Lũ trên sông Hoàng Long vượt đỉnh, Công an tỉnh Ninh Bình sẵn sàng ứng phó tình huống xấu nhất
Lũ trên sông Hoàng Long vượt đỉnh, Công an Ninh Bình huy động tối đa lực lượng, phương tiện để ứng phó với tình huống xấu nhất và cứu trợ, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trong điều kiện mưa lũ.
Ngày 11/9, trao đổi với Tiền Phong, Đại tá Trần Xuân Phú, Phó giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến 1h ngày 11/9, cơ quan khí tượng thủy văn đo được mực nước tại Bến Đế (Nho Quan) là 4,37 m (vượt mức báo động 3 là 0,37 m), tại Gián Khẩu là 4,00 m (vượt mức báo động 3 là 0,30 m); trên sông Đáy (Ninh Bình) là 3,65 m (vượt mức báo động 3 là 0,15 m).
Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế và Gián Khẩu (Gia Viễn) sẽ tiếp tục dâng cao với mức độ biến đổi chậm. Sáng 11/9, đỉnh lũ có khả năng đạt mức 4,60-4,80 m tại Bến Đế (vượt mức báo động 3 từ 0,60-0,80 m) và 4,20-4,40 m tại Gián Khẩu (vượt mức báo động 3 từ 0,50-0,70 m).
Trên sông Đáy tại Ninh Bình, mực nước cũng sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt đỉnh vào trưa hoặc chiều 11/9 ở mức 3,80-4,00 m (vượt mức báo động 3 từ 0,30-0,50 m).
Sự gia tăng mực nước kết hợp với mưa lớn có thể gây ngập lụt diện rộng ở vùng bãi ven sông và các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh, cũng như 2 điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (ngoài đê) huyện Gia Viễn. Các khu vực trũng thấp, dân cư tại các xã thuộc huyện Nho Quan, TP Ninh Bình, Hoa Lư cũng sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đá ở các vùng đồi núi, sườn dốc thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp.
Để ứng phó với tình hình trên, sáng nay Công an tỉnh đã huy động 2 xuồng máy công suất lớn (dài 20m, rộng 8m) vào vùng lũ, cứu trợ. Những ngày qua, hàng nghìn cán bộ chiến sỹ công an tỉnh và các huyện như Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh đã tiến quân vào vũng lũ. Riêng khu vực trạm bơm Gia Viễn nằm trên đê Hoàng Long bố trí 100 cán bộ chiến sỹ túc trực đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình cũng duy trì quân số tối đa thường trực tại hiện trường, đồng thời tuyên truyền và hướng dẫn người dân, chủ tàu, đò, thuyền tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thủy. "Lực lượng công an cũng tập trung vào các khu vực bị nước lũ chia cắt để cứu trợ lượng thực, thực phẩm, thuốc men…", Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin.
Cũng theo Đại tá Trần Xuân Phú, lực lượng công an cũng thực hiện tuần tra, canh gác, nhắc nhở người dân về việc sử dụng áo phao và chằng buộc phương tiện, tài sản khi qua sông hoặc đò để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Để ứng phó hiệu quả, Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, theo dõi sát tình hình mưa lũ, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trên sông, bãi sông, đầm hồ và các bến đò. Lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để cấm tàu thuyền neo đậu gần các mái đê, kè, và cột điện; tạm dừng hoạt động các bến đò ngang và bến phà cho đến khi lũ rút; và nghiêm cấm xe tải trọng lớn lưu thông trên đê.
Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã kiểm tra và triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm, đặc biệt là những vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý. Lực lượng công an đã bố trí lực lượng và phương tiện tại các khu vực xung yếu để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Các công tác kiểm tra hệ thống thoát nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, và hỗ trợ sơ tán dân cư cũng được triển khai nhanh chóng. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra và yêu cầu chủ phương tiện tuân thủ các quy định về neo đậu, đảm bảo hành lang thoát lũ và an toàn giao thông đường thủy.
Trước đó, ngày 10/9, Công an tỉnh Ninh Bình đã thành lập các tổ công tác do lãnh đạo tỉnh dẫn đầu để kiểm tra công tác chống mưa lũ tại các địa bàn trọng điểm.