Lửa cao nguyên

Phần lớn vùng đất Tây Nguyên được hình thành bởi những đợt phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước. 'Hỏa diệm sơn' làm nên những ngọn núi sừng sững giữa trập trùng cao nguyên ngút ngát, những hồ nước sâu thăm thẳm trên triền đồi bazan đất đỏ au au. Phải chăng hình tượng núi lửa là một phần ký ức của Tây Nguyên?

Tây Nguyên có những vị Vua Lửa vừa huyền ảo kỳ bí, lại vừa gần gũi. Một tín ngưỡng thần quyền mang yếu tố lửa (cùng với nước và gió) làm nên những huyền tích sâu lắng đi qua 14 đời truyền kế, lưu dấu đến tận thời nay.

Có lẽ không ở đâu lửa nồng ấm diệu kỳ như trên mảnh đất Tây Nguyên. Ở đó, màn đêm là phần sinh động lấp lánh đê mê của cuộc sống. Đêm thăng hoa cùng với những ngọn lửa rừng linh thiêng, lung linh huyền thoại.

Đầu tiên, lửa sưởi ấm mỗi ngôi nhà sàn. Ở Tây Nguyên, căn nhà dài truyền thống chở che cho rất nhiều hộ cộng cư. Nơi ấy, mỗi gia đình nhỏ có một bếp lửa. Bếp được tạo ngay trên mặt sàn nhà. Đêm đêm, khi bóng tối bủa vây, những ngôi nhà sàn trở nên sống động nồng nàn bên từng vuông bếp. Nhiều thế hệ người quây quần bên bếp lửa bập bùng ấm nóng. Thời khắc ngày chuyển sang đêm tất cả bỗng chốc chìm trong một thế giới ảo huyền. Người nhập nhòa, cảnh vật nhập nhòa, những cái bóng lừng lững gắn với hiện thực nhờ nhờ hư ảnh. Ở đó, người già bỗng thức dậy miền ký ức về quá khứ xa xưa truyền khẩu từ bao đời. Đến lượt mình, họ lại ngân lên điệu thức mơ màng rót vào tâm năng của lớp trẻ giá trị vĩnh hằng của cuộc sống, những bản trường ca được diễn xướng bên bếp lửa hồng hết đêm này sang đêm khác. Cứ thế, họ truyền hơi ấm, truyền lửa cho mai sau.

Đêm và lửa làm sinh động, phong phú cho đời sống tinh thần của người Tây Nguyên. Có thể nói ngày là đời sống thực lồ lộ, phơi bày rành rọt trước con mắt mọi người một cách nhàm chán. Ngày là cuộc đời trần trụi hữu hạn trước cái nhìn sáng rõ. Đêm, ngược lại, là phần đời ảo diệu của sức tưởng tượng, là phần cuộc sống bằng cái cảm được của người Tây Nguyên. Nó vi diệu, thăm thẳm bất tận theo sức suy tưởng của con người. Mà lửa là thứ ánh sáng thức dậy, soi rọi những dòng tâm thức. Lửa ma mị đưa người ta đi qua những dòng miên tưởng vô cùng vô tận.

Đêm hội buôn làng. Ảnh: Hòa Carol

Đêm hội buôn làng. Ảnh: Hòa Carol

Bếp lửa ấm trong ngôi nhà sàn âm ỉ suốt ngày đêm giữ hơi nóng cho quần thể người trong đó. Những bếp lửa làm nên sức nóng vĩnh hằng của cuộc sống. Trong những ngôi nhà sàn như thế, với tập hợp bếp lửa không bao giờ tắt, những em bé ra đời lớn lên, người già hóa nâu xạm, sần sùi của tuổi tác. Tất cả mọi thú dữ côn trùng độc hại đều sợ những bếp lửa ấy. Từ ruồi muỗi, mối mọt ngập rừng đều lánh xa bếp lửa.

Dưới mái nhà rông, bếp lửa hun đúc sự gần gũi hòa đồng của lớp trẻ. Đêm đêm trai làng (chưa có vợ) quây quần quanh bếp lửa nhà rông mà vui mà mơ tưởng về những ngày mai êm ấm. Ở đó, họ gần như “tu” trước ngọn lửa. Lửa dạy cho họ tình thương đùm bọc. Lửa thắp trong họ tình yêu buôn làng. Lửa nuôi dưỡng nhiệt huyết và kỹ năng làm người.

Những lúc làng mở hội, đống lửa rừng bùng lên. Rừng ngập tràn người và bóng! Lửa thổn thức thâu đêm cùng men rượu cần, những tiếng hú dài mê dại, nhịp cồng chiêng trầm bổng miên man. Chân trần xoang, rừng rực quây tròn quanh ánh lửa ảo mờ như bước thần linh nâng nhịp. Người cùng Yàng, hồn cùng xác đê mê quanh lửa. Đêm, rồi đêm... lửa hồng hừng hực. Người Tây Nguyên sinh ra đã ngập tràn lửa vậy rồi! Một đời nuôi lửa. Một đời mang lửa.

Trong lối canh tác truyền thống “phát, đốt, chọc, tỉa”, lửa có vai trò to lớn làm nên một công đoạn nặng nhọc nhất, cơ bản nhất. Những ngọn lửa dọn sạch cỏ cây dây leo trên đám rẫy. Lửa chuyển hóa rác rưởi, cành mục thành tro than cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, cho đất. Lửa diệt sạch mầm mống sâu bệnh tiềm ẩn dịch hại mùa màng.

Trong việc hiến tế, giết thịt gia súc, thú rừng, bất kể con vật gì, người Tây Nguyên đều thui qua lửa. Hiến tế con trâu, bò, heo, dê, cách gọi phổ biến nhất là “đốt”. Đốt con bò được hiểu là hiến tế bò hoặc bị phạt bò cho làng. Từ hàng ngàn năm, lửa là một phần trong đời sống của người Tây Nguyên, là phương tiện sống, là hơi ấm, là ánh sáng, là niềm tin, là tâm linh, là triết lý, là gợi mở, là truyền kiếp!...

Theo truyền thuyết của người Tây Nguyên, từ xa xưa khi lửa và nước đánh nhau, lửa thua trốn vào lóng tre rừng thì thoát nạn. Qua nhiều đời, từ huyền thoại ấy, người Tây Nguyên đã biết dùng sợi dây rừng quấn bùi nhùi khô, cò cưa trên những ống tre khô mà “xin” lửa. Đó quả là một phát hiện, một liên tưởng vừa kỳ diệu, vừa bay bổng lại rất thiết thực trong cuộc sống. Ngày nay, dưới cái nhìn khoa học, cật tre, cật nứa chứa rất nhiều nguyên tố khoáng chất có độ rắn cao như silicat, ô xa lat can xi... Đó là những yếu tố giúp cho cật nứa sắc bén, vỏ tre nhám ráp làm nên độ ma sát cao dễ phát nhiệt sinh lửa khi bị cọ xát mạnh. Nó làm nên thần lửa của người Tây Nguyên!

Một thời khó khăn, khi phải đến những nơi công cộng chốn đô hội, người Tây Nguyên không sao nguôi được nỗi nhớ lửa. Một người đi bệnh viện, cả dòng người rồng rắn mang theo đủ thứ củi lửa. Đó là thứ năng lượng thần diệu trong đời, gắn với tiềm thức sâu thẳm của mỗi con người.

Ngọn lửa thiêng cao nguyên theo thời gian đã cháy, đã thắp lên giữa chốn núi rừng hoang lạnh hàng ngàn năm. Để bây giờ, ta có một Tây Nguyên mê man đầy chất lửa!

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202206/lua-cao-nguyen-5778943/