'Lửa ấm' trong đại gia đình Sáu Bình Dương
Hơn 1 tuần nay, cứ tầm 4 giờ sáng là bếp lửa của đại gia đình anh Sáu Bình Dương (tên thật là Phạm Minh Phụng) ở phường Phú Mỹ (TP. Thủ Dầu Một) lại đỏ lửa. Người lớn, trẻ nhỏ, mỗi người phụ giúp một tay để đem đến những phần ăn đầy ắp nghĩa tình cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh ở các chốt và người dân trong khu phong tỏa trên địa bàn.
“Đông tay thì vỗ nên kêu”
6 giờ sáng, như thường lệ mọi thứ đã sẵn sàng. Hôm nay, gia đình anh Sáu Bình Dương dành tặng 200 hộp bún cho lực lượng trực chốt và người dân trong khu phong tỏa. Với đôi tay thoăn thoắt, lấy bún, rau... bỏ vào hộp, anh Phạm Công Hoàng, người con thứ 3 trong đại gia đình anh Sáu Bình Dương, nói: “Tối qua làm tới 10 giờ mới xong. Tại cuốn chả giò nên cực công”. Rồi như kể về lý do tham gia công việc thiện nguyện này, anh nói: “Cái này gọi là rảnh rỗi nhưng không sinh nông nỗi nè”. Tiếp lời, anh Hoàng bộc bạch: “Nói vui vậy chứ tại mình thấy mấy anh em làm nhiệm vụ cực quá mà quán xá thì đóng cửa hết. Họ đã dầm mưa dãi nắng mà ăn uống tạm bợ nữa thì lấy đâu sức khỏe để làm nhiệm vụ lâu dài. Xuất phát từ đó, gia đình mình mới tập hợp lại, cùng góp công, góp của, góp một phần nhỏ bé cho công tác phòng, chống dịch bệnh”.
“Tổng chỉ huy” của đại gia đình anh Sáu Bình Dương không ai khác chính là anh Sáu Bình Dương. Chia sẻ về biệt danh này, anh cho biết: “Giờ hầu như không ai còn nhớ tên cúng cơm của tui là Phạm Minh Phụng, toàn kêu tui là Sáu Bình Dương”. Theo anh lý giải, cái tên này xuất phát từ những ngày anh đi học Đại học Mỹ thuật, rồi cùng mấy anh em mở xưởng điêu khắc ở TP.Hồ Chí Minh. Anh em tứ xứ gộp lại nên không gọi nhau bằng tên mà gọi bằng thứ gắn với quê hương mỗi người. Chẳng hạn anh Hai Sài Gòn, anh Tư Cần Thơ... và cái tên Sáu Bình Dương ra đời từ đó.
Anh Sáu Bình Dương chia sẻ: “Những ngày qua, dịch bệnh trên địa bàn ngày càng phức tạp, tui thấy anh em trực chốt cực quá. Rồi người dân sống trong khu phong tỏa cũng vậy. Do đó, anh em trong nhà mới bàn nhau: Thôi mỗi người góp một ít, đông tay thì vỗ nên kêu. Khả năng mình tới đâu thì làm tới đó. Vì vậy, cả nhà mới bắt tay vào làm” .
“Tô bánh canh nghĩa tình”
Mấy hôm trước, mỗi ngày, gia đình anh Sáu Bình Dương nấu 500 tô bánh canh để hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt trực thuộc các phường Phú Mỹ, Hòa Phú... và người dân vùng phong tỏa. Nấu phần ăn buổi sáng xong, anh Sáu lại suy nghĩ, chuẩn bị cho phần ăn buổi chiều. Bởi như anh Sáu chia sẻ, mùa này đâu phải cứ có tiền là mua được. Mấy mối bỏ bánh canh cho anh hàng ngày hay bánh bèo đều đã nghỉ hết. Anh năn nỉ lò đổ bánh bèo làm cho anh 100kg nhưng họ chưa trả lời, bởi bánh bèo có cái khó của bánh bèo, lò đã nghỉ muốn đổ lại phải mất 2 ngày chuẩn bị. “Chiều nay, chắc cho anh em ăn bún riêu...”, anh Sáu tính.
Công tác thiện nguyện đến với anh Sáu Bình Dương vào năm 39 tuổi. Anh cùng vợ mở quán cà phê, nấu bánh canh bán tại nhà, chăn nuôi... Và, cũng chính từ đây, chương trình “Tô bánh canh nghĩa tình” chính thức ra đời. Anh kể: “39 tuổi tui quyết định “về hưu” sớm. Buôn bán nhỏ lẻ tại nhà, tôi đã bắt gặp những mảnh đời không may mắn. Vì vậy, tôi quyết định, cứ mỗi tô bánh canh, tôi trích ra 2.000 đồng để làm chương trình “Tô bánh canh nghĩa tình”. Mỗi ngày tôi bán 50 tô, trích ra 100.000 đồng. Số tiền này tôi đi tìm mua những chiếc xe đạp cũ, tân trang lại dành tặng cho những người bán vé số, những em học sinh khó khăn không có phương tiện đi lại. Không dừng lại ở đó, anh Sáu cùng nhiều anh em bạn bè khác đóng góp tiếp lửa yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh, bệnh hiểm nghèo”...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, dịch bệnh rồi sẽ được khống chế nhưng sự tử tế, tình yêu thương thì tiếp tục được kết nối, lan tỏa từ những “tấm lòng vàng”. Cả người trao và người nhận đều cùng nhau nở nụ cười và càng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
“Dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của người dân, khó khăn chồng chất khó khăn. Cùng chung mục đích chia sẻ khó khăn với người nghèo, thời gian qua trên địa bàn phường đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp thực hiện những việc làm, nghĩa cử cao đẹp. Người góp tiền, người góp nhu yếu phẩm ủng hộ, phát suất ăn miễn phí… Tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.
Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/lua-am-trong-dai-gia-dinh-sau-binh-duong-a252039.html