Lúa chặt bông - nông dân phấn khởi

Sau vụ lúa chiêm Xuân thắng lợi lớn, nông dân Đất Tổ lại tiếp tục có thêm một vụ lúa mùa bội thu với năng suất trung bình ước đạt 54,22 tạ/ha, tăng nhẹ so với vụ mùa năm 2020. Điều đáng nói là giá lúa năm nay giữ ở mức cao nên nông dân phấn khởi.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.

Những ngày này, đi dọc các xã của huyện Lâm Thao, đến đâu chúng tôi cũng được chia sẻ niềm vui được mùa lúa của bà con nông dân. Bà Kiều Thị Tú - Khu 11, xã Cao Xá hồ hởi nói: Vụ chiêm Xuân năm 2021, gia đình tôi đã thu hoạch lúa với năng suất ước đạt 2,4 tạ/sào (tăng 0,4 tạ/sào so với năm 2020). Năm nay lúa đỗ chặt bông, giá bán ổn định nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Cao Xá là xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao, trên 60%. Diện tích trồng lúa vụ Chiêm Xuân đạt 405ha, vụ mùa đạt 370ha. Địa phương đã đưa vào sản xuất nhiều loại giống lúa khác nhau ở cả hai vụ chính, đến nay, qua quá trình thử nghiệm và khẳng định chất lượng, J02 đã trở thành giống lúa chủ đạo trong vụ chiêm xuân ở Cao Xá.

Trước đây, với tư duy làm nông truyền thống, hạt lúa làm ra chất lượng không cao, giá bán trên thị trường thấp nên đời sống cứ mãi bấp bênh, luẩn quẩn với việc hết mùa lúa cũ đổi lấy một giống lúa mới. Để phá bỏ lối mòn trong sản xuất và tìm hướng đi mới cho cây lúa, từ nhiều năm nay, hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Đồng thời, chọn lọc những giống lúa chất lượng cao để đưa vào sản xuất, cho nên năng suất, chất lượng lúa và hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với các giống lúa truyền thống.

Ông Lê Tùng Lâm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Thao cho biết: Vụ chiêm Xuân năm 2021, huyện Lâm Thao gieo cấy gần 3.200ha lúa, năng suất ước đạt 67 tạ/ha (tăng 6,6 tạ/ha). Để đạt được kết quả trên, huyện đã làm tốt việc cơ cấu giống lúa, đưa các giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy. Huyện cũng chú trọng công tác cung ứng giống, không để xảy ra tình trạng thiếu giống, giống kém chất lượng; đồng thời hỗ trợ 70% lượng thuốc cấp phát cho các xã, thị trấn tổ chức đánh chuột tập trung và hướng dẫn các xã, thị trấn phun phòng trừ sâu, bệnh trên cây lúa…

Bên cạnh việc mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo thẳng, mạ làm khay, các địa phương cũng chú trọng đẩy mạnh đầu tư thâm canh, bón bổ sung, tăng lượng phân lân, tăng cường sử dụng Kali, phân bón lá trong giai đoạn lúa phân hóa đòng. Nhờ đó các trà lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt, tương đối sạch sâu bệnh.

Người dân xã Cao Xá, huyện Lâm Thao phấn khởi vụ chiêm Xuân năng suất cao.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cơ cấu giống đưavào sản xuất vụ Xuân năm nay được chọn lọc, tập trung hơn, diện tích các lúa giống mới, lúa chất lượng cao như: J01, J02, HT1, RVT, TBR225… được mở rộng thay thế dần cho các giống lúa truyền thống có năng suất và chất lượng hạn chế. Cùng với việc chuyển biến về cơ cấu giống, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực thực hiện dồn đổi ruộng đất, áp dụng các biện pháp canh tác mới vào sản xuất. Lúa được mùa có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay. Không chỉ bù đắp vào cán cân tăng trưởng chung của toàn tỉnh mà còn bảo đảm an ninh lương thực và ổn định tình hình chính trị.

Vụ lúa chiêm Xuân năm 2021, toàn tỉnh gieo cấy 36.101ha (đạt 101% kế hoạch), trong đó diện tích gieo cấy lúa thuần chất lượng cao đạt 18.600ha; diện tích gieo cấy giống lúa lai đạt 13.400ha.

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/lua-chat-bong-nong-dan-phan-khoi-181936