng”.

Nhắc đến nuôi ốc bươu đen, nhiều người nghĩ ngay đến nuôi trong ao, vậy mà anh Bé Tư lại nuôi ngay cánh đồng mùa nước nổi, chỉ cần bao lưới xung quanh tránh cho ốc bò ra bên ngoài và lai với ốc bươu vàng. Nuôi hoàn toàn bằng phương pháp tự nhiên nên ốc không mập như các loại ốc được nuôi trong ao nhưng đổi lại thịt rất giòn và ngọt.

Sau khi bông súng chết do nhiễm bệnh, anh Hồ Văn Bé Tư mạnh dạn chuyển sang nuôi ốc bươu đen mùa nước nổi

Sau khi bông súng chết do nhiễm bệnh, anh Hồ Văn Bé Tư mạnh dạn chuyển sang nuôi ốc bươu đen mùa nước nổi

Được biết, gần 30 hộ dân sống cặp kênh Lò Gạch quê ở tỉnh An Giang. Cách đây hơn 30 năm, họ xuôi theo con nước đến xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng sống bằng nghề “bà cậu” và trồng sen. Ban đầu, họ sống trên ghe, sau mùa nước nổi lại về An Giang, lâu dần thấy dễ sống nên quyết định gắn bó với mảnh đất Vĩnh Trị. Do trồng sen trong thời gian dài nên sen bị nhiễm bệnh, đất bị thoái hóa, 20 hộ dân chuyển sang trồng bông súng, sau đó bông súng cũng nhiễm bệnh, họ lại chuyển sang các loại cây trồng khác, trong đó có mô hình trồng ấu, rau nhút, nuôi ốc bươu đen,... Khi nguồn thủy sản khan hiếm, họ chuyển sang các nghề như buôn bán, làm hồ,... Dù thu nhập không như trước nhưng cuộc sống vẫn ổn định, có thể bám trụ với mảnh đất Vĩnh Trị.

Lũ thất thường ảnh hưởng đến sinh kế nhưng người dân vẫn chủ động thay đổi để thích nghi với điều kiện tự nhiên. Đó là suy nghĩ và cách làm thuận với tự nhiên, giúp người dân có thể chung sống trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lu-nho-bai-cuoi--a143474.html